Thai máy là dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết bé yêu đang phát triển khỏe mạnh trong bụng mình, vì mẹ chính là người đầu tiên cảm nhận được điều này. Vậy thai máy là gì? Thai bao nhiêu tuần thì máy?
Tất tần tật những thắc mắc xoay quanh vấn đề thai máy sẽ được Hello Bacsi giải đáp thông qua bài viết bên dưới. Các mẹ hãy cùng theo dõi nhé!
Thai máy là gì? Thai bao nhiêu tuần thì máy?
1. Thai máy là gì?
Thai máy (hay còn được gọi là cử động thai) là những chuyển động của thai nhi bên trong bụng mẹ mà mẹ bầu có thể cảm nhận được. Trong dân gian, các cử động thai này được gọi vui là bé đạp bụng mẹ hoặc bé vươn vai trúng mẹ…
2. Thai bao nhiêu tuần thì máy?
Mang thai bao nhiêu tuần thì mẹ cảm nhận được thai máy? Theo các chuyên gia về sức khỏe sinh sản, thai nhi sẽ bắt đầu chuyển động từ tuần thứ 7 hoặc thứ 8 của thai kỳ, nhưng phải đến khoảng thời gian từ tuần 16 đến tuần 22, mẹ bầu mới bắt đầu cảm nhận được các chuyển động của thai nhi (thai máy). Cụ thể hơn, những mẹ đã sinh nhiều lần sẽ cảm nhận thai máy sớm hơn những mẹ mang thai lần đầu.
Cần lưu ý là nếu sau 24 tuần mang thai mà bạn vẫn chưa cảm nhận được sự chuyển động của con thì nên sớm đi khám để xác định nguyên nhân cụ thể hoặc để bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết các cử động của con.
Tại sao mẹ cần quan tâm đến thai máy?
Chuyển động thai nhi được xem là biểu hiện đánh giá sức khỏe của em bé trong bụng mẹ. Do đó, mọi sự thay đổi của chuyển động đều là dấu hiệu cho mẹ bầu biết rằng, em bé đang khỏe mạnh hay bé yêu cần được chăm sóc y khoa kịp thời. Do đó, việc đếm số lần cử động của bé (đếm cử động của thai nhi) là cần thiết, nhất là từ tuần 28 cho đến tháng cuối thai kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Mách mẹ bầu cách theo dõi thai máy
Ngoài việc đi tìm câu trả lời cho thắc mắc thai bao nhiêu tuần thì máy hay mang thai bao nhiêu tuần thì thai máy, các mẹ bầu cũng quan tâm đến việc làm thế nào để theo dõi thai máy đúng cách.
Thực tế, việc theo dõi thai máy hay đếm cử động thai rất dễ thực hiện tại nhà với những bước đơn giản như sau:
- Chọn vài thời điểm mà mẹ có thể tập trung nhất, thường là sau bữa ăn, hoặc sau khi ngủ dậy
- Nằm nghiêng về bên trái hoặc ngồi thẳng lưng, hai chân chống lên.
- Đặt tay lên bụng và tập trung đếm số chuyển động của thai trong vòng khoảng 1 giờ. Các chuyển động này có thể là đá, đấm, xoay hoặc cuộn tròn.
Sau một vài ngày đếm thai máy, mẹ sẽ biết được mỗi ngày bé con trong bụng sẽ chuyển động bao nhiêu lần và tính được số lần chuyển động trung bình của con là bao nhiêu. Mặc dù, củ động thai ở mỗi thai nhi sẽ khác nhau, nhưng mẹ cũng cần quan tâm đến vài con số sau:
- Nếu trong vòng 1 giờ thực hiện, có ít nhất 4 cử động thì báo hiệu rằng bé đang rất khỏe mạnh.
- Hoặc thường bé con sẽ có khoảng 10 cử động trong vòng khoảng 2 giờ, nếu ít hơn con số này, mẹ có thể tiếp tục theo dõi tiếp 2 giờ nữa vì có thể lúc đó thai đang ngủ, nếu vẫn tiếp tục ít hơn 10 cử động, mẹ nên tìm đến khảo sát của nhân viên y tế.
Thai máy như thế nào là bất thường?
Bên cạnh đếm số thai máy trong ngày, thì một số trường hợp chuyển động của thai nhi dưới đây cũng là dấu hiệu cảnh báo mẹ cần đến bác sĩ để kiểm tra sớm, gồm:
1. Thai không máy
Bắt đầu từ lần đầu thai máy, nếu đột nhiên thai không máy (không chuyển động) hay số lượng chuyển động thấp hơn rất nhiều so với chuyển động trung bình thì chứng tỏ bé có nguy cơ gặp nguy hiểm trong bụng mẹ. Trong tình huống này, rất có thể là con không nhận được lượng oxy cần thiết và các dưỡng chất thiết yếu.
Có thể bạn quan tâm
2. Xuất hiện triệu chứng bất thường
Một số trường hợp thai không máy, kèm theo những triệu chứng của mẹ bầu như nôn mửa, xuất huyết âm đạo, không căng ngực hay co thắt tử cung… Đây chính là các dấu hiệu báo hiệu thai nhi đang có dấu hiệu nguy hiểm, mẹ cần đến bệnh viện ngay.
3. Thai máy quá nhiều
Mặc dù, thai máy là biểu hiện bé đang khỏe mạnh nhưng việc “bé đạp mẹ” quá nhiều lại là dấu hiệu cho thấy em bé đang bị stress, tức là đang phải ứng phó với một tình trạng bất lợi trong tử cung, đôi khi cơn tăng đường huyết ở mẹ cũng khiến thai máy rất nhiều.
Thực tế, so với việc thai máy ít hay không máy thì thai đột ngột máy nhiều ít nguy hiểm hơn, thông thường là không quá đáng lo ngại, nhưng không phải an toàn tuyệt đối nếu thai kỳ đang kèm theo những vấn đề biến chứng khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Lưu ý gì khi theo dõi thai máy hay đếm cử động thai
Sau đây là một vài lưu ý mà mẹ bầu cần biết khi theo dõi thai máy:
- Mỗi ngày nên đếm thai máy từ 2 – 3 lần và nên thực hiện vào cùng khung giờ cố định để theo dõi sự thay đổi dễ dàng hơn và dễ nhận ra bất thường hơn.
- Trước khi đếm cử động thai, mẹ nên đi tiểu để bàng quang được trống. Đây là các để mẹ cảm nhận rõ ràng hơn về những cử động của thai nhi.
- Nếu bé đạp ít hơn so với thường ngày, nhưng vẫn nằm trong khoảng an toàn, mẹ có thể thực hiện một số hành động kích thích bé phản ứng như thay đổi tư thế từ ngồi sang nằm hoặc đứng dậy đi bộ nhẹ nhàng; ăn một chút thức ăn, nghe những bản nhạc yêu thích… hoặc đợi một khoảng thời gian và thực hiện đếm lại cử động thai.
Chắc hẳn qua bài viết trên, mẹ bầu đã nắm rõ “thai bao nhiêu tuần thì mẹ cảm nhận được thai máy” rồi đúng không. Hello Bacsi mong rằng, với những thông tin được chia sẻ ở trên sẽ giúp mẹ bầu quan sát và theo dõi con tốt hơn trong suốt thai kỳ.
[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]