backup og meta

Dùng thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú - Bạn cần lưu ý điều gì?

Dùng thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú - Bạn cần lưu ý điều gì?

Mẹ sau sinh hoàn toàn có khả năng mang thai lần nữa dù đang trong giai đoạn cho con bú. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe của mẹ, tăng nguy cơ rủi ro cho cả mẹ và bé khi mang thai lần nữa quá nhanh. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp ngừa thai sau sinh là rất cần thiết. Trong đó, nhiều chị em hiện nay thường có xu hướng lựa chọn sử dụng thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú.

Vậy mẹ sau sinh uống thuốc ngừa thai hàng ngày được không? Lưu ý gì khi áp dụng biện pháp tránh thai này? Bạn có thể tìm hiểu những thông tin này qua bài viết sau mà Hello Bacsi tổng hợp được. 

Mẹ sau sinh uống thuốc ngừa thai được không? Tìm hiểu các loại thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú

Việc sử dụng thuốc ngừa thai hàng ngày là một trong những phương pháp kế hoạch hóa gia đình bằng hormone mà mẹ sau sinh cũng có thể sử dụng. Vì vậy, mẹ có thể yên tâm nếu muốn lựa chọn phương pháp này. Sau đây là những thông tin bạn cần biết về 2 loại thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú phổ biến.

Thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú chỉ chứa progestin

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin là loại thuốc thường được ưu tiên sử dụng khi mẹ đang cho con bú vì không  có nguy cơ dẫn tới thuyên tắc mạch do huyết khối cũng như không ảnh hưởng đến nguồn sữa và chất lượng sữa mẹ. Bạn có thể sử dụng loại thuốc ngừa thai này bắt đầu từ khoảng tuần thứ 6 hoặc tuần thứ 8 sau sinh.

Thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin mang đến hiệu quả phòng tránh thai khá cao miễn là bạn uống thuốc mỗi ngày và vào cùng một thời điểm. Mặc dù, thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin được coi là hợp lý cho nhóm phụ nữ sau sinh thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ nhưng tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.

Thuốc tránh thai phối hợp

thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú

Thuốc tránh thai phối hợp là loại chứa cả hai hormone estrogen và progesterone. Vì có liên quan tới nguy cơ của thuyên tắc mạch do huyết khối đặc biệt trong vòng 6 tuần đầu hậu sản và những nguy cơ chưa rõ trên trẻ sơ sinh khi sử dụng cho nhóm phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ . Chính vì vậy, cần áp dụng một cách thận trọng, nếu bạn đang thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ thì bạn không nên sử dụng thuốc tránh thai phối hợp trong vòng 6 tháng đầu sau sinh.

Uống thuốc ngừa thai khi cho con bú có gây tác dụng phụ?

Trên thực tế, có nhiều chị em thắc mắc sử dụng thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú có gây tác dụng phụ cho em bé và quá trình sản xuất sữa không? Như đã đề cập, cả hai loại thuốc ngừa thai đều không ảnh hưởng đến thành phần và chất lượng sữa mẹ nên bạn vẫn có thể cân nhắc sử dụng nếu có nhu cầu và sau khi nhận sự tư vấn từ bác sĩ.

Riêng đối với trẻ bú mẹ, mặc dù có thể có một lượng nhỏ hormone trong thuốc tránh thai đi vào sữa mẹ nhưng hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy điều này gây rủi ro cho em bé. Mặc dù vậy, bạn vẫn cần lưu ý rằng một số trẻ nhỏ hơn 6 tuần tuổi có thể gặp khó khăn trong việc chuyển hóa các hormone nên cần tránh sử dụng thuốc tránh thai quá sớm sau sinh.

Mẹ nên lưu ý gì khi uống thuốc ngừa thai sau sinh?

thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú

Nhìn chung, thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú không phải là biện pháp kế hoạch hóa gia đình tốt nhất dành cho mẹ sau sinh. Thế nhưng, nếu bạn muốn lựa chọn uống thuốc tránh thai thì những lời khuyên sau đây có thể giúp ích:

  • Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp tránh thai nào sau sinh, bao gồm cả việc uống thuốc nội tiết tố.
  • Chỉ nên dùng thuốc tránh thai khi em bé được 6 tuần tuổi trở lên và tránh dùng thuốc sớm hơn thời điểm này.
  • Trong giai đoạn đầu sau sinh, bạn nên dùng thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú chỉ chứa progestin để đảm bảo tiết sữa bình thường cũng như không làm tăng nguy cơ thuyên tắc mạch do huyết khối. 
  • Vì những nguy cơ tiềm tàng của thuốc tránh thai kết hợp mà bạn chỉ nên lựa chọn khi đã qua 6 tháng sau sinh với những người thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, với những người không thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể dùng sau 6 tuần hậu sản. Lúc này, trẻ thường được bổ sung thêm dinh dưỡng từ thức ăn thô và sữa công thức bên cạnh việc bú mẹ. Vì vậy, bạn hoàn toàn được lựa chọn thuốc tránh thai có hiệu quả hơn mà không lo đến vấn đề tiết sữa để nuôi con cũng như nguy cơ tắc mạch.
  • Trong quá trình dùng thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú, nếu nhận thấy trẻ thường quấy khóc, chậm tăng cân và nguồn sữa giảm nghiêm trọng thì cách tốt nhất là nên ngừng uống thuốc. Thay vào đó, mẹ có thể lựa chọn biện pháp tránh thai khác như dùng bao cao su, đặt vòng tránh thai, cho con bú vô kinh (thường hiệu quả trong 6 tháng đầu sau sinh đối với mẹ cho con bú hoàn toàn)…

Nhìn chung, thuốc tránh thai cho mẹ nuôi con bú vẫn là lựa chọn an toàn đối với hầu hết các mẹ sau sinh. Điều quan trọng là bạn cần chọn được loại thuốc phù hợp và an toàn. Ngoài ra, dù lựa chọn phương pháp ngừa thai nào, mẹ cũng nên tìm hiểu cẩn thận và nhờ sự tư vấn của bác sĩ nếu cần thiết nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Contraception During Breastfeeding

https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/15280-contraception-during-breastfeeding#:~:text=Progestin%2Donly%20oral%20contraceptives%2C%20or,containing%20both%20estrogen%20and%20progestin. Truy cập ngày 27/03/2022

What’s the best birth control option while breastfeeding?

https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/breastfeeding/whats-best-birth-control-option-while-breastfeeding Truy cập ngày 27/03/2022

BIRTH CONTROL

https://www.llli.org/breastfeeding-info/birth-control/ Truy cập ngày 27/03/2022

Contraception and Breastfeeding

https://www.breastfeedingnetwork.org.uk/contraception/ Truy cập ngày 27/03/2022

Contraception after giving birth

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/Contraception-after-childbirth Truy cập ngày 27/03/2022

Phiên bản hiện tại

01/04/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Cận cảnh dấu hiệu chuyển phôi thành công theo từng ngày

Biện pháp tránh thai sau sinh nào phù hợp cho bạn?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 01/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo