Chuột là loài gặm nhấm thường xuất hiện xung quanh nơi ở của nhiều gia đình. Không chỉ có chuột hoang dã mà một số người cũng có sở thích nuôi chuột cảnh, chẳng hạn như chuột Hamster, chuột lang… để làm thú cưng. Mặc dù chuột không phải là động vật hung dữ nhưng đôi khi bạn vẫn có thể vô tình bị chuột cắn. Điều này cũng không ngoại lệ với chị em đang mang thai khiến nhiều mẹ lo lắng liệu bà bầu bị chuột cắn có sao không, có cần đi khám không?
Câu trả lời là trong một số trường hợp mẹ bầu vẫn có thể gặp rủi ro nếu bị cắn bởi chuột nhiễm virus gây viêm màng não tủy bạch huyết. Vì vậy, mẹ nên hết sức cẩn thận với loài gặm nhấm khi mang thai. Việc tìm hiểu những thông tin sau đây sẽ giúp ích cho quá trình phòng ngừa.
Bà bầu bị chuột cắn có sao không? Mẹ có thể đối mặt những rủi ro nào?
Như đã đề cập, mẹ bầu nên cẩn thận với những loài gặm nhấm như chuột đồng, chuột lang, chuột nhắt… Bởi vì loài gặm nhấm có thể mang một loại virus gọi là lymphocytic choriomeningitis virus (LCMV) gây viêm màng não tủy bạch huyết. Điều đáng lo ngại chúng có thể truyền virus này sang người và gây tổn thương thần kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Vì vậy, đối với câu hỏi “bà bầu bị chuột cắn có sao không?”, câu trả lời là vẫn có rủi ro mẹ nhé! Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn qua những thông tin sau đây.
Lymphocytic choriomeningitis virus (LCMV) từ chuột lây lan qua con đường nào?
Trước khi tìm hiểu chi tiết vấn đề “bà bầu bị chuột cắn có sao không?” thì việc nhận biết con đường lây lan của virus từ chuột cũng quan trọng không kém. Bất cứ đối tượng nào, bao gồm cả mẹ bầu đều có thể nhiễm Lymphocytic choriomeningitis virus (LCMV) qua những con đường sau:
- Từ vết cắn của động vật nhiễm bệnh, thường là loài gặm nhấm
- Chạm vào nước tiểu, máu, nước bọt, phân hoặc “vật liệu” làm tổ của động vật nhiễm bệnh
- Hít phải bụi, giọt bắn khi quét phân, dọn chuồng của động vật nhiễm bệnh.
Bà bầu nhiễm LCMV sau khi bị chuột cắn sẽ đối mặt với những rủi ro nào?
Để trả lời câu hỏi “bà bầu bị chuột cắn có sao không, có thể gặp những rủi ro nào?” thì theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nếu mẹ bầu nhiễm LCMV sau khi bị chuột cắn thì có thể truyền bệnh sang cho thai nhi và gây ra những vấn đề sau:
- Nhiễm trùng xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên có thể gây sẩy thai, thai chết lưu. Điều này nghĩa là mẹ bầu mới mang thai và nhiễm LCMV có thể khiến thai nhi tử vong và mẹ phải chấm dứt thai kỳ.
- Nhiễm LCMV trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba có thể tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi, bao gồm các dị tật như não úng thủy, thiểu sản tiểu não, mất thị lực do các vấn đề về mắt hoặc chậm phát triển trí tuệ.
Mặc dù nguy cơ sẩy thai hoặc phát triển các dị tật bẩm sinh do mẹ nhiễm LCMV từ chuột cao hay thấp vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng khả năng xảy ra là vẫn có. Vì vậy, mẹ bầu không nên chủ quan sau khi bị chuột cắn mà cần sớm đi khám.
Bà bầu bị chuột cắn có sao không? Trường hợp mẹ bị chuột nhà nuôi cắn và cách phòng ngừa
Nguy cơ nhiễm Lymphocytic choriomeningitis virus (LCMV) từ chuột cảnh, chuột nuôi trong nhà, có thể thấp hơn so với chuột hoang dã nhưng bạn cũng không nên chủ quan. Nếu đang nuôi chuột nhưng gia đình có mẹ bầu và trẻ dưới 5 tuổi thì bạn có thể tham khảo một số giải pháp phòng ngừa chuột nuôi cắn sau đây:
- Nên giữ thú cưng là động vật gặm nhấm ở một khu riêng biệt trong nhà. Tránh cho trẻ nhỏ tiếp xúc gần với chuột nuôi mà không có sự giám sát của người lớn.
- Mẹ bầu nên để thành viên khác trong gia đình chăm sóc và dọn dẹp chuồng nuôi chuột. Đảm bảo chuồng nuôi ở khu vực có thông gió tốt và luôn sạch sẽ.
- Nếu mẹ bầu phải tự dọn dẹp chuồng nuôi hoặc chăm sóc chuột thì nên đeo găng tay và khẩu trang để tránh bị cắn cũng như tránh tiếp xúc với nước bọt, chất thải của chuột.
- Dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì cũng nên rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật gặm nhấm.
- Mặt khác, nếu khu vực nơi ở của bạn có nhiều chuột hoang dã “xâm nhập” thì nên có biện pháp kiểm soát chẳng hạn như dùng bẫy chuột. Lưu ý nếu muốn dùng hóa chất để diệt chuột, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng loại hóa chất bạn dùng không gây rủi ro cho thai kỳ.
Có thể bạn quan tâm: Mẹ bầu nuôi thú cưng có an toàn?
Mẹ bầu nên làm gì khi bị chuột cắn?
Nếu bị chuột hoặc bất kỳ động vật gặm nhấm nào cắn thì mẹ nên nhanh chóng rửa sạch vết thương bằng nước ấm và xà phòng. Sau đó thấm khô vết thương bằng khăn khô, sạch và băng lại. Nếu lo lắng về vấn đề bà bầu bị chuột cắn có sao không hoặc lo ngại nhiễm Lymphocytic choriomeningitis virus từ chuột thì cách tốt nhất là nên sớm đến bệnh viện kiểm tra.
Các triệu chứng nhiễm Lymphocytic choriomeningitis virus từ động vật gặm nhấm thường không dễ nhận biết vì khá giống với triệu chứng của cúm. Trong đó bao gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, cứng cổ, buồn nôn… Vì vậy, nếu bạn bị chuột cắn hoặc tiếp xúc gần với loài gặm nhấm và sau đó xuất hiện những triệu chứng kể trên thì nên đến bệnh viện để thăm khám, xét nghiệm máu tầm soát nhiễm trùng LCMV và siêu âm kiểm tra tình trạng của thai nhi nhằm giúp bác sĩ có thể can thiệp y tế kịp thời.
[embed-health-tool-due-date]