backup og meta

Mù màu

Mù màu

Bạn không thể phân biệt được các màu sắc? Đó có thể là dấu hiệu của bệnh mù màu. Đây thường là một tình trạng bẩm sinh nhưng có thể là kết quả của một số bệnh lý nhất định. 

Làm sao để biết được bạn bị bệnh mù màu? Hãy cùng đọc thêm bài viết này nhé.

TÌm hiểu chung

Mù màu là bệnh gì?

Bệnh mù màu là gì? Mù màu, còn được gọi là rối loạn sắc giác, là tình trạng xảy ra khi khả năng phân biệt màu sắc của mắt bị giảm. Cụ thể hơn, người bệnh thường gặp khó khăn trong việc phân biệt các sắc thái nhất định của màu đỏ và màu xanh lá cây. Trong khi đó, tình trạng mù màu không phân biệt được màu xanh dương và vàng thường ít phổ biến hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mù màu là gì?

Bị mù màu là như thế nào? Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của người bị mù màu là:

  • Không phân biệt được một số màu sắc nhất định, nhưng những màu khác thì có thể nhận ra được. Ví dụ như bạn không thể phân biệt được giữa màu đỏ và xanh lá cây nhưng bạn có thể nhận biết được màu xanh dương và màu vàng.
  • Chỉ thấy được màu đen, trắng và màu xám nhưng trường hợp này rất hiếm.
  • Có vấn đề về thị lực nhưng đa số người bệnh không phát hiện ra.
  • Chỉ thấy được một số sắc thái trong khi người bình thường có thể thấy được hàng nghìn sắc thái khác nhau.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa nếu nhận ra mình không thể phân biệt được một số màu sắc nhất định. Trẻ em cũng cần phải được khám mắt toàn diện, bao gồm cả kiểm tra thị lực và khả năng phân biệt màu sắc trước khi bắt đầu đi học.

Kiểm tra mù màu

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bệnh mù màu?

Hầu hết mọi người cho rằng tất cả các trường hợp mù màu đều là bẩm sinh. Tuy nhiên, một số loại thuốc hoặc bệnh, hoặc thậm chí quá trình lão hóa cũng có thể dẫn đến mù màu. Bạn có thể bị mù màu do:

  • Rối loạn di truyền. Tình trạng mù màu bẩm sinh này thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn phụ nữ. Thường là bạn sẽ mất khả năng nhìn ra màu đỏ – xanh lá, trong khi mù màu xanh dương – vàng thì hiếm gặp hơn. Bệnh có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Cả hai mắt đều có khả năng bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng thường sẽ không thay đổi trong suốt cuộc đời.
  • Do biến chứng của bệnh. Nếu bạn mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, nghiện rượu mạn tính, bệnh bạch cầu và thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, bạn cũng có thể bị mù màu. Những bệnh này thường ảnh hưởng đến một bên mắt, nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả hai bên. Sau khi điều trị các bệnh trên, chứng mù màu có thể giảm nhẹ hoặc được phục hồi.
  • Một số thuốc. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng phân biệt màu sắc, chẳng hạn như các thuốc điều trị bệnh tim, cao huyết áp, rối loạn chức năng cương dương, nhiễm trùng, rối loạn thần kinh và các vấn đề tâm lý.
  • Lão hóa. Khả năng phân biệt màu sắc bị thoái hóa dần theo độ tuổi.
  • Hóa chất. Tiếp xúc với một số hóa chất tại nơi làm việc, chẳng hạn như carbon disulfide và phân bón, có thể gây mất thị lực màu sắc.

nguyên nhân gây mù màu

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị mù màu?

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mù màu cao hơn nhiều so với phụ nữ. Bạn cũng có nhiều khả năng bị mù màu nếu bạn:

  • Có tiền sử gia đình bị mù màu
  • Mắc một số bệnh về mắt, như bệnh tăng nhãn áp hoặc thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD)
  • Có một số vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer hoặc bệnh đa xơ cứng (MS)
  • Uống một số loại thuốc ảnh hưởng đến võng mạc và dây thần kinh thị giác chẳng hạn như hydroxychloroquine.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán mù màu?

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng cách cho bạn làm một số bài test mù màu nhằm đánh giá khả năng phân biệt màu sắc của bạn. Bạn có thể được yêu cầu nhìn vào một bảng màu có hình chấm và cố gắng tìm một hình trong những chấm màu đó, đó có thể là một chữ cái hoặc một con số. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ xác định được bạn đang bị mù màu gì.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm một bài kiểm tra mù màu khác. Trong quá trình thực hiện bài kiểm tra này, bạn sẽ sắp xếp các màu sắc dựa theo sự tương đồng của chúng với nhau, nếu bạn bị mù màu, bạn sẽ xếp sai thứ tự.

Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng trẻ em nên khám mắt ở độ tuổi từ 3 tới 5. Tất cả các trẻ em trước khi đến trường phải được khám mắt ít nhất là một lần.

Những phương pháp nào dùng để điều trị mù màu?

điều trị mù màu

Bệnh mù màu có chữa được không? Đáng tiếc là không có cách nào chữa khỏi được hoàn toàn bệnh mù màu do di truyền. Trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do sử dụng thuốc hoặc do biến chứng từ các bệnh khác, việc điều trị giúp cải thiện khả năng màu.

Ngày nay, các nhà khoa học đã phát triển được một loại kính có khả năng lọc màu sắc, từ đó làm tăng độ tương phản giữa những màu mà bạn không thể phân biệt được và giúp bạn có thể nhận ra chúng tốt hơn. Loại kính này không giúp bạn điều trị được bệnh, chúng chỉ hỗ trợ khả năng phân biệt màu sắc của bạn thôi. Đeo kính làm giảm độ chói sáng cũng có thể có tác dụng giúp bạn phân biệt màu sắc tốt hơn.

Bên cạnh đó, bạn có thể khắc phục khiếm khuyết của mình bằng những phương pháp khác. Ví dụ như nếu bạn không thể phân biệt các màu khác nhau của đèn giao thông, bạn có thể nhớ vị trí của chúng để xác định màu.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn ngăn ngừa bệnh mù màu?

Bạn sẽ có thể sống chung tốt với bệnh mù màu bằng cách áp dụng các biện pháp sau:

  • Học cách nhớ thứ tự của các màu. Nếu bạn không thể phân biệt các màu sắc của đèn giao thông tốt, bạn có thể ghi nhớ thứ tự của các màu sắc để lưu thông trên đường an toàn.
  • Bạn có thể nhờ những người có khả năng nhìn màu bình thường xem giúp bạn màu sắc của những bộ quần áo và dán tên màu lên đó. Bạn cũng có thể nhờ họ sắp xếp sẵn những bộ quần áo nào phù hợp màu sắc với nhau và cất chung trong tủ. Đến khi lần sau bạn cần dùng, bạn chỉ cần mặc chúng và không cần phải lo lắng nó có hợp màu với nhau hay không.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Poor color vision. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/poor-color-vision/basics/definition/con-20022091. Ngày truy cập: 12/6/2016

Color Blindness. https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/color-blindness. Ngày truy cập: 14/05/2021

Color vision deficiency. https://medlineplus.gov/genetics/condition/color-vision-deficiency/. Ngày truy cập: 14/05/2021

What Is Color Blindness? https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-color-blindness. Ngày truy cập: 14/05/2021

Color Blindness. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11604-color-blindness. Ngày truy cập: 14/05/2021

Phiên bản hiện tại

28/07/2022

Tác giả: Uyên Phạm

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Nhức 1 bên mắt là bị gì? Điểm danh những nguyên nhân thường gặp

Mù màu ở trẻ nhỏ gây trở ngại đến cuộc sống của con


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Uyên Phạm · Ngày cập nhật: 28/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo