backup og meta

7 cách giảm huyết áp cao khi mang thai để có thai kỳ khỏe mạnh

7 cách giảm huyết áp cao khi mang thai để có thai kỳ khỏe mạnh

Huyết áp cao không chỉ xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi mà một số mẹ bầu cũng có thể đối mặt với tình trạng này. Tăng huyết áp khi mang thai có thể gây ra một số biến chứng như tiền sản giật, bệnh tim mạch, nhau bong non, sinh bé nhẹ cân… nếu không được kiểm soát. Tùy vào mức độ mà sẽ được bác sĩ tư vấn điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng; dùng thuốc hạ áp hoặc cả hai. Do đó, việc biết cách giảm huyết áp cao khi mang thai là rất quan trọng để hạn chế rủi ro cho mẹ và bé.

Nếu bạn được chẩn đoán cao huyết áp khi mang thai và đang tìm cách kiểm soát huyết áp cho bà bầu hiệu quả thì có thể tham khảo 7 giải pháp mà Hello Bacsi tổng hợp sau đây.

1. Cách giảm huyết áp cao khi mang thai: Hạn chế gia vị muối trong thức ăn

Mặc dù cơ thể bạn vẫn cần một lượng natri nhỏ nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều natri có thể dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, cách giảm huyết áp cao khi mang thai cần được ưu tiên đó là hạn chế nêm muối vào trong thức ăn. Gợi ý là mẹ có thể sử dụng những gia vị khác thay thế muối như bột tiêu chanh (lemon pepper) hoặc các loại thảo mộc để giúp món ăn không mất vị thơm ngon.

Bên cạnh đó, thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn nhanh cũng chứa rất nhiều muối không tốt cho mẹ bầu bị cao huyết áp nên cần hạn chế. Trong trường hợp bạn có nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn thì cần chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp.

2. Bổ sung ngũ cốc và thực phẩm giàu kali

cách giảm huyết áp cao khi mang thai

Nếu mẹ yêu thích ăn chuối thì nên duy trì sở thích này trong thai kỳ. Không chỉ chuối mà một số thực phẩm khác như khoai lang, mận khô, nho khô, cà chua, đậu tây… cũng rất giàu kali giúp hỗ trợ bạn kiểm soát tình trạng cao huyết áp tuy nhiên các loại trái cây khô lại chứa rất nhiều đường nên chỉ ăn lượng vừa phải. Không những vậy, kali còn là một khoáng chất quan trọng trong thai kỳ. Kali giúp duy trì cân bằng chất lỏng và điện giải; hỗ trợ truyền các xung điện thần kinh, co cơ và giải phóng năng lượng từ carbohydrate, chất béo và protein.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ cũng là thực phẩm lý tưởng trong việc giúp mẹ bầu giảm huyết áp nên đừng bỏ qua nhé.

3. Cách giảm huyết áp cao khi mang thai: Mẹ nên tập thể dục đều đặn

Phụ nữ ít vận động  có thể dễ mắc một số rối loạn chuyển hóa có thể tăng nguy cơ tăng huyết áp khi mang thai. Vì vậy, việc tập thể dục và vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ là rất quan trọng. Vận động không chỉ giúp giảm căng thẳng, tăng cường lưu thông máu, giảm huyết áp mà còn tác động tích cực đến sức khỏe của em bé sau này.

Đối với hầu hết mẹ bầu, việc đi bộ từ 30 đến 45 phút mỗi ngày hoặc vận động tay tại chỗ là hoạt động thể chất đơn giản, nhẹ nhàng và an toàn. Do đó, mẹ không cần phải tập những bài tập khó hoặc chuyên sâu. Chỉ cần dành thời gian để đi bộ mỗi ngày cũng có thể đem đến nhiều lợi ích cho thai kỳ, bao gồm cả việc kiểm soát huyết áp.

4. Làm những điều giúp bạn thư giãn

Dù mang thai hay không, sự căng thẳng cũng có thể làm cho huyết áp của bạn tăng vọt. Vì vậy, việc loại bỏ những lo lắng, căng thẳng và áp lực cũng là cách giảm huyết áp cao khi mang thai khá quan trọng. Đặc biệt là những mẹ có nguy cơ hoặc đã được chẩn đoán cao huyết áp. Một số cách thư giãn lý tưởng mà mẹ có thể thử trong thai kỳ thường là yoga, thiền, nghe nhạc, tập hít thở…

Những phương pháp này không chỉ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu, thư thái và bình tĩnh hơn mà còn có thêm những lợi ích như gia tăng sự gắn kết của mẹ và bé, kiểm soát tốt cơn đau chuyển dạ khi tới ngày sinh….

5. Tránh dung nạp chất kích thích

cách giảm huyết áp cao khi mang thai

Chắc hẳn bạn đã biết thuốc lá, rượu bia và ma túy đều là những tác nhân gây hại cho sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi. Đối với mẹ bầu cao huyết áp, việc dung nạp các chất kích thích càng gây nhiều rủi ro hơn nên cần tránh tuyệt đối nhé! Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá trước đó, hãy nhờ bác sĩ tư vấn và hỗ trợ cách cai thuốc hiệu quả.

6. Theo dõi sát sao cân nặng khi mang thai

Thừa cân là một yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp trong thai kỳ. Không những vậy, thừa cân còn làm trầm trọng thêm các tình trạng như đau lưng, chuột rút ở chân, trĩ, tiểu đường thai kỳ, đau nhức khớp… Vì vậy, mẹ không nên chủ quan với vấn đề cân nặng mà cần đảm bảo rằng việc tăng cân khi mang thai không vượt quá giới hạn an toàn.

Thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục phù hợp, hầu như các mẹ có thể đạt được cân nặng hợp lý. Có thể nói, kiểm soát cân nặng cũng được xem là một trong những cách giảm huyết áp cao khi mang thai. Trong trường hợp mẹ gặp khó khăn trong việc tăng cân hợp lý thì hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nhé!

7. Luôn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Nếu bạn được bác sĩ yêu cầu dùng thuốc điều trị cao huyết áp, hãy nhớ rằng luôn uống thuốc theo đúng hướng dẫn. Mẹ tuyệt đối không tự ý ngưng uống thuốc hoặc tự điều chỉnh liều lượng để đảm bảo an toàn và giúp việc điều trị đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhìn chung, mẹ bầu hoàn toàn có thể áp dụng những cách giảm huyết áp khi mang thai không cần dùng thuốc, những phương pháp trên đây là những lời khuyên sức khỏe hữu ích cho cả các bầu có và chưa có các rối loạn bệnh lý. Tuy nhiên, nếu phải dùng thuốc thì mẹ nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp. Song song đó, mẹ nên đi khám thai đầy đủ để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Qua đó bác sĩ có thể can thiệp, xử lý kịp thời nếu có biến chứng thai kỳ xảy ra.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

7 ways to lower blood pressure during pregnancy

https://www.mother.ly/pregnancy/7-ways-to-lower-blood-pressure-during-pregnancy/ Truy cập ngày 21/04/2022

How To Lower Your High Blood Pressure During Pregnancy?

https://www.medicoverhospitals.in/articles/how-to-lower-your-high-blood-pressure-during-pregnancy Truy cập ngày 21/04/2022

High blood pressure treatment in pregnancy is safe, prevents maternal heart risks

https://newsroom.heart.org/news/high-blood-pressure-treatment-in-pregnancy-is-safe-prevents-maternal-heart-risks Truy cập ngày 21/04/2022

HIGH BLOOD PRESSURE DURING PREGNANCY

https://www.marchofdimes.org/complications/high-blood-pressure-during-pregnancy.aspx Truy cập ngày 21/04/2022

High blood pressure and pregnancy: Know the facts

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20046098 Truy cập ngày 21/04/2022

Phiên bản hiện tại

03/05/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Tập thể dục cho mẹ bầu: Những lưu ý về an toàn mẹ cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 03/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo