Sản dịch sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường và là một phần của quá trình hồi phục sau khi sinh con. Trong những ngày đầu tiên sản dịch có thể ra rất nhiều và một số mẹ nhận thấy sản dịch ra cục máu đông như thạch. Vì vậy, nhiều chị em thắc mắc liệu tình trạng này có nguy hiểm không? Khi nào cần đi khám?
Sự thật là bạn không cần quá lo lắng về việc sản dịch có cục máu đông vì trường hợp này không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nghiêm trọng. Qua bài viết sau, mẹ hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem vì sao tình trạng này xảy ra? Khi nào là bình thường và khi nào cần đi khám nhé!
Vì sao sản dịch ra cục máu đông?
Những thành phần của sản dịch sau sinh thường là những mảnh vụn bong tróc của lớp niêm mạc tử cung, nước ối còn sót, dịch tiết từ vết thương khi sinh qua ngả âm đạo… Trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, tử cung của mẹ sẽ tiếp tục co bóp để đẩy hết sản dịch ra ngoài nhằm mục đích làm sạch tử cung và giúp mẹ phục hồi sức khỏe trở lại.
Tuy nhiên, trong quá trình này nhiều mẹ phát hiện sản dịch ra cục máu đông và không biết vì sao, có phải là dấu hiệu nguy hiểm. Thực chất, những cục máu đông này có thể là từ vết thương tử cung sau khi bánh nhau bong hoặc do máu không đi qua ngả âm đạo để thoát khỏi cơ thể ngay lập tức sẽ kết dính với nhau, từ đó tạo thành cục máu trông giống như thạch. Thông thường, hiện tượng ra cục máu đông sau sinh không có gì đáng lo ngại nếu không kèm theo các triệu chứng bất thường nên mẹ đừng quá lo lắng.
Ra cục máu đông sau sinh – Khi nào là bình thường và khi nào cần đi khám?
Như đã đề cập, sản dịch sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường, đôi khi sản dịch ra cục máu đông cũng không sao. Thế nhưng, để biết ra cục máu sau sinh khi nào là bình thường hoặc bất thường thì bạn có thể tìm hiểu qua những thông tin sau.
Sản dịch ra cục máu đông – Khi nào là bình thường?
Hầu hết phụ nữ sau sinh đều ra sản dịch tối đa trong 6 tuần, có thể ít hơn tùy thuộc vào sức khỏe, cách mẹ sinh mổ hay sinh thường. Nếu sản dịch ra cục máu đông, bạn không cần quá lo lắng nếu:
- Ra cục máu đông sau sinh không quá 1 tuần
- Lượng máu đông không nhiều, kích thước cục máu đông nhỏ
- Quá trình ra máu sau sinh chậm lại từ ngày thứ 2 trở đi và có màu sắc nhạt dần theo thời gian.
- Sản dịch sau sinh không kéo dài quá 6 tuần và thường không có mùi hôi.
Khi nào cần đi khám nếu ra cục máu đông sau sinh?
Sản dịch ra cục máu đông sau sinh là hiện tượng bình thường. Thế nhưng, trong trường hợp mẹ ra cục máu đông kèm theo những triệu chứng bất thường khác sau đây thì không được chủ quan:
- Qua hơn 24 giờ đầu sau sinh, mẹ vẫn có nhiều cục máu đông với kích thước lớn
- Máu thoát ra khỏi cơ thể vẫn đỏ tươi kể từ ngày thứ 3 sau sinh
- Dùng nhiều hơn 1 băng vệ sinh mỗi giờ
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
- Bụng cứng, đau bụng, khi ấn vào vùng bụng dưới thấy có cục ở trong
- Vết khâu ở đáy chậu hoặc bụng có dấu hiệu bị rách
- Sốt cao, đau đầu, khó thở
- Nhịp tim bất ổn, chóng mặt, mất ý thức.
Những triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bị nhiễm trùng hoặc gặp biến chứng hậu sản nào đó, điển hình như băng huyết sau sinh. Vì vậy, chị em cần nhanh chóng nhập viện để được bác sĩ chẩn đoán đúng cách và điều trị kịp thời.
Cách chăm sóc sức khỏe sau sinh để tránh rủi ro từ sản dịch bất thường
Đối với tình trạng sản dịch ra cục máu đông, nếu không có thêm triệu chứng bất thường thì mẹ có thể yên tâm đây là điều bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, để giúp sản dịch nhanh hết và hạn chế rủi ro vì sản dịch bất thường, mẹ có thể áp dụng những mẹo chăm sóc sức khỏe sau đây:
- Mẹ nên tránh sử dụng tampon hay cốc nguyệt san trong 6 tuần đầu sau sinh để thấm hút sản dịch vì hành động này sẽ vô tình đưa vi khuẩn vào âm đạo, tử cung gây viêm nhiễm. Cách tốt nhất là bạn chỉ nên sử dụng băng vệ sinh cho đến khi sức khỏe đã ổn định.
- Giữ vệ sinh cho vùng kín bằng cách thay băng vệ sinh thường xuyên, tắm rửa sạch sẽ, không thụt rửa quá sâu vào âm đạo và luôn giữ “cô bé” khô ráo.
- Mẹ cần đảm bảo uống nhiều nước, ăn đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ có thể áp dụng kinh nghiệm dân gian như ăn canh rau ngót, canh trứng đậu phụ, uống nước chè vằng… để giúp đẩy sản dịch ra khỏi cơ thể nhanh hơn.
- Nếu chị em muốn vận động một chút để tăng lưu thông máu, giúp tử cung co bóp tốt hơn thì chỉ nên đi bộ hoặc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, tránh khiêng vác nặng và tránh quay lại công việc quá sớm.
- Bên cạnh đó, việc cho bé bú thường xuyên không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cho con mà còn là cách giúp tử cung đẩy sản dịch ra ngoài nhanh, hiệu quả hơn nên mẹ có thể tận dụng tối đa.
Mặc dù sản dịch ra cục máu đông không phải là tình trạng quá nguy hiểm nhưng cũng không nên chủ quan. Cách tốt nhất là bạn nên thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ về các hoạt động sau sinh cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất phù hợp. Ngoài ra, nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì mẹ không nên chần chừ trong việc đi khám để tránh các biến chứng hậu sản nguy hiểm.
[embed-health-tool-ovulation]