backup og meta

Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau là bệnh gì?

Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau là bệnh gì?

Nhiều người khi nghe nhắc đến tình trạng mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau thì chỉ nghĩ đến là do bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau là do đâu?

Mắt bị đỏ 1 bên hay cả hai mắt thường là do các mạch máu bị giãn ra hoặc viêm. Điều này làm cho bề mặt của phần lòng trắng mắt bị đỏ. Trong hầu hết các trường hợp, mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau là do một trong số các nguyên nhân dưới đây:

1. Dị ứng

Dị ứng chỉ một bên mắt có thể là nguyên nhân khiến mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau. Dị ứng mắt là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một chất gì đó gây dị ứng. Bạn có thể bị dị ứng mắt do tiếp xúc với lông thú cưng, bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất, nước hoa, mỹ phẩm, thuốc hoặc thậm chí là do thức ăn, bị côn trùng cắn.

Khi một chất gây dị ứng tiếp xúc với mắt, một số tế bào trong mắt (được gọi là tế bào mast) giải phóng histamin và các chất khác để chống lại chất gây dị ứng. Phản ứng này khiến mắt bị dị ứng có các triệu chứng sau đây:

  • Đỏ mắt
  • Ngứa mắt
  • Cảm giác bỏng rát
  • Chảy nước mắt
  • Sưng mắt
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng.

Tình trạng dị ứng mắt sẽ thuyên giảm nếu bạn vệ sinh mắt kịp thời và tránh xa các chất gây dị ứng.

2. Mắt bị đỏ 1 bên những không đau do khô mắt

Khô mắt xảy ra do đôi mắt của bạn giảm tiết nước mắt và/hoặc nước mắt bị bay hơi quá nhanh. 

Nguyên nhân gây khô mắt thường xuất phát từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày như: 

  • Thường xuyên nhìn vào màn hình laptop, điện thoại
  • Đeo kính áp tròng quá lâu
  • Hút thuốc lá

Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Dị ứng
  • Một số loại thuốc điều trị cũng có thể làm tăng nguy cơ khô mắt như thuốc trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc điều trị tăng nhãn áp, retinoid toàn thân,…
  • Một số vấn đề về thần kinh, tình trạng mắt, tình trạng tự miễn dịch và tình trạng nội tiết
  • Khô mắt sau phẫu thuật LASIK, phẫu thuật đục thủy tinh thể và phẫu thuật giác mạc.

Khô mắt sẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau hoặc đỏ cả 2 bên mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Châm chích mắt
  • Mắt mờ hoặc thay đổi tầm nhìn
  • Mắt tiết dịch nhầy hoặc nước mắt thừa.

mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau do khô mắt

3. Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc)

Bị đau mắt đỏ 1 bên là tình trạng nhiễm trùng mắt phổ biến nhất xảy ra do vi khuẩn, virus hoặc các chất gây kích ứng, dị ứng khác xâm nhập vào mắt.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau hoặc đỏ cả hai bên
  • Ngứa ở 1 hoặc cả hai bên mắt
  • Cảm giác cộm ở 1 hoặc cả hai mắt
  • Chảy dịch ở 1 hoặc cả hai mắt
  • Mắt đổ ghèn
  • Nhạy cảm với ánh sáng.

Vì đau mắt đỏ 1 bên mắt sẽ dễ dàng lây lan sang mắt còn lại hoặc lây cho những người xung quanh nên cần chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp điều trị, phòng ngừa nhất định.

4. Trầy xước giác mạc khiến mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau

Trầy xước giác mạc là có vết xước trên lớp bên ngoài trong suốt, bảo vệ ở phía trước mắt (giác mạc). Giác mạc có thể bị trầy xước do mắt chúng ta vô tình tiếp xúc với bụi, đất, cát, dăm gỗ, hạt kim loại,… hoặc do đeo kính áp tròng nhiều hay thậm chí là bị xước giác mạc do mép của một tờ giấy quẹt vào mắt.

Các triệu chứng sẽ bao gồm:

  • Đỏ 1 bên mắt bị ảnh hưởng, có thể không đau hoặc đau
  • Cảm giác cộm trong mắt
  • Ngứa ngáy
  • Mờ mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Chảy nước mắt.

Hầu hết các vết trầy xước giác mạc sẽ lành sau vài ngày nhưng nhiều trường hợp cần được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc bôi kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Trong trường hợp bị mài mòn giác mạc, hãy thăm khám với bác sĩ ngay lập tức. Nếu không được điều trị, vết trầy xước có thể bị nhiễm trùng và dẫn đến loét giác mạc.

5. Xuất huyết dưới kết mạc

Xuất huyết dưới kết mạc là tình trạng mạch máu nhỏ bị vỡ ngay bên dưới kết mạc (phần lòng trắng của mắt). Dấu hiệu rõ ràng nhất của xuất huyết dưới kết mạc là lòng trắng mắt bị đỏ hoặc xuất hiện một đốm màu đỏ tươi trên lòng trắng mắt.

Điều này thường xảy ra do vỡ mạch máu trên bề mặt mắt khi bạn:

  • Căng thẳng
  • Ho dữ dội
  • Hắt hơi mạnh
  • Nôn mửa nhiều
  • Dụi mắt mạnh
  • Chấn thương mắt.

Thông thường, tình trạng này sẽ không làm ảnh hưởng đến thị lực, không gây tiết dịch hoặc đau đớn gì. Nó chỉ khiến bệnh nhân khó chịu vì có cảm giác cộm trên bề mặt mắt. Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau do xuất huyết dưới kết mạc có thể biến mất sau khoảng 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị.

mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau do xuất huyết dưới kết mạc

Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau có thể lây sang mắt còn lại không?

Hầu hết trường hợp mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau kể trên sẽ không lây sang mắt còn lại, trừ bệnh đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng do virus, vi khuẩn gây ra nên thường bắt đầu ở một bên mắt và sau đó sẽ lây nhiễm sang mắt kia chỉ trong vòng 1 đến 2 ngày. Khả năng lây lan cực kỳ cao nên hầu hết mọi biện pháp lúc này chỉ giúp giảm bớt nguy cơ chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn việc bị lây nhiễm sang mắt còn lại.

Vì vậy, khi thấy mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau mà chưa rõ nguyên nhân thì bạn nên: 

  • Chăm sóc thật kỹ bên mắt bị ảnh hưởng và theo dõi bên mắt còn lại
  • Dùng khăn lau riêng để vệ sinh từng mắt
  • Vệ sinh mắt bình thường trước, mắt bị đỏ sau
  • Thăm khám và điều trị sớm nếu cần để giảm thiểu khả năng lây nhiễm.

Các biện pháp khắc phục ngay tại nhà

Nếu mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau và thị lực cũng không bị ảnh hưởng, thì tình trạng này có thể không quá nghiêm trọng và sẽ tự khỏi sau một vài ngày.

Lúc này, bạn nên thực hiện các biện pháp sau để tình trạng đỏ mắt nhanh khỏi:

  • Cho mắt được nghỉ ngơi
  • Chườm mát hoặc chườm ấm lên mắt
  • Nhẹ nhàng xoa mí mắt
  • Nhẹ nhàng vệ sinh từng bên mắt
  • Dùng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt natri clorid 0.9%
  • Không dụi mắt
  • Không đeo kính áp tròng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể phòng ngừa tái phát tình trạng đỏ mắt bằng các biện pháp sau:

  • Ngừng thói quen dụi mắt
  • Vệ sinh kính áp tròng và dùng kính đúng theo hướng dẫn
  • Tẩy trang mắt đúng cách và giữ cho đôi mắt luôn sạch sẽ
  • Không dùng chung khăn tắm với khăn mặt
  • Thay vỏ gối, chăn, drap thường xuyên
  • Vứt bỏ mỹ phẩm mắt cũ đã hết hạn sử dụng, chẳng hạn như mascara.
  • Không dùng chung mỹ phẩm mắt hoặc các vật dụng chăm sóc mắt với người khác
  • Nghỉ giải lao thường xuyên khi phải làm việc với máy tính trong thời gian dài
  • Chớp mắt thường xuyên để kích thích tiết nước mắt
  • Tránh những thứ có thể gây kích ứng mắt như bụi, khói hoặc lông thú cưng
  • Bảo vệ đôi mắt khi ra ngoài bằng kính râm hoặc kính đeo mắt
  • Sử dụng máy hút ẩm và vệ sinh không gian sinh hoạt thường xuyên
  • Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau khi nào cần đi khám

Hầu hết trường hợp mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau sẽ không nguy hiểm và không cần điều trị. Tuy nhiên, có những tình trạng gây đỏ mắt có thể nghiêm trọng hơn.

Hãy liên hệ với bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị nếu mắt bị đỏ 1 bên kèm theo:

  • Mắt bị đỏ ở trẻ dưới 2 tuổi
  • Đau nhức mắt
  • Mờ mắt
  • Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng
  • Mắt bị đỏ không cải thiện sau 1 tuần
  • Mắt tiết ra nhiều mủ
  • Mắt đổ nhiều ghèn
  • Sốt cao
  • Sưng tấy và cảm giác khó chịu ở mắt.

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu:

  • Mắt bị đỏ sau khi bị chấn thương đâm vào mắt
  • Có dị vật mắc kẹt trong mắt
  • Mắt bị đỏ kèm theo đau đầu, mờ mắt hoặc lú lẫn
  • Nhìn thấy hào quang giống như quầng sáng nhiều màu xung quanh đèn
  • Buồn nôn và nôn
  • Mắt đỏ ở trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi.

Trong hầu hết các trường hợp, mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau thường không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu thuộc các trường hợp ở trên, bạn nên đi khám để được kiểm tra mắt càng sớm càng tốt.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Red Eye. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17690-red-eye. Ngày truy cập: 11/04/2023

Eye redness. https://medlineplus.gov/ency/article/003031.htm. Ngày truy cập: 11/04/2023

Causes. https://www.mayoclinic.org/symptoms/red-eye/basics/causes/sym-20050748. Ngày truy cập: 11/04/2023

Red eye. https://www.nhs.uk/conditions/red-eye/. Ngày truy cập: 11/04/2023

What Are Eye Allergies? https://www.aao.org/eye-health/diseases/allergies. Ngày truy cập: 11/04/2023

Dry Eye. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24479-dry-eye. Ngày truy cập: 11/04/2023

Corneal abrasion (scratch): First aid. https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-corneal-abrasion/basics/art-20056659. Ngày truy cập: 11/04/2023

Pink eye (conjunctivitis). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355. Ngày truy cập: 11/04/2023

Subconjunctival hemorrhage (broken blood vessel in eye). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/subconjunctival-hemorrhage/symptoms-causes/syc-20353826. Ngày truy cập: 11/04/2023

Phiên bản hiện tại

14/04/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Mắt bị đỏ: Nguyên nhân và cách điều trị

Nhận biết triệu chứng đau mắt hột theo từng giai đoạn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 14/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo