backup og meta

Lợi ích âm nhạc cho thai nhi là gì? Cách chọn nhạc tốt cho thai nhi

Lợi ích âm nhạc cho thai nhi là gì? Cách chọn nhạc tốt cho thai nhi

Có rất nhiều cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe não bộ cho thai nhi như ăn các thức ăn tốt cho trí não, luyện tập thể dục, yoga để giảm căng thẳng, tham gia các khóa học về trí thông minh… Trong đó, cho con nghe nhạc ngay khi còn trong bụng mẹ đã không còn quá mới lạ với các ông bố, bà mẹ. Những lợi ích âm nhạc cho thai nhi thúc đẩy sự phát triển toàn diện về trí tuệ và khả năng của bé.

Chắc hẳn các bậc cha mẹ đã không ít lần nghe nói đến việc cho con nghe nhạc khi còn ở trong bụng mẹ sẽ giúp bé thông minh hơn. Vậy liệu âm nhạc có thực sự ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của bé? Và những lợi ích mà âm nhạc mang lại cho thai nhi khi được nghe những giai điệu ngay khi ở trong bụng mẹ là gì? Nghe nhạc như thế nào là đúng? Cách bạn chọn loại âm nhạc và thưởng thức chúng có thể vô tình làm hại bé yêu của bạn đấy. Hãy để Hello Bacsi giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Lợi ích kì diệu của âm nhạc cho thai nhi

Nhiều nghiên cứu cho thấy bé cưng trong bụng có thể nhận biết và phản ứng với các âm thanh bên ngoài. Đồng thời những giai điệu âm nhạc mang lại các lợi ích tuyệt vời cho thai nhi. Trong số đó, đáng kể đến như:

  • Giúp thai nhi khỏe mạnh hơn
  • Bé lớn lên có kỹ năng ngôn ngữ tốt
  • Cải thiện mô hình giấc ngủ của trẻ ngay cả sau sinh
  • Gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé
  • Giảm căng thẳng khi mang thai

Nếu bạn chưa có thói quen nghe nhạc cùng bé thì hãy hình thành thói quen ấy ngay từ bây giờ nhé. Lợi ích của nhạc cho bà bầu vừa giúp thai nhi phát triển tốt, khỏe mạnh và thông minh lại vừa giúp bạn thoải mái, nhẹ nhàng, tránh các áp lực tâm lí trong thai kỳ.

Thời điểm thai nhi nên tiếp xúc với âm nhạc

Thời điểm thai nhi nghe nhạc

Theo các nghiên cứu, từ tuần thứ 16 của thai kỳ, thai nhi đã cảm nhận được các âm thanh từ bên ngoài. Do vậy, các phương pháp giáo dục thai nhi nên bắt đầu từ giai đoạn này. Mẹ nên bắt đầu cho bé nghe nhạc phù hợp, nhất là tại thời điểm từ tuần thai 16–20.

Mẹ có biết rằng thai nhi thường có khuynh hướng ngủ khi mẹ ở trạng thái hoạt động và thức khi mẹ bắt đầu nghỉ ngơi, thư giãn hay không? Chính vì vậy, tốt nhất mẹ nên chọn các thời điểm cơ thể muốn nghỉ ngơi để thưởng thức các bài nhạc. Vào lúc đó, chính bản thân mẹ bầu có thể được thả lỏng cơ thể và tâm trí một cách thoải mái nhất và chỉ tập trung tận hưởng những nốt nhạc du dương ấy mà không cần bận tâm bất kỳ việc nào khác. Tâm lí của mẹ thoải mái thì thai nhi mới có thể cảm nhận được các giai điệu một cách rõ ràng nhất.

Âm nhạc có thể mang mẹ và bé đến gần với nhau hơn, kết nối tình cảm của hai mẹ con. Trong quá trình thư giãn, mẹ có thể vừa thưởng thức vừa hát du dương theo hoặc cảm nhận nhịp điệu qua cơ thể, đung đưa người theo điệu nhạc cũng sẽ tạo cho bé yêu của bạn rất nhiều hứng khởi đấy. 

Bà bầu nên nghe loại nhạc gì?

Nên tìm các loại âm thanh hài hòa và có giai điệu cơ bản. Những thay đổi đáng kể về nhịp điệu, nhịp độ và âm lượng của âm nhạc có thể làm xáo trộn cảm nhận và khiến em bé giật mình.

Âm nhạc cổ điển là lý tưởng đối với thai nhi, vì trẻ sơ sinh trong bụng mẹ sẽ thích những âm thanh êm dịu hơn và có thể bắt đầu tập thở theo thời gian với nhạc. Một số bản nhạc cổ điển được ưu chuộng dành cho thai nhi là âm nhạc của Beethoven, Mozart hoặc Bach. Mẹ nên lưu ý khi chọn lọc các bản nhạc vì một số tác phẩm có thể có những đoạn âm thanh lớn hơn mức bình thường.

Bạn có thể cho thai nhi nghe nhiều loại nhạc khác nhau theo sở thích của mình mà không nhất thiết phải là một loại nhạc đơn điệu để đạt tâm lý thoải mái, thư giãn nhất. Nhạc Jazz, nhạc cổ điển, nhạc không lời… là những lựa chọn thú vị mà mẹ nên tham khảo. Thêm vào đó, mẹ bầu cũng có thể thử các kiểu nhạc khác không quá ồn ào, chẳng hạn như các bản nhạc R&B và nhạc Pop chậm.

bà bầu nên nghe nhạc gì

Âm thanh của thiên nhiên như tiếng nước và sóng biển cũng rất phù hợp và giúp âm nhạc tiếp xúc nhẹ nhàng với em bé trong tử cung. Ngoài ra, tiếng đàn của bố cũng rất ổn đối với bé, có thể giúp bố cảm nhận được vai trò quan trọng không kém của mình trong sự phát triển của con.

Các bà mẹ không nên lựa chọn những dòng nhạc mạnh như Rap, Rock vì những âm thanh mạnh, lộn xộn của loại nhạc này thật sự không phù hợp và làm cho chức năng não bộ của bé bị thay đổi một cách tiêu cực.

Ngoài ra, sự không ổn định những loại nhạc có thể làm cho bé bị stress, hệ thần kinh phát triển kém và ảnh hưởng lâu dài ngay cả sau sinh. Hiện nay trên thị trường đang bán rất nhiều đĩa nhạc dành cho bà bầu, các mẹ được khuyến khích tìm mua tại các cửa hàng bán băng đĩa hơn là sử dụng điện thoại trong giai đoạn thai kỳ vì có thể gây hại đến thai nhi. Khi nghe nhạc, nếu phụ nữ mang thai bụng to có thể tăng âm lượng to lên một chút và bụng nhỏ giảm đi một chút.

Có thể bạn quan tâm: Thai nhi nghe được khi nào? Mẹ cần biết gì về thính giác của trẻ?

Âm lượng nhạc phù hợp cho thai nhi

Bạn phải nhớ điều quan trọng này, tử cung là một nơi ồn ào, tiếng dạ dày, tiếng nhịp tim và cả nhịp điệu khi thở của bạn. Giọng nói của bạn được khuếch đại do sự rung động và dẫn âm thanh qua xương trong cơ thể bạn. Giọng nói của mẹ sẽ dẫn truyền thông qua chính cơ thể người mẹ. Bạn không nên nói, hát hoặc đọc to, giọng nói của bạn có thể bị rung và ảnh hưởng không tốt đến thanh quản của bạn.

Trong khi mang thai, bạn nên ở những nơi có tần số âm thanh từ 50 – 60 dB hoặc một cuộc trò chuyện bình thường. Nếu muốn cho bé nghe nhạc, bạn cần thực hiện đúng cách: khi đeo tai nghe vào bụng, bạn mở âm lượng như thì thầm thôi nhé, còn mở loa ngoài, cũng với âm lượng vừa đủ nghe. Khi mẹ bầu muốn nghe nhạc lâu hơn một chút, hãy duy trì âm thanh ở mức thấp hơn 50 dB thôi nhé. Việc bà bầu nghe nhạc đúng cách sẽ giúp con yêu phát triển tâm sinh lý tốt.

Bạn nên tránh các buổi hòa nhạc lớn thường xuyên trong khi bạn đang mang thai hoặc xem phim ở một rạp chiếu lớn. Tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn con yêu sẽ bị giật mình hoặc gặp phải tổn thương về thính giác hay não bộ. Điều này đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo. Việc bạn hát, khiêu vũ và thưởng thức âm nhạc với cường độ nhỏ trong khi mang thai sẽ làm cho em bé trong bụng rất thích thú. Nghiên cứu cho thấy rằng thai nhi có phản ứng với tiếng nói của mẹ đồng thời trẻ sơ sinh cũng cực kì yêu thích tiếng nói nhẹ nhàng ấy. Đặc biệt, đã có nghiên cứu về tầm quan trọng của âm nhạc và tiếng nói của người mẹ cho thấy những âm điệu này có thể giúp hạn chế chứng tự kỉ ở trẻ sau sinh từ 1 đến 3 tuổi.

Để bạn dễ ước lượng được dB, dưới đây là một số thông số âm lượng của những âm thanh trong gia đình thường gặp:

  • 50 – 75 dB: máy giặt
  • 55 – 70 dB: máy rửa chén
  • 60 – 85 dB: máy hút bụi
  • 60 – 95 dB: máy sấy tóc
  • 65 – 80 dB: đồng hồ báo thức
  • 75 – 85 dB: tiếng gạt nước bồn cầu
  • 80 dB: tiếng reo điện thoại.

Cho thai nhi nghe nhạc bằng cách nào? Làm sao để bé nhận được lợi ích từ âm nhạc tốt nhất?

âm nhạc cho thai nhi

Mẹ nên phát nhạc cho thai nhi nghe bằng loa âm thanh nổi thay vì sử dụng tai nghe trên vùng mang thai của người mẹ. Các bà mẹ thường nghĩ nên đeo tai nghe hoặc áp tai nghe vào bụng sẽ giúp thai nhi nghe rõ hơn. Tuy nhiên, việc đeo tai nghe trên bụng mang thai là không cần thiết. Trên thực tế, nó có thể làm cho âm nhạc quá to đối với em bé. Thay vào đó, chơi nhạc trong không gian nhà bạn sẽ giúp âm thanh lọc vào tử cung, thai nhi cảm thụ giai điệu tốt hơn.

Thời gian phù hợp để thai nhi nghe nhạc

Mẹ không nên để em bé nghe nhạc quá lâu hoặc âm lượng quá lớn. Nếu làm như vậy, thì việc tiết ra chất endorphin sẽ bị ức chế, gây hại đến sự phát triển của tế bào thần kinh thai nhi.

Hợp lí nhất là mẹ có thể cho bé trong bụng nghe nhạc khoảng 20 phút/lần, mỗi ngày từ 2–3 lần hoặc tối đa 1 giờ mỗi ngày. Đừng cho bé nghe nhiều hơn thời lượng nói trên. Tiếp xúc với âm nhạc quá nhiều có thể kích thích bé quá mức.

Ngoài ra, mẹ có thể chọn thời điểm nghe nhạc vào trước lúc đi ngủ hoặc khi đang thư giãn trong phòng hoặc trong nhà tắm.

Nhạc cho thai nhi không những là một phương pháp thư giãn hiệu quả cho mẹ bầu mà còn là một cách hiệu quả giúp thai nhi phát triển tốt hơn. Thế nhưng, các mẹ hãy lưu ý cho con nghe nhạc đúng cách để đạt được hiệu quả như mong đợi nhé! 

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

You and your baby at 13-16 weeks pregnant

https://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/pregnancy-weeks-13-14-15-16/

Ngày truy cập 11/09/2018

When Can a Fetus Hear: Womb Development Timeline

https://www.healthline.com/health/pregnancy/when-can-a-fetus-hear

Ngày truy cập 11/09/2018

Babies Listen and Learn While in the Womb

https://www.webmd.com/baby/news/20130102/babies-learn-womb

Ngày truy cập 11/09/2018

Will listening to music pregnant make your baby smarter?

https://news.sanfordhealth.org/childrens/will-listening-to-music-make-your-baby-smarter/ Truy cập ngày 14/03/2022

How music affects your baby’s brain: Mini Parenting Master Class

https://www.unicef.org/parenting/child-development/how-music-affects-your-babys-brain-class Truy cập ngày 14/03/2022

Phiên bản hiện tại

14/03/2022

Tác giả: Bích Hà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Mini IVF: Phương pháp giúp hành trình làm cha mẹ dễ dàng hơn

Âm nhạc phát triển trí não cho trẻ sơ sinh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Hà · Ngày cập nhật: 14/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo