Chóng mặt buồn nôn có phải có thai? Đây có thể là một trong những dấu hiệu mang thai nhưng chưa thể cho bạn câu trả lời chính xác.
Trên thực tế, các dấu hiệu mang thai sẽ có sự khác nhau đối với từng mẹ bầu. Có những chị em sẽ cảm thấy cơ thể thay đổi nhanh chóng ngay trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Thế nhưng vẫn có trường hợp mẹ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho đến vài tháng sau khi thụ thai. Vì vậy, để xác định kết quả bạn có mang thai hay không thì phương pháp chính xác nhất là dùng que thử thai hoặc đến bệnh viện làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hCG và siêu âm thai.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn chưa có thời gian làm xét nghiệm và đang muốn dự đoán xem mình đã mang thai hay chưa khi có dấu hiệu chóng mặt buồn nôn thì có thể tìm câu trả lời nhanh nhất qua bài viết sau của Hello Bacsi.
Chóng mặt buồn nôn có phải có thai? Kiểm tra ngay 8 dấu hiệu mang thai phổ biến
Nhiều chị em thắc mắc chóng mặt buồn nôn có phải có thai? Đây có thể là một trong những dấu hiệu mang thai sau khi quan hệ mà không dùng biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, phụ nữ mang bầu không chỉ cảm thấy chóng mặt buồn nôn mà còn có nhiều dấu hiệu khác rõ ràng hơn. Kiểm tra ngay xem bạn có 8 dấu hiệu mang thai thường gặp nhất sau đây không nhé!
1. Trễ kinh nguyệt
Dấu hiệu mang thai phổ biến và rõ ràng nhất đó là bạn bị trễ kinh. Nguyên nhân là vì quá trình thụ thai sẽ sản xuất ra hormone làm ngừng sự rụng trứng và bong lớp niêm mạc tử cung. Điều này có nghĩa là chu kỳ kinh của bạn đã tạm dừng và sẽ quay trở lại sau khi sinh con được một thời gian.
Tuy nhiên, trễ kinh không phải lúc nào cũng là dấu hiệu mang thai. Bạn cũng có thể bị trễ kinh do căng thẳng, ăn kiêng, tập thể dục quá mức, mất cân bằng hormone hoặc do kinh nguyệt không đều.
2. Ốm nghén vào buổi sáng
Mặc dù hầu hết phụ nữ mang thai đều ốm nghén vào buổi sáng nhưng thực tế là tình trạng này vẫn có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ốm nghén cũng là dấu hiệu rất sớm giúp chị em biết mình đã thụ thai.
Thực tế cho thấy có nhiều mẹ bầu đã cảm thấy buồn nôn khi thai nhi chỉ mới 2 tuần tuổi hoặc là trong 3 tháng đầu. Bên cạnh đó, tình trạng ốm nghén sẽ có sự khác nhau đối với từng phụ nữ. Không phải mẹ bầu nào cũng cảm thấy buồn nôn hoặc có những mẹ chỉ buồn nôn mà không nôn.
Mặc dù ốm nghén khi mang thai là bình thường nhưng nếu bạn bị mất nước do nôn nhiều thì nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn hỗ trợ nhé.
3. Mệt mỏi
Nhiều phụ nữ cảm thấy vô cùng mệt mỏi trong giai đoạn đầu mang thai. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do lượng hormone progesterone tăng cao. Tương tự như các dấu hiệu mang thai khác, cảm giác mệt mỏi có xu hướng giảm đi trong tam cá nguyệt thứ 2. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể quay trở lại trong tam cá nguyệt thứ 3 của nhiều mẹ bầu.
4. Đi vệ sinh thường xuyên
Trước khi trễ kinh, bạn có thể nhận thấy mình phải đi tiểu thường xuyên hơn. Điều này xảy ra bởi vì lượng máu cung cấp cho cơ thể đang tăng lên khi bạn mang thai. Từ đó khiến thận phải lọc máu nhiều hơn để loại bỏ chất thải dư thừa thông qua nước tiểu. Nói cách khác, mang thai khiến bạn có nhiều máu hơn và càng nhiều máu trong cơ thể thì bạn sẽ càng đi tiểu nhiều hơn.
5. Ngực sưng to và mềm
Khi mang thai, ngực của phụ nữ thường trở nên mềm hơn khi chạm vào. Đồng thời, cảm giác ngực căng và đau khá giống với khi bạn sắp có kinh. Thế nhưng, điểm khác biệt là nhũ hoa khi mang thai có thể trở nên to hơn và sẫm màu.
Theo thời gian, mẹ sẽ nhận ra ngực nở lớn hơn và cần thay đổi kích thước áo ngực. Ngoài ra, cảm giác đau nhức ngực khi mang thai cũng không quá đáng lo vì sự khó chịu sẽ giảm dần khi cơ thể mẹ bắt đầu quen với việc thay đổi nội tiết tố.
6. Nhức đầu và chóng mặt
Đối với thắc mắc chóng mặt buồn nôn có phải có thai? Câu trả lời gần như là có nếu trước đó bạn quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai và đang gặp nhiều dấu hiệu mang thai kể trên.
Trong đó, nhức đầu và cảm giác choáng váng, chóng mặt là biểu hiện thường gặp trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Tình trạng này xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể và lượng máu ngày càng tăng của bạn khi mang thai.
7. Chảy máu (Máu báo thai)
Máu báo thai từ âm đạo chảy ra khá ít với vài đốm màu hồng hoặc nâu bám trên quần lót là một trong những dấu hiệu mang thai bạn cần lưu ý.
Máu báo thai xuất hiện đồng nghĩa với việc phôi thai đã bám vào tử cung thành công. Thông thường, chị em sẽ bị chảy một chút máu sau khi quá trình thụ thai diễn ra được 8 – 12 ngày hoặc từ ngày thứ 2 – 7 trước chu kỳ kinh (dự kiến) tiếp theo.
Tuy nhiên, không phải ai có bầu cũng có máu báo thai và tình trạng này cũng khiến chị em dễ nhầm lẫn với máu kinh nguyệt. Vì vậy, bạn nên để ý đến thời gian chảy máu và lượng máu chảy ra. Nếu lượng máu chỉ là vài giọt và không kéo dài quá 2 ngày thì khả năng cao đó là máu báo thai.
8. Thường xuyên đói bụng và nhạy cảm với mùi thức ăn
Việc ăn uống có thể trở nên phức tạp trong thời kỳ đầu mang thai. Một số mẹ bầu thường xuyên đói bụng và bắt đầu thèm ăn một vài món mà trước đây mình không thích. Trong khi một số món ăn vốn dĩ bình thường hoặc hấp dẫn nhưng khi mang thai bạn lại cảm thấy hương vị ấy khó chịu. Đây là tình trạng khó lý giải nhưng là một trong những dấu hiệu mang thai khá điển hình.
Chóng mặt buồn nôn có phải có thai? Nếu câu trả lời là không
Mặc dù vấn đề chóng mặt buồn nôn có phải có thai hay không là điều bạn đang quan tâm. Thế nhưng câu trả lời không phải lúc nào cũng là có vì đây là một biểu hiện dễ nhầm lẫn với nhiều vấn đề sức khỏe khác như suy nhược cơ thể, kiệt sức, bệnh tiêu hóa, thiếu máu…
Tương tự như vậy, một số tình trạng khác, chẳng hạn như trễ kinh không phải lúc nào cũng là do bạn mang thai mà có thể là do căng thẳng hoặc kinh nguyệt không đều.
Nói tóm lại, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng phụ nữ mà đôi khi các dấu hiệu mang thai thường khó phân biệt và không thể dự đoán. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên dùng que thử thai hoặc đến bệnh viện thử máu hay siêu âm để có câu trả lời chính xác nhé!
[embed-health-tool-ovulation]