backup og meta

Trước khi mang thai nên uống gì? Những gợi ý quan trọng dành cho bạn

Trước khi mang thai nên uống gì? Những gợi ý quan trọng dành cho bạn

Trước khi mang thai nên uống gì hay không nên uống gì để tốt cho sức khỏe của mẹ và bé trong tương lai luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. 

Bạn đang có kế hoạch làm mẹ và quan tâm đến vấn đề trên để có một thai kỳ khỏe mạnh? Hãy cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết bên dưới nhé. 

3 vitamin và khoáng chất cần thiết trước khi sinh

Axit folic 

Axit folic, 1 dạng của vitamin B9 đóng vai trò cơ bản trong quá trình tổng hợp ADN, các axit amin. Axit folic cũng là thành phần thiết yếu để tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường.

Ngoài ra còn có các dạng khác như: Folate, 5 MTHF. Axit folic là dạng tổng hợp được bổ sung vào cơ thể qua dạng viên uống, còn dạng cơ thể hấp thu qua thực phẩm như: gan, rau bina, măng tây…. thì tồn tại ở dạng folate. Folate và 5MTHF phù hợp cho những phụ nữ mà cơ thể không chuyển hóa được axit folic. 

Theo khuyến nghị, phụ nữ nên bổ sung đủ 400 microgram axit folic mỗi ngày trong vòng 3 tháng trước khi mang thai và duy trì trong thai kỳ, để phòng ngừa một số dị tật bẩm sinh của não (chứng thiếu máu não) và cột sống (tật nứt đốt sống) ở thai nhi và phòng ngừa bệnh lý thiếu máu ở mẹ. Thiếu axit folic sẽ gây bệnh lý thiếu máu hồng cầu to.

Canxi 

Canxi là khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đóng nhiều vai trò quan trọng như: 

  • Giúp xương và răng chắc khỏe
  • Hỗ trợ các dây thần kinh gửi thông điệp từ não đến phần còn lại của cơ thể
  • Ngăn ngừa các vấn đề về huyết áp và một số biến chứng liên quan trong thai kỳ như tiền sản giật hay sảy thai. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở những vùng có khẩu phần canxi thấp dưới 600mg/ngày, mẹ bầu nên bổ sung 1500- 2000mg canxi/ngày để phòng ngừa tiền sản giật.

Theo các chuyên gia, những phụ nữ trước khi mang thai nên bổ sung ít nhất 1.000 mg canxi mỗi ngày. Tuy nhiên, đây là khoáng chất cơ thể không thể tự sản xuất, nên bạn chỉ có thể bổ sung canxi thông qua việc sử dụng viên uống bổ sung hoặc các thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, sữa chua, nước cam, cá hồi, cải xoăn, cải ngọt…

Ngoài ra, vitamin D cũng rất quan trọng, giúp hấp thu, chuyển hóa, phân phối canxi và phospho trong cơ thể. Vitamin D có thể được cơ thể tự tổng hợp trên da nhờ ánh sáng mặt trời. Ở những người thiếu vitamin D nên cần bổ sung thêm vitamin D đường uống.

Sắt

Việc bổ sung sắt trước khi mang thai không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trong thai kỳ, mà còn hỗ trợ hạn chế các vấn đề về rụng trứng trong giai đoạn thụ thai. Viện Y tế Quốc Hoa Kỳ (NIH) khuyến nghị lượng sắt cần bổ sung nên thay đổi theo từng giai đoạn như: 

  • Phụ nữ trưởng thành: 18 miligam mỗi ngày
  • Mang thai: 27 miligam mỗi ngày
  • Cho con bú: 9 miligam mỗi ngày 

Việc bổ sung sắt có thể thông qua ăn uống hằng ngày và dùng các loại sắt đường uống (sắt viên, sắt nước). Thực tế, cơ thể sẽ không thể hấp thu được hoàn toàn lượng sắt đưa vào, nên đảm bảo 15 – 30 mg/ngày sắt đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai và 30 – 60mg sắt/ngày đối với phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên ở một số người mắc các bệnh lý gây thừa sắt hoặc thiếu sắt thì nhu cầu sắt sẽ thay đổi, vì vậy thường bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm máu như: công thức máu, ferritin, sắt huyết thanh… để biết cơ thể bạn đang thừa hay thiếu sắt, lúc đó việc bổ sung mới thật sự phù hợp. Một số thực phẩm giàu sắt như: gan, lòng đỏ trứng, các loại thịt đỏ, rau xanh đậm…. Sắt dùng đường uống thì có sắt nước , sắt viên; sắt hữu cơ, vô cơ; sắt II, sắt III.

Trước khi mang thai cần uống bổ sung thuốc gì?

trước khi mang thai nên uống gì

Trước khi mang thai nên uống gì? Câu trả lời là bạn nên uống bổ sung vitamin trước khi sinh. 

Mặc dù, các vitamin và khoáng chất này có thể được bổ sung thông qua chế độ ăn uống, nhưng sẽ rất khó để cơ thể nhận được đầy đủ lượng khuyến nghị mỗi ngày. Hơn nữa việc bổ sung riêng lẻ thực sự bất tiện, vì thế bạn có thể uống các viên tổng hợp vừa có thể bổ sung sắt, axit folic, canxi, vitamin D… vừa cung cấp thêm các chất cần thiết khác như vitamin C, E, B1, B2, i-ốt, kẽm, DHA… Sau đây là một số lợi ích mà phụ nữ trước khi mang thai có thể nhận được khi sử dụng vitamin và khoáng chất bổ sung: 

  • Hỗ trợ cho sự phát triển thai nhi 
  • Phòng ngừa các dị tật bẩm sinh
  • Góp phần thúc đẩy thai kỳ khỏe mạnh
  • Giúp giảm buồn nôn và nôn mửa liên quan đến ốm nghén

Thời điểm tốt nhất để bắt đầu bổ sung vitamin trước khi sinh là từ 1 – 3 tháng trước khi mang thai và trong cả thai kỳ, đây đều là những giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của em bé. 

Thực tế là mỗi người sẽ có một tình trạng sức khỏe khác nhau. Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian, cũng như liều lượng vitamin và khoáng chất sử dụng để nhận được lời khuyên hữu ích, đảm bảo an toàn và phù hợp với sức khỏe hiện tại của bạn và thai nhi trong tương lai. 

Không nên uống gì trước khi mang thai? 

Bên cạnh sử dụng vitamin tổng hợp trước khi mang thai, thì bạn cũng nên hạn chế sử dụng một số loại thuốc sau, để giảm thiểu biến chứng có thể xảy ra trong thai kỳ: 

Vitamin A

Các retinoids thường được sử dụng trong quá trình làm đẹp: điều trị mụn, chống lão hóa… không nên dùng trước khi mang thai và trong thai kỳ. Nguyên do vì có thể sẽ gây dị tật thai nhi và các bất lợi khác trong thai kỳ.

Thuốc ngừa thai

trước khi mang thai không nên uống gì

Thực tế cho thấy, bạn có thể mang thai ngay khi ngưng sử dụng các biện pháp ngừa thai. Nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe, nếu có kế hoạch mang thai, bạn nên ngưng sử dụng thuốc tránh thai trong một thời gian nhất định rồi mới mang thai. Điều này giúp nồng độ hormone trong cơ thể có cơ hội thiết lập lại vè trạng thái cân bằng, đồng thời giúp bạn theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và biết được thời điểm rụng trứng – thời điểm bạn có khả năng mang thai cao nhất. Sau đây là thời gian nghỉ của các biện pháp tránh thai:

  • Thuốc ngừa thai: khoảng 2 chu kỳ kinh trước khi muốn mang thai
  • Vòng tránh thai: khoảng 1 tháng sau khi tháo vòng
  • Thuốc ngừa thai dạng tiêm: khoảng 3 tháng trước khi thụ thai. 

Trong thời gian này, các bạn có thể dùng phương pháp ngừa thai khác như bao cao su.

Các loại thuốc điều trị

Thuốc điều trị cũng tiềm ẩn các nguy cơ cho thai nhi. Song song với các loại thuốc có thể gây dị tật thai nhi, gây các nguy cơ sảy thai và các bất lợi thai kỳ khác thì có rất nhiều loại thuốc hoàn toàn có thể sử dụng trong thai kỳ. Việc điều trị bệnh là cần thiết, vì thế khi bạn đang có ý định mang thai, hãy nên hỏi bác sĩ loại thuốc được kê đơn có ảnh hưởng đến thai nhi hay không! Nếu có, hãy nhờ bác sĩ của bạn thay thế loại thuốc khác an toàn cho thai hoặc không thể thay thế, thì bạn nên tránh thai trong thời gian dùng thuốc.

Rượu hoặc đồ uống có cồn 

Sau đây là các lý do bạn nên bỏ rượu và đồ uống có cồn trước khi mang thai: 

  • Cồn có thể cản trở sự phát triển của não và hệ thần kinh ở thai nhi
  • Rượu có thể gây các rối loạn bào thai do rượu ( FASDs)
  • Rượu có thể làm giảm khả năng sinh sản, đặc biệt là những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm
  • Việc sử dụng rượu hay đồ uống có cồn có thể khiến nam giới giảm nồng độ hormone sinh dục testosterone và gây rối loạn chức năng cương dương, điều đó có thể dẫn đến vô sinh. 

Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã có thể biết rõ trước khi mang thai nên uống gì và có được sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình làm mẹ trong tương lai. 

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Everything You Need to Know About Prenatal Vitamins

https://www.lancastergeneralhealth.org/health-hub-home/motherhood/getting-pregnant/everything-you-need-to-know-about-prenatal-vitamins Ngày truy cập 17/11/2021

Prenatal vitamins: Why they matter, how to choose

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/prenatal-vitamins/art-20046945 Ngày truy cập 17/11/2021

What are prenatal vitamins?

https://www.plannedparenthood.org/learn/pregnancy/pre-pregnancy-health/what-are-prenatal-vitamins Ngày truy cập 17/11/2021

17 Health Changes to Make Before You Get Pregnant

https://www.parents.com/getting-pregnant/trying-to-conceive/tips/health-changes-to-make-before-getting-pregnant/ Ngày truy cập 17/11/2021

Things Not to Do If You Want to Get Pregnant

https://www.webmd.com/baby/fertility-no-nos#2-5 Ngày truy cập 17/11/2021

Phiên bản hiện tại

25/11/2021

Tác giả: Nhi Bui

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Cận cảnh dấu hiệu chuyển phôi thành công theo từng ngày

18 điều cần chuẩn bị trước khi mang thai để tăng cơ hội thụ thai thành công


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung

Sản - Phụ khoa · Phòng khám phụ sản Cảm Xúc


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 25/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo