Nếu bạn đang lên kế hoạch chào đón một thiên thần nhỏ thì việc tiêm phòng trước khi mang thai là điều tất yếu. Trong số đó, việc chủng ngừa vắc xin viêm gan B là cách giúp bạn chủ động phòng ngừa cho bản thân và bảo vệ bé yêu khỏi căn bệnh nhiễm trùng gan nguy hiểm.
Vậy khi nào là thời điểm vàng để tiêm vắc xin phòng viêm gan B trước khi mang thai? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới để có sự chuẩn bị tốt nhất nhé.
Tại sao nên tiêm vắc xin viêm gan B trước khi mang thai?
Tiêm chủng viêm gan B là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng ngừa viêm gan B, bệnh nhiễm trùng gan nghiêm trọng và phổ biến nhất trên thế giới, do vi rút viêm gan B (HBV) tấn công các tế bào gan gây ra. Sau đây là một số lý do tại sao bạn nên tiêm vắc xin viêm gan B trước khi mang thai:
- Vi rút có thể lây truyền từ mẹ sang con. Trong trường hợp không có bất kỳ biện pháp can thiệp phòng ngừa nào, nguy cơ lây truyền là 70- 90% đối với những bà mẹ có tải lượng vi rút HBV cao và 10 – 40% đối với những người có HBeAg âm tính.
- Em bé cũng có thể bị nhiễm vi rút từ mẹ khi tiếp xúc với máu và chất lỏng bị nhiễm bệnh trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.
- Mẹ bầu nhiễm viêm gan B có thể làm tăng khả năng sinh non, sẩy thai và gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh trong quá trình mang thai như tiểu đường thai kỳ, tổn thương gan
- Mặc dù, mang thai không phải là chống chỉ định tiêm chủng, nhưng theo các chuyên gia, bạn không nên tiêm ngừa trong thời gian mang thai để đảm bảo an toàn sức khỏe và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Tiêm viêm gan B trước khi mang thai bao lâu thì an toàn?
Theo lộ trình tiêm viêm gan B của Bộ Y Tế dành cho người trưởng thành:
- Đối với vắc xin 3 liều tiêm (thường cho người lớn): tiêm hai mũi đầu cách nhau từ 1 đến 2 tháng và sau đó 5 tháng sẽ tiêm mũi cuối.
- Đối với vắc xin 4 liều tiêm (thường cho trẻ nhỏ): 3 mũi tiêm đầu sẽ cách nhau 1 tháng và nhắc lại mũi cuối sau một năm.
- Bộ Y tế cũng đề nghị nên tiêm ngừa viêm gan B nhắc lại sau 5 năm, nếu không đủ kháng thể hoặc tiêm nhắc lại bất cứ khi nào xét nghiệm kháng thể không đủ.
Như vậy, thời gian mang thai an toàn là sau 5 tháng kể từ thời điểm hoàn thành việc tiêm ngừa hoặc bạn cũng có thể tiêm đủ 4 mũi và có thể thụ thai sau 1 – 2 tháng kể từ thời điểm tiêm đủ mũi, tùy thuộc vào loại vắc xin mà bạn lựa chọn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý một số điểm sau khi tiêm ngừa vắc xin:
- Nên xét nghiệm viêm gan B trước khi tiêm ngừa vì nếu HBsAg (kháng nguyên) dương tính thì việc tiêm phòng sẽ không còn tác dụng nữa hoặc bạn đã có kháng thể đủ rồi thì cũng không cần thiết tiêm ngừa.
- Nếu mang thai trong giai đoạn tiêm ngừa, hãy báo ngay với nhân viên y tế để có những chỉ định phù hợp tiếp theo. Bạn có thể được ngừng tiêm và sau khi sinh sẽ tiêm bổ sung các mũi còn lại.
- Hãy ở lại địa điểm tiêm 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe sau tiêm vì bạn có thể gặp một số tác dụng phụ của tiêm như đau và sưng đỏ tại chỗ tiêm hoặc sốt…
- Đối với những bạn đã thực hiện đủ mũi tiêm phòng nhưng cách thời gian muốn có thai đã lâu, thì nên tư vấn bác sĩ để có thể đẩy nhanh thời gian chích mũi nhắc lại sớm hơn.
Có thể mang thai khi nhiễm viêm gan B không?
Bạn vẫn có thể mang thai khi nhiễm viêm gan B. Nếu bạn có kết quả dương tính với viêm gan B khi đang mang thai thì sau đây là các bước mà bạn nên làm để bảo vệ con yêu:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị về việc chăm sóc và sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai để giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
- Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, nếu phụ nữ mang thai, xét nghiệm dương tính với virus viêm gan B và có tải lượng vi rút cao hoặc HBeAg dương tính (nếu cơ sở không có xét nghiệm tải lượng vi rút thì thay bằng xét nghiệm HBeAg) nên được điều trị dự phòng bằng tenofovir, nên bắt đầu từ tuần thứ 28 của thai kỳ cho đến khi sinh. Việc giảm tải lượng vi rút viêm gan B có thể giúp giảm nguy cơ truyền vi rút trong thời kỳ mang thai và sinh nở.
- Trẻ sau khi sinh phải được tiêm liều vắc xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau sinh, tốt hơn hết là trong vòng 6 – 24 giờ đầu sau sinh, theo khuyến cáo của WHO, mặt khác thời gian này rút ngắn còn 12 giờ sau khi sinh theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ.
- Các bác sĩ có thể tiêm thêm một liều globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) cho em bé để tăng thêm khả năng phòng ngừa. Hai mũi này đều được tiêm ngay sau khi sinh, ở các vị trí tiêm khác nhau để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan B. Đôi khi cơ sở y tế không có sẵn globulin miễn dịch thì các bố mẹ đừng quá quá lo lắng. Thường khi mẹ có tải lượng virus thấp hoặc HBeAg âm tính thì tiêm vắc xin thôi đã tốt rồi. Nhưng dù mẹ có tải lượng virus cao hoặc HBeAg dương tính, nếu mẹ đã được điều trị viêm gan B trong thai kỳ và em bé được tiêm vắc xin sớm sau sinh cũng giúp bé phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B khá tốt.
Nhìn chung, việc tiêm viêm gan B trước khi mang thai là biện pháp giúp ngăn ngừa viêm gan B hiệu quả cho cả mẹ và bé, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng về gan của bé sau này. Vậy nên, nếu bạn đã chuẩn bị mang thai và muốn có một thai kỳ khỏe mạnh, hãy chủ động tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y Tế nhé.
[embed-health-tool-ovulation]