backup og meta

Vì sao bác sĩ khuyên mẹ sau sinh vẫn cần bổ sung sắt?

Vì sao bác sĩ khuyên mẹ sau sinh vẫn cần bổ sung sắt?

Bổ sung sắt khi mang thai là điều thường được khuyến khích nhưng lại ít khi được chú ý trong giai đoạn sau sinh. Thực tế, bổ sung sắt sau sinh cũng rất quan trọng. Bởi nếu không có đủ sắt, mẹ có thể bị thiếu máu và tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

Sắt là khoáng chất được cơ thể sử dụng để tạo ra huyết sắc tố, một loại protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đi khắp cơ thể [1]. Thiếu sắt thường dẫn đến thiếu máu, lúc này các tế bào hồng cầu sẽ nhỏ hơn, chứa ít huyết sắc tố hơn và kết quả là lượng oxy được vận chuyển đi khắp cơ thể bị giảm đi [1], [2].

Vì sao bác sĩ khuyên mẹ sau sinh vẫn cần bổ sung sắt?

So với giai đoạn mang thai, nhu cầu sắt của người mẹ thường giảm đi trong thời kỳ hậu sản, giai đoạn bắt đầu ngay sau khi sinh con và trong suốt 6 tuần tiếp theo. Tuy nhiên, giai đoạn này là thời gian để cơ thể mẹ phục hồi lượng sắt bị mất trong quá trình mang thai và sinh nở. Hơn nữa, nếu mẹ bị thiếu máu khi mang thai và đặc biệt là nếu mẹ bị mất một lượng máu đáng kể khi sinh thì có thể dẫn đến nguy cơ thiếu máu sau sinh [3].

Thiếu sắt và thiếu máu sau sinh đều là những vấn đề gây ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ lẫn trẻ sơ sinh [2], [3]. Về mặt thể chất, thiếu máu sau sinh sẽ khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt, tăng nguy cơ nhiễm trùng… Về mặt tâm lý – hành vi, thiếu máu sau sinh có thể gây suy giảm chức năng nhận thức, lo âu, bồn chồn, trầm cảm sau sinh… ở người mẹ [4].

Thiếu máu sau sinh làm suy yếu đi sự tương tác giữa mẹ và bé. Một vấn đề quan trọng đáng chú ý nữa là thiếu máu ở người mẹ có thể làm suy giảm khả năng tiết sữa, từ đó ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng tự nhiên dành cho con và cản trở sự phát triển của em bé. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ thiếu máu khi mang thai và sau sinh ở các nước đang phát triển là khá cao. Chẳng hạn như ở Đông Nam Á, tỷ lệ thiếu máu sau sinh có thể lên đến 50 – 60% [4]. Chính vì những điều này, các bác sĩ có thể khuyên mẹ vẫn nên tiếp tục bổ sung sắt sau sinh để phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt.

Cách bổ sung sắt cho mẹ sau sinh an toàn, hạn chế tác dụng phụ

bổ sung sắt qua thực phẩm

Sắt là khoáng chất có sẵn trong nhiều loại thực phẩm cũng như được bào chế thành dạng thuốc bổ sung sắt. Vì vậy, mẹ sau sinh có thể bổ sung sắt qua những cách sau đây:

Bổ sung sắt qua thực phẩm

Sắt được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Bạn cũng có thể nhận được lượng sắt cần thiết khi ăn nhiều loại thực phẩm giàu sắt như [1], [5]:

  • Thịt nạc, thịt gia cầm và hải sản
  • Ngũ cốc, bánh mì tăng cường chất sắt
  • Rau lá xanh đậm (rau bina…) và các loại đậu như đậu lăng, đậu thận, đậu Hà Lan…
  • Các loại hạt và một số loại trái cây khô, chẳng hạn như nho khô.

Sắt từ động vật, chẳng hạn thịt, thường được hấp thu dễ hơn so với sắt từ thực vật. Ngoài ra, nếu muốn cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, mẹ nên kết hợp với thực phẩm hoặc đồ uống giàu vitamin C như nước cam, nước ép cà chua hoặc dâu tây [5].

Bổ sung sắt qua viên uống

Viên uống bổ sung sắt vẫn được ưa chuộng vì sự tiện lợi và chi phí vừa phải. Ngoài ra, việc sử dụng viên uống bổ sung sắt để phòng ngừa thiếu máu sau sinh được khuyến nghị thực hiện càng sớm càng tốt và nên tuân theo chế độ (liều lượng, tần suất bổ sung viên sắt) như khi bổ sung sắt trong thai kỳ [2], [6].

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liều lượng sắt bổ sung đối với phụ nữ đang cho con bú sẽ dao động từ 10 đến 30 mg mỗi ngày [3] và nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau sinh [2]. Để hấp thu sắt tốt nhất, mẹ nên uống viên bổ sung sắt ít nhất 30 phút trước bữa ăn hoặc 2 giờ trước khi dùng các loại thuốc khác [7].

mẹ sau sinh bổ sung sắt

Lưu ý thêm rằng dù bổ sung sắt là điều cần thiết để cải thiện sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh nhưng việc dùng viên sắt đường uống được cho là gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và nôn [3]. Để giảm các tác dụng phụ, nhiều mẹ bỉm có xu hướng giảm tần suất uống thuốc và ngưng dùng thuốc [7]. Để khắc phục vấn đề này trong dự phòng thiếu máu do thiếu sắt, mẹ bầu hoặc mẹ sau sinh nên chọn viên bổ sung sắt dạng phóng thích kéo dài thay vì viên uống thông thường.

Đây là giải pháp thay thế mang đến nhiều lợi ích hơn cho mẹ có nhu cầu bổ sung sắt. Viên bổ sung sắt dạng phóng thích kéo dài được bào chế theo công thức đặc biệt giúp sắt được phóng thích có kiểm soát, dọc theo đường tiêu hóa từ tá tràng đến hỗng tràng giúp tăng độ hấp thu. Hơn nữa, sắt được phóng thích có kiểm soát trong khu vực hấp thu sắt tối đa nên hạn chế kích ứng niêm mạc dạ dày – ruột, từ đó hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Ngoài ra, với cơ chế phóng thích kéo dài, chỉ cần uống 1 viên/ ngày giúp mẹ dễ dàng tuân thủ điều trị hơn.

Thiếu máu do thiếu sắt sau sinh là một trong những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, bạn cần áp dụng các biện pháp dự phòng thiếu máu do thiếu sắt càng sớm càng tốt. Nếu mẹ lo ngại các vấn đề về tiêu hóa khi dùng viên uống bổ sung sắt thì hãy lựa chọn viên bổ sung sắt dạng phóng thích kéo dài để phòng ngừa thiếu máu hiệu quả, ít tác dụng phụ nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Iron https://ods.od.nih.gov/factsheets/Iron-Consumer/ Truy cập ngày 17/11/2023

2. Guideline: Iron Supplementation in Postpartum Women. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK379995/ Truy cập ngày 17/11/2023

3. Guideline: Iron Supplementation in Postpartum Women. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK379991/ Truy cập ngày 17/11/2023

4. Postpartum Anemia – Still a Major Problem on a Global Scale https://www.omicsonline.org/open-access/postpartum-anemia–still-a-major-problem-on-a-global-scale-2376-127X-1000e122.php?aid=61457 Truy cập ngày 17/11/2023

5. Iron deficiency anemia during pregnancy: Prevention tips https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/anemia-during-pregnancy/art-20114455 Truy cập ngày 17/11/2023

6. Iron Deficiency Anemia During and After Pregnancy: How Can We Make a Difference? https://www.apsf.org/article/iron-deficiency-anemia-during-and-after-pregnancy-how-can-we-make-a-difference/ Truy cập ngày 17/11/2023

7. Iron Supplementation https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557376/ Truy cập ngày 17/11/2023

Phiên bản hiện tại

28/12/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Mẹ bầu thiếu sắt có ảnh hưởng gì không? Xem ngay để kịp thời điều trị!

Điểm danh dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt ở bà bầu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo