Các mẹ có thể yên tâm rằng đi tiểu nhiều khi mang thai trong hầu hết trường hợp là hoàn toàn bình thường. Hiện tượng này xảy ra là vì cơ thể mẹ đang có nhiều thay đổi trong thai kỳ. Cụ thể, các nguyên nhân chính làm tăng tần suất đi tiểu khi bầu bí bao gồm:
- Lượng máu trong cơ thể mẹ bầu đang tăng gần gấp đôi so với trước khi mang thai. Điều này có nghĩa là cơ thể đang có nhiều chất lỏng hơn để thận xử lý.
- Khi mang thai, thận của mẹ cũng hoạt động hiệu quả hơn trong việc bài tiết chất thải. Điều này khiến bàng quang thường xuyên đầy lên và cần được làm rỗng liên tục.
- Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến các cơ trơn của đường tiết niệu giãn ra trong đó có cơ trợn bàng quang, niệu đạo. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng giữ nước tiểu của mẹ cũng sẽ kém hơn.
- Càng về cuối thai kỳ, kích thước tử cung ngày càng lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang. Thêm vào đó, khi em bé quay đầu, di chuyển xuống dưới vào khung chậu của mẹ bầu cũng sẽ đè lên bàng quang và làm tăng cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.
- Đối với một số trường hợp, cơ sàn chậu yếu cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều khi mang thai. Bởi vì cơ sàn chậu là cơ hỗ trợ các cơ quan của xương chậu như bàng quang, tử cung và ruột.
Đi tiểu thường xuyên khi mang thai có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nào đó không?

Mặc dù không cần quá lo lắng về vấn đề bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày là bình thường nhưng đôi khi, đi tiểu nhiều có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu (nhiễm trùng đường tiết niệu). Đây là vấn đề sức khỏe có thể gây rủi ro cho thai kỳ. Nhiễm trùng tiểu khi mang thai không được điều trị có thể gây chuyển dạ sinh non, nhiễm trùng thận hoặc cả hai. Vì vậy, mẹ bầu cần đi khám ngay nếu có những triệu chứng nhiễm trùng tiểu sau:
- Cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu có lẫn máu
- Đi tiểu không kiểm soát, rò rỉ nước tiểu
- Đau bụng dưới, khó chịu vùng chậu
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày hơn bình thường
- Nước tiểu có màu đục, có thể kèm mùi hôi khó chịu
- Nếu vi khuẩn lan đến thận, bạn có thể bị đau lưng, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn.
Có thể bạn quan tâm: Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai – Vì sao mẹ bầu dễ mắc và nên làm gì?
Làm thế nào để kiểm soát tình trạng đi tiểu thường xuyên khi mang thai?
Như các mẹ đã biết, việc đi tiểu thường xuyên là tình trạng không thể tránh khỏi khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Đương nhiên, việc bổ sung đủ nước cho cơ thể là điều rất quan trọng nên mẹ không thể cắt giảm việc uống nước để hạn chế đi tiểu quá nhiều. Thay vào đó, để kiểm soát tình trạng này một cách tốt nhất có thể, mẹ có thể áp dụng một số mẹo hữu ích sau đây:
1. Hạn chế các đồ uống lợi tiểu
Việc tiêu thụ cà phê, soda, nước ngọt hoặc một số loại trà có thể kích thích mẹ đi tiểu thường xuyên hơn. Vì vậy, mẹ cần hạn chế các loại thức uống này khi mang thai. Điều này vừa giúp mẹ kiềm lại tần suất đi tiểu vừa có lợi cho sức khỏe thai kỳ.
2. Cố gắng làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu
Về cuối thai kỳ, mẹ rất dễ bị són nước tiểu khi ho, hắt hơi hoặc khiêng vác nặng. Mẹo để hạn chế tình trạng này đó là khi đi tiểu, mẹ hãy nghiêng người về phía trước để giúp làm rỗng bàng quang hoàn toàn nhé!
3. Tránh thói quen nhịn tiểu
Mẹ cần lưu ý rằng luôn đi tiểu ngay khi có nhu cầu. Tránh tuyệt đối thói quen nhịn tiểu vì điều này có thể làm suy yếu cơ sàn chậu của bạn về lâu dài.
4. Hạn chế uống nước trước giờ đi ngủ
Như đã đề cập khi trả lời câu hỏi bà bầu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày? Việc đi tiểu thường xuyên vẫn có thể diễn ra vào ban đêm và làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Do đó, để hạn chế sự khó chịu này, lời khuyên là mẹ nên uống đủ nước vào ban ngày và hạn chế uống nhiều nước trước giờ đi ngủ. Đồng thời, nếu phải đi tiểu vào ban đêm, mẹ cần đảm bảo phòng có đèn ngủ để việc di chuyển đến nhà vệ sinh được an toàn nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!