backup og meta

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ - Những điều mẹ bầu cần tìm hiểu

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ - Những điều mẹ bầu cần tìm hiểu

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ diễn ra như thế nào? Mẹ cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm? Trước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được uống nước không? Cần lưu ý gì sau xét nghiệm?… Đây là những thắc mắc thường gặp của các mẹ bầu xoay quanh việc xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ. 

Hãy dành ít phút tham khảo bải viết sau của Hello Bacsi để nhận được những giải đáp cụ thể bạn nhé!

Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu

Tìm hiểu chung về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là gì?

Đây là một xét nghiệm giúp kiểm tra nồng độ glucose trong máu (đường huyết) ở phụ nữ đang mang thai, nhằm mục đích tầm soát tình trạng đái tháo đường thai kỳ.

Bệnh tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ) chính là sự tăng lên đột ngột lượng đường trong máu của thai phụ. Bệnh này hoàn toàn khác với bệnh đái tháo đường bình thường. Lúc mang thai, do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người mẹ nên sẽ gây ra triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ. Căn bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Thông thường, sau khi sinh lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường nhưng nếu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, người mẹ sẽ có tỷ lệ mắc đái tháo đường rất cao sau khi sinh.

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, tốt nhất người mẹ nên làm xét nghiệm để theo dõi đường huyết khi mang thai ở tuần thứ 24–28.

Những ai nên làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Tất cả phụ nữ mang thai đều có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, vì vậy bác sĩ thường yêu cầu kiểm tra đường huyết ở mọi thai phụ.

Một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, nếu có bạn sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm đường huyết ngay trong lần khám thai đầu tiên và có thể cần theo dõi sau đó nếu cần thiết. Các yếu tố nguy cơ đó bao gồm:

  • Béo phì
  • Trên 25 tuổi
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường
  • Tiền sử tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
  • Tăng cân quá mức khi mang thai
  • Mang đa thai, chẳng hạn như sinh đôi hoặc sinh ba
  • Từng sinh con có cân nặng hơn 4kg
  • Huyết áp cao
  • Mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Sử dụng thuốc glucocorticoid.

Các loại xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Xét nghiệm hai bước

tiểu đường

Đầu tiên, bạn sẽ phải tiến hành một xét nghiệm thử đường huyết:

  • Bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt cũng như không cần thay đổi chế độ ăn uống bình thường
  • Bác sĩ sẽ cho bạn uống dung dịch đường glucose (thường là uống 50g glucose trong vòng 5 phút)
  • Sau 1 giờ, bạn sẽ được lấy máu để kiểm tra nồng độ đường huyết

Nếu kết quả đường huyết ở bước này quá cao, bạn sẽ cần kiểm tra tiếp bước thứ hai là xét nghiệm dung nạp glucose trong 3 giờ đồng hồ. Khi đó bạn cần:

  • Không ăn uống bất kỳ thứ gì (có thể uống nước từng ngụm nhỏ) trong khoảng 8–14 giờ trước khi xét nghiệm. Lưu ý, bạn cũng không thể ăn trong khi lấy máu kiểm tra.
  • Tiếp theo, bạn cần uống dung dịch có chứa 100g glucose.
  • Sau đó, bạn sẽ được lấy máu sau khi uống dung dịch glucose và mỗi 60 phút sau đó trong vòng 3 tiếng. Mẫu máu được lấy mỗi lần được đem đi phân tích để xác định nồng độ glucose trong máu.

Xét nghiệm một bước

Đối với hình thức xét nghiệm tiểu đường thai kỳ này, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra mức độ dung nạp glucose trong vòng 2 giờ. Khi đó:

  • Bạn không được ăn uống bất kỳ thứ gì (có thể uống nước từng ngụm nhỏ) trong khoảng 8–14 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm. Lưu ý, bạn cũng không thể ăn trong khoảng thời gian cần lấy máu kiểm tra.
  • Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống dung dịch có chứa 75g glucose.
  • Sau đó, bạn được lấy máu sau khi uống dung dịch glucose và thêm 2 lần nữa sau mỗi 60 phút. Mẫu máu mỗi lần lấy được đem đi kiểm tra mức độ đường huyết.

Trước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được uống nước không?

Câu trả lời là:
  • Với xét nghiệm thử đường huyết, bạn không cần thay đổi chế độ ăn uống nên có thể uống nước như bình thường.
  • Với xét nghiệm dung nạp glucose trong 3 giờ và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ một bước, bạn không ăn uống bất kỳ thứ gì trong khoảng 8–14 giờ trước khi xét nghiệm nhưng có thể uống nước từng ngụm nhỏ.

Quá trình thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Trước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, bạn cần chuẩn bị những gì?

bà bầu ăn uống

Trong những ngày trước khi xét nghiệm, bạn vẫn có thể ăn uống như chế độ bình thường. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn vài điều cần lưu ý trước khi lấy máu để kiểm tra. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì, hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ.

Trong khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, bạn có thể cảm thấy gì?

Hầu hết phụ nữ mang thai đều không gặp vấn đề gì sau khi uống dung dịch đường glucose để thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose. Tuy nhiên, một vài trường hợp, thai phụ có thể cảm thấy buồn nôn, đổ mồ hôi hay cảm thấy “lâng lâng” trong người sau khi uống. Các tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra khi uống glucose là rất hiếm gặp.

Quá trình lấy máu xét nghiệm rất đơn giản, bạn có thể cảm thấy hơi nhói đau khi bị rút máu nhưng cảm giác sẽ nhanh chóng qua đi.

Sau khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cần lưu ý gì?

Sau khi thực hiện xét nghiệm xong, bạn có thể thực hiện các hoạt động thường ngày như bình thường. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Bạn nên hiểu kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?

bá sĩ và bà bầu

Xét nghiệm hai bước

Kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bình thường là bao nhiêu? Kết quả xét nghiệm thử đường huyết 1 giờ sau khi uống dung dịch glucose ở phụ nữ mang thai thường bằng hoặc dưới 140mg/dl (tương ứng với 7,8mmol/l). Nếu kết quả nằm dưới mức này có nghĩa là bạn không bị đái tháo đường thai kỳ.

Trường hợp nồng độ glucose trong máu bạn cao hơn 140mg/dl (7,8mmol/l), bước tiếp theo là xét nghiệm dung nạp glucose đường uống.

Giá trị đường huyết bất thường sau khi uống dung dịch 100g glucose trong vòng 3 giờ như sau:

  • Đường huyết lúc đói: 95mg/dl (5,3mmol/l)
  • Sau 1 giờ: > 180mg/dl (10,0mmol/l)
  • Sau 2 giờ: > 155mg/dl (8,6mmol/l)
  • Sau 3 giờ: > 140mg/dl (7,8mmol/l)

Xét nghiệm một bước

Giá trị đường huyết bất thường sau khi thử xét nghiệm dung nạp glucose với dung dịch 75g glucose trong 2 giờ là:

  • Đường huyết lúc đói: > 92mg/dl (5,1mmol/l)
  • Sau 1 giờ: > 180mg/dl (10,0mmol/l)
  • Sau 2 giờ: > 153mg/dl (8,5mmol/l)

Nếu chỉ một trong những kết quả xét nghiệm đường huyết khi xét nghiệm dung nạp glucose lớn hơn mức bình thường, bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi một số thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày. Sau đó, bạn sẽ được kiểm tra nồng độ glucose máu lại để đánh giá. Nếu có nhiều hơn một kết quả cho thấy nồng độ đường huyết của bạn cao hơn bình thường thì bạn được chẩn đoán là đã mắc phải đái tháo đường thai kỳ.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, hãy hỏi bác sĩ để được giải thích chi tiết và tư vấn các phương pháp theo dõi sức khỏe thích hợp.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Glucose screening tests during pregnancy. https://medlineplus.gov/ency/article/007562.htm. Ngày truy cập 15/3/2019.

Gestational Diabetes Test: What To Expect. https://www.healthline.com/health/pregnancy/gestational-diabetes-test. Ngảy truy cập 15/3/2019.

Gestational Diabetes. https://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/gestational-diabetes/. Ngày truy cập 15/3/2019.

Gestational diabetes

https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/#:~:text=Screening%20for%20gestational%20diabetes,-During%20your%20first&text=The%20screening%20test%20is%20called,if%20you’re%20unsure). Truy cập ngày 13/04/2022

Testing for diabetes in pregnancy

https://www.health.govt.nz/your-health/pregnancy-and-kids/services-and-support-during-pregnancy/pregnancy-screening-tests/blood-tests-pregnancy/testing-diabetes-pregnancy Truy cập ngày 13/04/2022

Phiên bản hiện tại

28/03/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Top những thực phẩm cho mẹ sau sinh giúp mẹ khỏe bé lớn nhanh

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? 6 nguy cơ với thai nhi


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 28/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo