backup og meta

Hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số

Hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số

Tìm hiểu chung

Hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số là gì?

Hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số (digital eye strain), hay còn gọi là hội chứng thị giác màn hình (CVS), là thuật ngữ mô tả các vấn đề liên quan đến mắt và thị lực do nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử như máy vi tính, điện thoại, máy tính bảng… trong thời gian dài.

Rất nhiều người trải qua cảm giác khó chịu ở mắt và thị lực có vấn đề sau khi nhìn vào màn hình kỹ thuật số trong khoảng thời gian dài. Mức độ khó chịu thường tỷ lệ thuận với lượng thời gian bạn nhìn vào màn hình.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số là gì?

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số là:

  • Mỏi mắt
  • Đau đầu
  • Tầm nhìn bị mờ đi
  • Nhìn đôi (song thị)
  • Khô, rát mắt
  • Đỏ mắt
  • Chảy nước mắt
  • Đau cổ và vai

Mức độ biểu hiện của các triệu chứng này còn tùy thuộc vào thị lực hiện tại và thời gian nhìn vào màn hình kỹ thuật số. Các vấn đề thị lực chưa được điều trị như viễn thị, loạn thị, khả năng tập trung hay phối hợp của mắt kém, những thay đổi ở mắt do lão hóa cũng đều góp phần làm nặng thêm các triệu chứng.

Thông thường, các triệu chứng này chỉ xuất hiện tạm thời và giảm bớt hay biến mất sau khi ngừng các hoạt động trên máy vi tính hay thiết bị kỹ thuật số khác. Tuy nhiên, triệu chứng ở một số người có thể vẫn kéo dài cả khi đã ngừng nhìn vào màn hình, làm giảm thị lực như mờ mắt.

Nếu không có biện pháp can thiệp để giải quyết nguyên nhân chính, các triệu chứng sẽ tiếp tục tái phát và trở nên nặng hơn trong tương lai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số là gì?

Nhìn liên tục vào màn hình kỹ thuật số trong thời gian dài khiến cho mắt phải điều tiết nhiều hơn. Do đó, bạn sẽ dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến thị giác.

Nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng này thường là:

  • Ánh sáng không phù hợp
  • Nhìn chăm chú vào màn hình kỹ thuật số
  • Khoảng cách từ mắt đến màn hình quá gần
  • Tư thế ngồi không đúng
  • Các vấn đề về thị lực chưa được điều trị
  • Sự kết hợp các yếu tố trên

Phản ứng của mắt khi nhìn vào màn hình kỹ thuật số cũng khác với khi nhìn vào các tài liệu giấy. Mắt sẽ không gặp khó khăn khi tập trung nhìn vào các giấy tờ với những nội dung được in trên giấy vì chúng có độ sắc nét tương đồng như nhau. Thế nhưng, hình ảnh và các ký tự chữ, số hiển thị trên màn hình kỹ thuật số lại không có cùng mức độ tương phản và sắc nét như nhau.

Hình ảnh và ký tự trên màn hình được tạo nên từ vô số những điểm ảnh nhỏ (pixel), sáng nhất ở trung tâm và giảm dần cường độ sáng sang hai bên. Điều này khiến mắt khó tập trung hơn. Thay vào đó, mắt lại muốn điều tiết đến điểm nghỉ của quá trình điều tiết (RPA) để giảm bớt mức độ tập trung.

Khi mắt vô tình điều tiết đến điểm RPA rồi sau đó lấy lại sự tập trung nhìn vào màn hình, các cơ trong mắt sẽ hoạt động liên tục và gây mỏi mắt. Đó là lý do bạn gặp phải các triệu chứng liên quan trong và sau khi dùng máy tính hay nhìn màn hình kỹ thuật số liên tục.

mỏi mắt kỹ thuật số

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số?

Hội chứng này có thể được chẩn đoán nhờ vào quá trình kiểm tra mắt toàn diện. Bác sĩ có thể thực hiện:

  • Kiểm tra tiền sử bệnh để xác định các triệu chứng đang gặp phải và tình trạng sức khỏe chung. Đồng thời, họ cũng hỏi bạn về các loại thuốc đang sử dụng và các yếu tố môi trường có thể góp phần gây ra các triệu chứng khi dùng máy tính lâu dài.
  • Đo thị lực để đánh giá mức độ thị lực bị ảnh hưởng.
  • Kiểm tra các tật khúc xạ ở mắt như cận thị, viễn thị hay loạn thị để có biện pháp điều trị thích hợp.
  • Kiểm tra khả năng tập trung và phối hợp của mắt để tìm kiếm các vấn đề khiến mắt không tập trung được hoặc gây khó khăn trong việc phối hợp hai mắt.

Các thử nghiệm này có thể được thực hiện mà không cần dùng thuốc nhỏ mắt, chỉ cần xác định phản ứng của mắt trong điều kiện nhìn bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp như khả năng tập trung của mắt không xác định được, bạn có thể cần phải dùng thuốc nhỏ mắt. Chúng giúp cho mắt tạm thời không thay đổi tiêu điểm khi thực hiện các thử nghiệm.

Dựa trên các kết quả thu thập được, bác sĩ nhãn khoa có thể chẩn đoán bạn có mắc hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số hay không. Từ đó, bạn sẽ được tư vấn về các lựa chọn điều trị.

Những phương pháp điều trị hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số

Có rất nhiều biện pháp giúp cải thiện và điều trị các vấn đề thị lực do hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số gây nên. Đa số trường hợp, các triệu chứng sẽ giảm bớt nhờ chăm sóc mắt thường xuyên và thay đổi cách nhìn vào màn hình kỹ thuật số.

Chăm sóc mắt

Nhiều người cảm thấy ít gặp phải các triệu chứng mỏi mắt kỹ thuật số hơn khi đeo kính trong lúc nhìn vào màn hình máy tính hay các thiết bị kỹ thuật số khác. Ngoài ra, những người đang đeo kính vì tật khúc xạ cũng cần đi kiểm tra định kỳ để mắt luôn ở trạng thái tốt.

Một số người gặp vấn đề với việc tập trung hay phối hợp mắt khi nhìn vào màn hình kỹ thuật số mà không thể điều chỉnh được bằng kính mắt. Khi đó, một chương trình điều chỉnh thị lực sẽ giúp điều trị các vấn đề cụ thể này. Chúng giúp mắt và não bộ luyện tập phối hợp hiệu quả hơn, khắc phục các thiếu sót trong chuyển động mắt, khả năng tập trung của mắt.

Thay đổi thói quen nhìn vào màn hình kỹ thuật số

Tư thế ngồi sử dụng máy vi tính hay thói quen khi dùng các thiết bị kỹ thuật số góp phần quan trọng trong việc cải thiện các triệu chứng của hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số. Các yếu tố liên quan bao gồm điều kiện ánh sáng, sự thoải mái của ghế ngồi, vị trí các đồ vật trên bàn, vị trí tài liệu cần thiết và thời gian sử dụng các thiết bị điện tử này.

  • Vị trí màn hình. Mắt thường cảm thấy thoải mái hơn khi nhìn vào màn hình máy tính từ trên xuống. Khoảng cách tối ưu là để tâm màn hình thấp hơn tầm mắt từ 10-12cm và khoảng cách từ mắt đến màn hình từ 50-71cm.
  • Vị trí của tài liệu tham khảo. Khi bạn cần nhìn vào tài liệu và màn hình liên tục, hãy để tài liệu phía bên trên bàn phím và bên dưới màn hình máy tính. Nếu không được, hãy cố gắng sắp xếp để tài liệu ngay bên cạnh màn hình. Điều đó sẽ giúp bạn không cần di chuyển đầu, cổ quá nhiều để thay đổi điểm nhìn từ màn hình qua tài liệu.
  • Ánh sáng. Bạn nên tìm vị trí đặt màn hình để tránh ánh sáng quá chói, nhất là từ các nguồn ánh sáng trên cao.
  • Màn hình chống chói. Nếu không thể giảm bớt độ chói sáng từ các nguồn ánh sáng, bạn có thể cân nhắc sử dụng thêm tấm chống chói cho màn hình máy tính.
  • Tư thế ngồi. Bạn phải lựa chọn ghế ngồi phù hợp, thoải mái. Ghế cần phải điều chỉnh được sao cho bàn chân có thể đặt phẳng và vuông góc với mặt sàn. Nếu ghế có phần kê tay thì chúng cũng cần được điều chỉnh để giúp nâng đỡ cánh tay bạn khi gõ bàn phím. Cổ tay không nên để trên mặt bàn trong khi bạn gõ phím.
  • Nghỉ ngơi. Để tránh bị mỏi mắt, bạn hãy cố gắng dành các khoảng thời gian ngắn để mắt nghỉ ngơi khi phải dùng máy tính liên tục, lâu dài. Bạn có thể thử áp dụng quy tắc 20-20-20, cứ sau mỗi 20 phút nhìn vào màn hình hãy nhìn ra xa khoảng 6m trong 20 giây.
  • Chớp mắt. Để giảm bớt tình trạng khô mắt khi sử dụng máy tính liên tục, hãy cố gắng chớp mắt thường xuyên. Động tác này giúp cho mắt được cung cấp thêm nước, giữ cho mắt luôn có độ ẩm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm bớt các triệu chứng khô mắt, mỏi mắt, đỏ mắt nhờ các sản phẩm thuốc nhỏ mắt như nước mắt nhân tạo để giúp cung cấp thêm độ ẩm cho đôi mắt.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số?

Các cách giúp giảm bớt triệu chứng của hội chứng này cũng giúp phòng ngừa cho tình trạng mỏi mắt, khô mắt xảy ra khi nhìn lâu vào màn hình kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, đừng quên đến gặp bác sĩ định kỳ để kiểm tra mắt thường xuyên và được hướng dẫn cách bảo vệ đôi mắt luôn sáng, khỏe.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Computer Vision Syndrome. https://www.aoa.org/patients-and-public/caring-for-your-vision/protecting-your-vision/computer-vision-syndrome. Ngày truy cập 10/03/2020.

Digital eye strain. http://www.alleyesonrockville.com/computer-vision-syndrome. Ngày truy cập 10/03/2020.

Eyestrain. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eyestrain/symptoms-causes/syc-20372397. Ngày truy cập 10/03/2020.

Phiên bản hiện tại

14/05/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ BỆNH GLÔCÔM

Đỏ mắt khi ngồi máy tính nhiều & cách bảo vệ mắt sáng khỏe


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo