Sau sinh mổ, cơ thể mẹ rất yếu nên cần được bồi bổ bằng nhiều loại thực phẩm. Thế nhưng, không phải thực phẩm nào cũng tốt cho phụ nữ sau sinh. Do đó, đẻ mổ kiêng ăn gì là mối quan tâm của nhiều người.
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sinh mổ có hệ miễn dịch kém hơn trẻ sinh thường và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp. Vì thế, trẻ sinh mổ cần sự chăm sóc và nguồn dinh dưỡng đặc biệt từ sữa mẹ. Trong khi đó, chế độ ăn của mẹ lại ảnh hưởng rất lớn đến thành phần và chất lượng sữa mẹ. Do đó, để bé phát triển vững vàng và khỏe mạnh, mẹ sẽ cần có chế độ ăn khoa học, lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng và tránh các thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Đẻ mổ kiêng ăn gì?
Sau sinh mổ, bạn có thể chỉ được uống nước và khoảng 8 giờ sau đó mới bắt đầu ăn nhẹ với những thực phẩm lỏng và dễ tiêu hóa. Nếu so với sinh thường, cơ thể mẹ sẽ chậm hồi phục hơn. Do đó, mẹ cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn và chú ý kiêng cữ một số loại thực phẩm để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Một số ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp cho câu hỏi đẻ mổ kiêng ăn gì:
- Thức ăn cay và nóng vì những thực phẩm này có thể ảnh hưởng đến hương vị sữa mẹ và làm cho dạ dày bạn cảm thấy khó chịu.
- Thức uống có ga: Các thức uống này có thể làm bạn đầy hơi sau khi sinh mổ vì dạ dày của bạn hiện đang rất nhạy cảm.
- Thức uống có caffeine như trà, cà phê, nước tăng lực: Vì thức uống này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ.
- Rượu và thức uống có cồn: Mẹ mới sinh và đang nuôi con bằng sữa mẹ nếu uống rượu và thức uống có cồn có thể làm giảm sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.
- Thức ăn nguội, chưa nấu chín: Nhóm thực phẩm này nên được loại bỏ khỏi thực đơn vì sẽ khiến mẹ khó tiêu hóa.
- Thức ăn lên men, chiên rán và thức ăn nhanh
- Các món ăn có bơ: Tránh dùng trong vòng 3 – 4 ngày đầu tiên sau khi mổ
- Thực phẩm gây táo bón: như thực phẩm chiên rán, thịt đỏ, ngũ cốc đã qua tinh chế, các chế phẩm từ sữa bò…
Sau ca sinh mổ, cơ thể thay đổi nội tiết tố, cơ dạ dày cũng yếu hơn cùng với đó là việc nằm thường xuyên khiến mẹ rất dễ táo bón. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây đau đớn và ảnh hưởng đến vết mổ. Do đó, việc tránh những thực phẩm gây táo bón là điều cần thiết để giảm nguy cơ bị táo bón sau sinh.
Sau sinh mổ nên ăn gì để nhanh hồi phục?
Trong suốt quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi vì lượng thức ăn hằng ngày sẽ được chuyển đổi thành năng lượng cung cấp cho cả mẹ và con. Ngược lại, sau khi sinh, mặc dù bạn không “ăn cho hai người” nhưng cơ thể lại cần nhiều chất dinh dưỡng để hồi phục.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sữa mẹ. Trong những tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ. Bởi trong sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ lớn nhanh và khỏe mạnh như:
+ Lactose: Chiếm khoảng 40% tổng lượng calo do sữa mẹ cung cấp. Lactose có tác dụng làm giảm hại khuẩn sản sinh trong dạ dày, giúp cơ thể cải thiện sự hấp thụ canxi, phốt pho và magie. Đồng thời, dưỡng chất này còn giúp ngăn ngừa bệnh tật và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn “thân thiện”.
+ Chất béo: Đây là dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Ngoài ra, dưỡng chất này cũng giúp trẻ hấp thụ các vitamin tan trong chất béo và là nguồn cung cấp năng lượng chính. Bên cạnh đó, các axit béo omega-3 như DHA, EPA và omega-6 như AA còn là những dưỡng chất cần cho sự phát triển não bộ, võng mạc và hệ thần kinh của trẻ.
+ HMOs: Đây là dưỡng chất có hàm lượng phong phú nhiều thứ 3 trong sữa mẹ, chỉ sau chất béo và lactose và được chia thành 3 phân nhóm chính:
- HMO trung tính chứa fucose – Fucosylated HMOs
- HMO có tính axit hoặc Sialylated
- HMO trung tính chứa N-acetylglucosamine (acetylated HMOs)
+ Chất đạm: Sữa mẹ có chứa hai loại đạm là đạm whey và đạm casein. Sự cân bằng của các loại đạm này giúp trẻ tiêu hóa nhanh và dễ dàng.
+ Nucleotides: Sữa mẹ chứa một lượng lớn nucleotides có tác dụng hỗ trợ sản xuất kháng thể, giúp cơ thể trẻ tăng khả năng chống lại nhiễm trùng và làm giảm nguy cơ phát triển mầm bệnh. Đồng thời, nucleotides còn có khả năng hỗ trợ phát triển hàng rào niêm mạc, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ.
+ Các loại vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K, đều rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, các vitamin tan trong nước như vitamin C, riboflavin, niacin và axit pantothenic cũng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Do đó, ngoài việc quan tâm đến vấn đề “đẻ mổ kiêng ăn gì?”, bạn cần chú ý thực hiện một chế độ ăn lành mạnh và bổ sung đầy đủ chất để đảm bảo cả mẹ và bé đều khỏe.
1. Thực phẩm giàu protein
Protein rất cần cho quá trình tăng trưởng và duy trì các mô. Do đó, việc bổ sung protein sau sinh mổ giúp thúc đẩy quá trình hình thành mô mới, tạo điều kiện cho vết mổ nhanh lành. Một số thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, thịt da cầm, tôm, đậu và đậu Hà Lan, các sản phẩm từ sữa ít béo như sữa tách kem, sữa chua ít béo, pho mát, súp lơ xanh, chuối…
2. Thực phẩm được làm từ ngũ cốc nguyên hạt
Các sản phẩm như bánh mì đen, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt… đều rất giàu carbohydrate, giúp duy trì được năng lượng trong thời gian dài và hỗ trợ cho quá trình sản xuất sữa mẹ. Bên cạnh đó, các loại ngũ cốc này cũng giàu sắt, chất xơ, axit folic cùng nhiều loại vitamin rất cần thiết cho sự phát triển trong những năm đầu đời của trẻ.
3. Thực phẩm cung cấp nucleotides
Nucleotides là dưỡng chất được tìm thấy trong sữa mẹ với nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe trẻ sơ sinh. Không những giúp trẻ lớn nhanh, dưỡng chất này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Ngoài ra, nó còn tăng tốc độ phục hồi của đường ruột sau khi trẻ bị tiêu chảy. Mẹ hãy bổ sung thêm nucleotides vào bữa ăn hằng ngày với các thực phẩm như:
- Thịt heo, bò, gà
- Cá
- Tôm
- Thực phẩm chiết xuất từ nấm men như bánh mì ngũ cốc, sandwich,…
4. Thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa sẽ giúp hỗ trợ sản xuất collagen, tái tạo các mô sẹo, giúp các vết mổ mau lành và không bị nhiễm trùng. Đặc biệt, vitamin C còn giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó, thông qua sữa mẹ, hệ miễn dịch non nớt của bé cũng được bảo vệ tốt hơn. Bạn hãy thêm các thực phẩm như hàu, gan, các loại thịt, các loại đậu cùng nhiều loại rau và trái cây như bông cải xanh, cải xoăn kale, rau chân vịt, cam, đu đủ, bưởi, dâu tây, cam… vào chế độ ăn.
5. Các thực phẩm giàu sắt
Sắt có vai trò duy trì nồng độ hemoglobin trong cơ thể và hỗ trợ tái tạo lại lượng máu đã mất trong quá trình sinh nở. Các thực phẩm chứa nhiều sắt là:
- Lòng đỏ trứng
- Thịt đỏ
- Hàu
- Gan bò.
Phải làm sao khi mẹ sinh mổ có quá ít sữa hoặc sữa chưa về?
Sinh mổ có thể khiến thời gian sữa mẹ được tạo ra lâu hơn khi sinh thường. Trong thời gian chờ sữa về, mẹ hãy:
- Để con tiếp xúc với bầu ngực càng sớm càng tốt, đồng thời cố gắng cho bé bú mút để kích thích tuyến sữa hoạt động
- Massage ngực nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ khoảng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần ít nhất 10 phút để kích thích sữa mẹ về nhiều hơn
- Uống đủ nước, mỗi ngày mẹ cần uống từ 6 – 8 cốc nước ấm (khoảng 2 lít), phân bố lượng nước đều đặn để tăng tiết sữa mẹ
- Duy trì chế độ ăn cân bằng, khoa học, đầy đủ dưỡng chất. Ngoài những thực phẩm cần tránh được liệt kê ở trên, bạn không cần kiêng thứ gì khác và cũng không cần thực hiện chế độ ăn kiêng đặc biệt.
Trẻ sinh mổ sẽ có sức đề kháng yếu hơn so với trẻ sinh thường. Theo nghiên cứu, trẻ sinh mổ có nhiều khả năng nhiễm các loại nhiễm trùng lâm sàng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp và nhiễm virus. Để giúp trẻ tăng sức kháng và giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải các vấn đề trên, việc cho bé bú mẹ trong những tháng đầu là rất quan trọng.
Sinh mổ là một cuộc phẫu thuật lớn và việc hồi phục sau sinh có thể đem đến nhiều thách thức. Hy vọng bài viết của Hello Bacsi có thể giúp bạn xây dựng được thực đơn dinh dưỡng vừa khỏe cho mẹ, vừa đầy đủ chất cho con và giải đáp những thắc mắc của về việc để mổ kiêng ăn gì và nên ăn gì.