Suy giảm thính lực (hay lãng tai) có thể là do tiếng ồn, lão hóa, bệnh tật và di truyền gây ra. Những người già bị lãng tai thường khó có thể trò chuyện với bạn bè hay gia đình, gặp nhiều bất tiện trong đời sống thường ngày..
Người lớn tuổi bị lãng tai có thể trở nên trầm cảm, thất vọng hoặc xấu hổ do không hiểu được những gì người khác đang nói. Vì thế, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân lãng tai cũng như học cách sống chung với bệnh như thế nào nhé!
Lãng tai là gì?
Chức năng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể người cao tuổi sẽ thay đổi. Trong đó, mất thính giác là một trong những tình trạng lão hóa thường gặp nhất.
Gần 1/2 người lớn trên 65 tuổi bị giảm khả năng thính lực ở một mức độ nhất định. Suy giảm thính lực liên quan đến tuổi tác còn được gọi là giảm thính lực tuổi già. Mặc dù mất thính lực do tuổi tác không phải là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi nếu không được cải thiện.
Nguyên nhân lãng tai là gì? Có bao nhiêu loại mất thính giác?
Có hai loại mất thính lực thường gặp:
- Mất thính lực giác quan (Sensorineural hearing loss) xảy ra khi người bệnh gặp tổn thương ở tai trong hoặc dây thần kinh thính giác. Loại mất thính lực này thường kéo dài vĩnh viễn.
- Suy giảm thính lực dẫn truyền (Conductive hearing loss) xảy ra khi sóng âm thanh không thể truyền đến tai trong. Nguyên nhân có thể do ráy tai tích tụ, chất lỏng hoặc màng nhĩ bị thủng. Điều trị y tế hoặc phẫu thuật có thể phục hồi tình trạng mất thính lực dẫn truyền.
Mất thính giác đột ngột
Mất thính lực giác quan đột ngột hoặc bị lãng tai đột ngột là tình trạng mất thính lực ở một hoặc cả hai tai cùng một lúc trong khoảng thời gian lên đến 3 ngày. Đây là một trong những trường hợp khẩn cấp y tế cần được gặp bác sĩ ngay lập tức để điều trị kịp thời.
Suy giảm thính lực do tuổi tác (Presbycusis)
Giảm thính lực tuổi già sẽ dần xuất hiện theo thời gian. Tình trạng lãng tai này có thể mang đặc tính di truyền và xảy ra do những thay đổi ở tai trong và dây thần kinh thính giác. Điều này sẽ dẫn đến việc người cao tuổi không thể chịu đựng được âm thanh lớn hoặc không thể nghe được những gì người khác nói.
Suy giảm thính lực do tuổi tác thường xảy ra ở cả hai tai, và ảnh hưởng lên cả hai khu vực này là như nhau. Bệnh diễn tiến âm thầm và từ từ. Vì vậy, những người lớn tuổi thường không nhận ra rằng họ đã mất đi một phần khả năng nghe.
Chứng ù tai (Tinnitus)
Ù tai cũng thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Những người mắc chứng ù tai thường có thể nghe thấy những âm thanh như ù ù, gầm, lách cách, rít hoặc vo ve. Tuy nhiên, ù tai chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Người bệnh chỉ nghe thấy ở một hoặc cả hai bên tai, âm lượng có thể to hoặc nhỏ. Ù tai đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của bệnh lãng tai ở người lớn tuổi. Ngoài ra, bệnh này có thể đi kèm với bất kỳ triệu chứng mất thính lực nào và có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như cao huyết áp, dị ứng hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Ù tai là một triệu chứng. Đôi khi có thể là do trong tai người bệnh có các mẩu ráy tai nên ống tai dễ bị chặn. Điều này gây ra bệnh ù tai, hoặc cũng có thể là kết quả của một số tình trạng sức khỏe khác.
>>> Bạn có thể quan tâm: Điểm danh các cách chữa ù tai hiện nay
Bệnh lãng tai có chữa được không?
Hiện nay, vẫn chưa có cách chữa bệnh lãng tai do tuổi tác. Vì vậy, nếu người thân trong gia đình bạn được chẩn đoán mắc tình trạng này, bác sĩ có thể đề xuất một số cách giúp cải thiện thính giác và chất lượng cuộc sống của người bệnh như sau:
- Sử dụng máy trợ thính
- Các thiết bị hỗ trợ thính giác, chẳng hạn như bộ khuếch đại điện thoại
- Dùng các ngôn ngữ ký hiệu hoặc học cách đọc môi để giao tiếp đối với người già bị khiếm thính nghiêm trọng.
Chẩn đoán bệnh
Nếu các bậc sinh thành bị mất thính giác do tuổi tác, bạn nên đưa họ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ hoàn thành bài kiểm tra sức khỏe toàn diện để loại trừ các nguyên nhân khác gây mất thính lực ở người già. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chẩn đoán bệnh bằng dụng cụ kính chẩn tai.
Nếu không thể tìm thấy nguyên nhân nào khác gây lãng tai, bác sĩ có thể chẩn đoán rằng người bệnh bị mất thính lực do tuổi tác và từ đó tiếp tục xác định mức độ mất thính lực ở người bệnh như thế nào.
>>> Bạn có thể quan tâm: Ngăn ngừa bệnh lãng tai ở người cao tuổi
Cách sống chung với bệnh lãng tai ở người già
Đối với người cao tuổi
Nếu nhận thấy các dấu hiệu lãng tai thì người cao tuổi nên:
- Thông báo cho người thân biết bạn có vấn đề về thính giác.
- Yêu cầu mọi người khi trò chuyện cần phải đứng đối diện với bạn, và đặc biệt nên nói chậm và rõ ràng hơn.
- Người bị lãng tai cần chú ý đến những gì người còn lại đang nói thông qua nét mặt hoặc cử chỉ.
- Hãy cho người nói chuyện biết nếu bạn không hiểu họ đang nói gì.
- Tìm một nơi yên tĩnh khi trò chuyện để lắng nghe kỹ hơn.
Đối với người trò chuyện
Dưới đây là một số mẹo mà bạn có thể sử dụng khi nói chuyện với người bị lãng tai:
- Tìm một nơi yên tĩnh để nói chuyện nhằm giảm tiếng ồn xung quanh. Cần hạn chế giao tiếp với người bị lãng tai trong các khu vực nhiều tiếng ồn như trong nhà hàng hoặc các cuộc họp mặt xã hội.
- Đứng ở nơi có ánh sáng tốt và thể hiện nét mặt hoặc cử chỉ để giúp người bị lãng tai dễ hiểu hơn.
- Duy trì khả năng giao tiếp bằng mắt và nói thật rõ ràng.
- Nói to hơn bình thường một chút, tuy nhiên bạn không cần phải hét. Thay vào đó, bạn nên cố gắng nói chậm và thật tự nhiên.
- Không nên che miệng, ăn hoặc nhai kẹo cao su trong khi nói.
- Chủ động lặp lại câu nói nếu người nghe vẫn chưa hiểu, hoặc có thể sử dụng các từ ngữ khác nhau.
- Nên đảm bảo chỉ có một người đang nói chuyện tại cùng một lúc.
- Luôn lạc quan, kiên nhẫn và thư thái khi nói chuyện với người cao tuổi bị lãng tai.
Các thiết bị hỗ trợ lãng tai ở người già
- Máy trợ thính: Như đã đề cập, máy trợ thính là thiết bị điện tử chạy bằng pin giúp khuếch đại âm thanh to hơn. Có rất nhiều loại máy trợ thính trên thị trường. Vì thế, trước khi mua máy trợ thính, hãy tìm hiểu xem bảo hiểm y tế của bạn có chi trả chi phí này hay không. Ngoài ra, hãy hỏi xem người lớn tuổi có thể được dùng thử để đảm bảo thiết bị phù hợp.
- Các thiết bị hỗ trợ nghe, hay cấy ghép điện cực ốc tai: Các thiết bị này có thể giúp ích rất nhiều cho một số người bị mất thính lực. Bác sĩ có thể đề nghị cấy ốc tai – thiết bị điện tử nhỏ được phẫu thuật cấy ghép vào tai người bệnh. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp đối phó tạm thời với căn bệnh này. Phương pháp này cũng không có khả năng khôi phục khả năng nghe bình thường. Ốc tai điện tử được dùng tạo ra âm thanh to hơn và chỉ nên được áp dụng cho những người bị lãng tai nặng.
- Thiết bị cảnh báo, ứng dụng dành cho di động: Hệ thống cảnh báo người bị lãng tai bằng chuông cửa, thiết bị phát hiện khói và đồng hồ báo thức để gửi cho người bệnh các tín hiệu hình ảnh hoặc rung động. Ví dụ, đèn nhấp nháy có thể cho người già bị lãng tai biết ai đó đang đứng ở cửa hoặc điện thoại đang đổ chuông. Một số người dựa vào cài đặt rung trên điện thoại di động để thông báo cho họ khi có cuộc gọi đến.
- Máy trợ thính không kê đơn (OTC): là một danh mục thiết bị trợ thính mới được quy định mà người lớn bị suy giảm thính lực từ mức độ nhẹ đến trung bình có thể mua mà không cần thông qua bác sĩ. Máy trợ thính OTC sẽ tạo ra một số âm thanh to hơn để giúp người khiếm thính có thể nghe, giao tiếp và thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động hàng ngày. Máy trợ thính OTC dự kiến sẽ có mặt tại các cửa hàng và trực tuyến chỉ trong vài năm tới.
>>> Bạn có thể quan tâm: 7 kinh nghiệm cần nhớ khi mua máy trợ thính cho người già
Có thể nói, suy giảm thính lực do lão hóa là vấn đề phổ biến ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người lớn tuổi. Đồng thời, suy giảm thính lực (lãng tai) liên quan đến tuổi tác là một tình trạng tiến triển, nghĩa là bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Nếu người già trong gia đình bạn bị mất thính lực, thì điều này sẽ là vĩnh viễn. Để cải thiện lãng tai ở người cao tuổi, sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy trợ thính có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các cụ.
[embed-health-tool-bmi]