Việc thay đổi khẩu vị khi bầu bí là chuyện khá phổ biến. Thế nhưng trong dân gian xuất hiện rất nhiều giai thoại về cách nhận biết bầu trai hay gái dựa trên khẩu vị, món ăn mẹ bầu yêu thích khi mang thai, như mẹ thèm chua thì sinh con trai hay thèm ngọt thì sinh con gái. Nếu một ngày mẹ bầu thèm cay thì sao? Có bầu thèm cay là con trai hay con gái?
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc có bầu thèm cay là con trai hay con gái và khám phá nguyên nhân tại sao lại có sự thay đổi khẩu vị này nhé.
Bà bầu thèm đồ cay: Nguyên nhân do đâu? Có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Ông bà ta ngày xưa cho rằng bà bầu không nên ăn cay, nhất là ăn nhiều ớt vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Ví dụ như bà bầu ăn cay nhiều thì sinh con ra sẽ còi cọc, hay nóng sốt hoặc bà bầu ăn ớt thì con sinh ra môi sẽ đỏ chót như quả ớt. Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm dân gian và không có đủ cơ sở khoa học để chứng minh về điều đó.
Theo các chuyên gia về sức khỏe sinh sản, bà bầu lẫn em bé vẫn an toàn khi sử dụng thực phẩm cay nóng, nên bà bầu có thể thoải mái ăn cay nếu lỡ thèm khi mang thai. Nhưng bà bầu cũng nên lưu ý, việc tiêu thụ thực phẩm cay nóng sẽ gây ra một số khó chịu nhẹ khi ăn như khó tiêu hóa, dễ bị buồn nôn hay dễ mắc các chứng ợ nóng, trào ngược dạ dày… Do đó, bà bầu cần cân nhắc kỹ trước khi ăn.
Trên thực tế, các chuyên gia chưa lý giải được chính xác nguyên nhân tại sao các bà bầu đột nhiên thèm cay khi mang thai, nhưng vẫn đưa ra một số giả thiết như:
- Sự thay đổi nồng độ các hormone thai kỳ: Sự thay đổi nồng độ liên tục của các hormone thai kỳ như beta-hCG, progesterone hay estrogen… có thể khiến các dây thần kinh khứu giác và vị giác của bà bầu trở nên nhạy cảm hơn với một số mùi vị nhất định. Từ đó, gia tăng cảm giác thèm ăn những gia vị này.
- Ảnh hưởng của môi trường xung quanh: Bà bầu thèm ăn cay đơn giản vì bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, đơn cử như thèm cay vì thời tiết nóng bức. Theo một số nghiên cứu, một số loại thực phẩm cay có tác dụng làm mát cơ thể, giúp điều hòa nhiệt độ bằng cách tạo ra cảm giác nóng lên, rồi kích hoạt cơ thể đổ mồ hôi để hạ nhiệt.
- Cảnh báo tình trạng thiếu hụt dưỡng chất: Cảm giác thèm ăn được cho là dấu hiệu báo động rằng cơ thể đang thiếu hụt dinh dưỡng, cần được bổ sung khẩn cấp. Khi bước vào những tháng đầu thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của bà bầu tăng lên đáng kể, nên ngoài việc bổ sung axit folic và i-ốt, bà bầu cũng cần được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Tóm lại, bà bầu có thể ăn thực phẩm cay nhưng cần kiểm soát độ cay và liều lượng thức ăn cay cho mỗi bữa. Trong phần tiếp theo, hãy cùng Hello Bacsi tiếp tục khám phá bà bầu thèm ăn cay sinh con gì nhé.
Có bầu thèm cay là con trai hay con gái?
Theo kinh nghiệm dân gian, thèm cay là dấu hiệu dự đoán bà bầu đang mang thai bé trai. Đặc biệt, việc mẹ bầu vừa thèm chua, vừa thèm cay thì ông bà ta càng khẳng định rằng sẽ sinh con trai. Dù vậy, không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh độ chính xác của mẹo đoán giới tính thai nhi này cả, nên đây chỉ là phỏng đoán vui mà thôi.
Vị giác của bà bầu thật sự sẽ thay đổi trong và sau khi mang thai, nên thèm cay chỉ là dấu hiệu để dự đoán vui về giới tính thai nhi. Do đó, bà bầu không cần quá lo lắng khi đột nhiên thèm ăn cay. Và nếu mẹ bầu đắn đo về cách ăn cay để không ảnh hưởng đến sức khỏe cả hai mẹ con, thì đừng bỏ qua phần cuối bài viết, Hello Bacsi sẽ mách rất nhiều mẹo hay đấy.
Bà bầu thèm cay khi mang thai: Ăn cay thế nào để thỏa mãn khẩu vị mà không gây hại?
Bất cứ ai từng trải qua cảm giác thèm ăn khi mang thai đều biết rằng, việc bà bầu thèm ăn một món bất kỳ không phải lúc nào cũng có lý hay bổ dưỡng, có bà bầu thèm ăn chanh chua, có người lại thích ăn bánh ngọt. Vì vậy, nếu bà bầu thèm ăn thực phẩm cay nồng thì cũng không cần thấy vô lý, kiêng cữ không dám ăn. Thay vào đó, hãy thử áp dụng một số biện pháp sau khi ăn cay để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, cụ thể như:
- Không ăn thực phẩm quá cay vì dễ bị ợ nóng, trào ngược, thậm chí là trĩ. Hãy thử tăng cấp độ cay dần dần và không nên ăn cay nhiều ngày trong tuần, tốt nhất là mỗi tuần một lần mà thôi.
- Không ăn một lần quá nhiều mà hãy chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa hơn.
- Thử ăn cay kèm với các thực phẩm giàu tinh bột như cơm hay bánh mì, vì carbohydrate trong tinh bột sẽ tạo một hàng rào khiến các gia vị cay khó đi sâu vào vị giác và giảm sức nóng của món ăn.
- Khi ăn đồ quá cay, hãy thử thở ra bằng miệng từ từ, bà bầu sẽ cảm thấy giảm nhiệt nhanh chóng hơn khi chỉ hít thở bằng mũi và cố cắn răng chịu cay đấy.
Vậy là qua bài viết trên bạn đã biết đáp án “có bầu thèm cay là con trai hay con gái” rồi đúng không. Hy vọng những thông tin mà Hello Bacsi cung cấp sẽ giúp bạn biết thêm nhiều điều thú vị xoay quanh cuộc sống thai sản, đồng thời, sở hữu thêm nhiều bí kíp hay để chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh và chào đón con yêu.
[embed-health-tool-due-date]