Ngâm mình trong bồn nước nóng khi mang thai quá lâu, nhiều rủi ro có thể xảy ra với cả mẹ và bé như sẩy thai, thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
Ngâm mình trong nước nóng là cách giúp bạn thư giãn tuyệt vời. Nước ấm có khả năng làm dịu cơ nhưng ngâm mình trong bồn nước nóng khi mang thai, bạn nên thận trọng hoặc không nên thực hiện điều này vì không an toàn đối với thai kỳ. Tại sao lại như vậy? Bạn hãy cùng tìm hiểu qua những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi.
Những rủi ro nếu ngâm mình trong bồn nước nóng khi mang thai
Nhiệt độ cơ thể cao hơn 38°C trong thời gian mang thai có thể gây ra một số vấn đề. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ mắc phải các dị tật bẩm sinh như dị tật ống thần kinh, ảnh hưởng đến não và tủy sống nếu nhiệt độ cơ thể người mẹ tăng cao trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Một số nghiên cứu khác lại cho thấy thân nhiệt tăng nhanh có thể dẫn đến sẩy thai.
Ngâm mình trong bồn tắm quá nóng không được khuyến khích trong thời gian mang thai. Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng không nên để nhiệt độ cơ thể tăng lên quá 39°C.
Các bồn tắm nóng thường được lập trình để duy trì nhiệt độ nước ở khoảng 40°C. Do đó, chỉ cần ngâm mình 10 – 20 phút là nhiệt độ cơ thể đã có thể tăng đến hơn 38°C.
Lưu ý để giảm các rủi ro từ việc ngâm mình trong bồn nước nóng khi mang thai
Dù các chuyên gia khuyên bạn không nên ngâm mình trong bồn nước nóng khi mang thai, nhưng bạn có thể thực hiện một số bước dưới đây để giảm nguy cơ:
- Cài đặt lại chương trình của bồn tắm nóng để duy trì nhiệt độ thấp hơn
- Hạn chế thời gian ngâm mình trong bồn nước nóng (khoảng 10 phút hoặc ít hơn)
- Theo dõi nhiệt độ của nước bằng cách nhúng nhiệt kế vào bồn nước nóng
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể để tránh bị nóng quá
- Tránh ngồi gần vòi chảy nước
- Ra khỏi bồn tắm nước nóng nếu bạn bắt đầu đổ mồ hôi hoặc cảm thấy khó chịu
- Tránh ngâm nước nóng khi bạn thấy không khỏe, bị sốt, tập thể dục hoặc đã xông hơi trước đó
- Để duy trì nhiệt độ ổn định, bạn nên bơm luân phiên nước nóng và nước lạnh vào bồn.
Nếu bạn sử dụng bồn tắm nước nóng trong một khoảng thời gian dài, hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề này để kịp thời khắc phục hậu quả có thể xảy ra. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
[embed-health-tool-due-date]