backup og meta

Viêm phổi kẽ: Bệnh viêm phổi không hồi phục dẫn đến xơ hóa phổi

Viêm phổi kẽ: Bệnh viêm phổi không hồi phục dẫn đến xơ hóa phổi

Viêm phổi kẽ là một nhóm bệnh lý không giống như các loại viêm phổi thông thường khác bởi chúng thường không thể hồi phục và trầm trọng hơn theo thời gian.

Vậy, bệnh có triệu chứng gì, do nguyên nhân nào gây ra, có chữa được không? Người bệnh viêm phổi kẽ sống được mấy năm? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau.

Tìm hiểu chung

Viêm phổi kẽ là gì?

Viêm phổi kẽ (VPK – interstitial pneumonia) là một nhóm bệnh lý thuộc bệnh phổi kẽ (hay còn gọi là bệnh phổi nhu mô lan tỏa), là tình trạng viêm ở khoảng kẽ (khoảng trống giữa các phế nang và các mạch máu xung quanh chúng).

Theo Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ/Hiệp hội Hô hấp Châu Âu công bố trên Tạp chí Y học Chăm sóc Hô hấp và Chăm sóc Tích cực Hoa Kỳ (American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine) vào năm 2013, phân loại viêm phổi kẽ bao gồm 8 bệnh lý sau đây:

  • VPK thông thường hay xơ phổi vô căn (phổ biến 50 đến 60%)
  • VPK không đặc hiệu (phổ biến 14 đến 36%)
  • Viêm phổi tổ chức hóa không rõ nguồn gốc
  • VPK bong vảy (10 đến 17%)
  • Bệnh phổi kẽ – viêm tiểu phế quản hô hấp (10 đến 17%)
  • VPK cấp tính (dưới 2%)
  • VPK bạch huyết
  • U nguyên bào sợi mô màng phổi tự phát (hiếm gặp).
Không giống như các loại viêm phổi khác, viêm phổi kẽ có thể kéo dài và đôi khi gây sẹo phổi vĩnh viễn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi kẽ

triệu chứng viêm phổi kẽ

Triệu chứng viêm phổi kẽ có thể tiến triển cấp tính (đột ngột) hoặc mạn tính (nặng hơn theo thời gian dài).

Một số trường hợp viêm phổi kẽ cấp tính có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như khó thở, ho và sốt, sau đó tiến triển nhanh chóng đến suy hô hấp cấp tính. Một vài trường hợp cấp tính có thể bị thiếu oxy trầm trọng, thở nhanh và cần phải thở máy.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm phổi kẽ đều diễn tiến âm thầm và trở nên nặng hơn theo thời gian, gây khó khăn trong việc xác định chính xác thời điểm khởi phát và điều trị. Các triệu chứng viêm phổi kẽ và viêm phổi thông thường có nhiều đặc điểm giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn và bỏ sót.

  • Thông thường nhất, viêm phổi kẽ không đặc hiệu biểu hiện bằng tình trạng khó thở khởi phát âm thầm. Khó thở có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian.
  • Ho, thường là ho khan nhưng đôi khi có thể có đờm, ho ra máu.
  • Các triệu chứng hiếm gặp khác bao gồm thở rít, đau ngực.
  • Các triệu chứng ngoài phổi có thể là tím tái da và niêm mạc, đau cơ, xương, mệt mỏi, sốt, đau khớp, phù, da nhạy cảm với ánh sáng, khô mắt, khô miệng. Chúng là biểu hiện quan trọng giúp chẩn đoán chính xác loại bệnh viêm phổi kẽ.
  • Một số ít trường hợp còn có biểu hiện ngón tay dùi trống.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây xơ phổi vô căn

nguyên nhân gây viêm phổi kẽ

Nguyên nhân gây xơ phổi vô căn chưa được xác định rõ ràng. Các yếu tố sau được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Bệnh lý rối loạn mô liên kết: xơ cứng hệ thống, viêm đa cơ/viêm bì cơ, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ và hội chứng Sjogren.
  • Nhiễm virus
  • Tiền sử gia đình
  • Hút thuốc lá
  • Phản ứng với một số loại thuốc, như thuốc kháng sinh, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc kháng viêm, thuốc chống co giật, thuốc ung thư, thuốc an thần.
  • Tiếp xúc với hóa chất: hơi thủy ngân, bụi hoặc khói từ các hợp chất và sản phẩm chứa berili, cadimi, nuốt phải dầu hỏa, thuốc diệt cỏ paraquat,…
  • Tác nhân vật lý: bức xạ ion từ tia X.
  • Bệnh phổi môi trường và nghề nghiệp: bụi vô cơ (amiang, kim loại nặng, bụi than) và bụi hữu cơ (viêm phổi tăng cảm).
  • Trào ngược axit và một số bệnh tự phát khác.

Nguyên nhân gây VPK không đặc hiệu

Chưa có kết luận chắc chắn về nguyên nhân gây ra bệnh VPK không đặc hiệu.

VPK không đặc hiệu được chẩn đoán phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 50. Các tình trạng và bệnh khác liên quan bao gồm:

  • Rối loạn mô liên kết như viêm khớp dạng thấp, lupus và xơ cứng bì.
  • Do thuốc như amiodarone, methotrexate, nitrofurantoin, tác nhân hóa trị liệu và liệu pháp statin có liên quan đến kiểu NSIP.
  • Nhiễm HIV, nguyên nhân này hiện nay ít phổ biến hơn sau khi sử dụng rộng rãi liệu pháp kháng vi-rút.
  • Viêm phổi kẽ có đặc điểm tự miễn dịch: những bệnh nhân này có VPK không đặc hiệu trên sinh thiết phổi và các đặc điểm của bệnh tự miễn không khớp với bệnh mô liên kết cụ thể.
  • Viêm phổi quá mẫn: Ở một số bệnh nhân, sinh thiết phổi không thấy u hạt, qua mô bệnh học thấy tế bào khổng lồ đa nhân có hình dạng NSIP.
  • Các bệnh khác: Chẳng hạn như bệnh hệ thống liên quan đến IgG4, viêm phổi kẽ gia đình và bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm phổi kẽ?

Trên lâm sàng, VPK cấp tính có biểu hiện và đặc điểm tương tự như hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) do đó nó được chẩn đoán khi không tìm thấy nguyên nhân gây ra ARDS.

Bệnh nhân VPK cấp tính có nguy cơ bị suy hô hấp nhanh. Khi nhập viện, bệnh nhân thường được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và làm khí máu động mạch. Khí máu động mạch có thể xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu oxy máu và nhu cầu thở máy.

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm chức năng phổi, chụp X-quang ngực, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm bệnh tự miễn, xét nghiệm vi sinh, xét nghiệm máu, nội soi phế quản, sinh thiết phổi để tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chính xác nhất.

Viêm phổi kẽ chữa được không?

Nguyên tắc điều trị là loại bỏ thuốc, hóa chất hoặc điều trị bệnh lý là nguyên nhân gây bệnh như: lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, viêm bì cơ – viêm đa cơ. Đồng thời, thở oxy khi bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp.

Cách điều trị với mỗi loại VPK sẽ có sự khác biệt:

  • Viêm phổi kẽ không đặc hiệu: Điều trị bằng corticoid, có thể dùng một số thuốc ức chế miễn dịch khác như azathioprine hoặc cyclophosphamid.
  • Xơ phổi tự phát: Không dùng corticoid và thuốc ức chế miễn dịch do không có bằng chứng cho thấy các thuốc này có hiệu quả. Khi có đợt bội nhiễm điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, thở oxy, có thể cân nhắc thở máy (khi cần) để duy trì SpO2 > 90%. Tiêm vaccin phòng cúm hàng năm và vaccin phòng phế cầu mỗi 4 năm.
  • Viêm phổi kẽ tăng bạch cầu ái toan: Điều trị bằng corticoid.
  • Viêm phổi tăng cảm: Tránh tiếp xúc yếu tố căn nguyên gây bệnh và điều trị bằng corticoid.
  • Viêm phổi kẽ/Viêm khớp dạng thấp: Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm phổi kẽ ở bệnh nhân xơ cứng bì toàn thể: Kết hợp thuốc ức chế miễn dịch cyclophosphamid và liều thấp corticoid.
  • Viêm phổi kẽ sau xạ trị: Dừng xạ trị.
    • Khi chưa có xơ phổi: Dùng corticoid.
    • Khi đã có xơ phổi: Thở oxy, điều trị các đợt bội nhiễm nếu có.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Bệnh nhân cũng có thể tập các bài tập phục hồi chức năng phổi nếu cần.

Nếu tình trạng người bệnh xấu đi mặc dù đã điều trị, ghép phổi nên được xem xét cho những đối tượng thích hợp sau khi điều trị thất bại với liệu pháp thông thường.

điều trị viêm phổi kẽ

Tiên lượng

Viêm phổi kẽ sống được mấy năm?

Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi kẽ và tiên lượng tùy thuộc vào loại bệnh mắc phải, phổi của bạn có bị tổn thương hay không và nếu có thì mức độ tổn thương nặng đến mức nào.

Tiên lượng của viêm phổi kẽ thông thường rất kém. Tỷ lệ tử vong lớn hơn 50% trong lần xuất hiện đầu tiên hoặc trong vòng 6 tháng sau khi khởi phát.

Tiên lượng cho những người mắc VPK không đặc hiệu chưa xơ hóa tốt, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 100%. Bệnh nhân cần dùng thuốc và theo dõi trong vài tháng để vết thương lành lại. VPK không đặc hiệu xơ hóa gây ra tổn thương không thể phục hồi cho phổi và có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Hầu hết trường hợp phổi bị xơ hóa sống được từ 6 đến 14 năm kể từ khi được chẩn đoán.

Viêm phổi kẽ nghiêm trọng bởi nó gây ra các tổn thương không phục hồi ở phổi. Hiện chưa có cách phòng ngừa và điều trị đặc hiệu căn bệnh này. Nếu thấy bản thân hoặc người xung quanh có các dấu hiệu bệnh, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. New definitions and diagnoses in interstitial pneumonia.
https://www.mayoclinic.org/medical-professionals/pulmonary-medicine/news/new-definitions-and-diagnoses-in-interstitial-pneumonia/mac-20438882. Ngày truy cập 29/01/2024

2. Definition and Classification of Interstitial Pneumonias in Human Pathology.
https://karger.com/books/book/1046/chapter-abstract/5621965/Definition-and-Classification-of-Interstitial?redirectedFrom=PDF. Ngày truy cập 29/01/2024

3. Usual interstitial pneumonia.
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17195140/. Ngày truy cập 29/01/2024

4. Acute Interstitial Pneumonia.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554429/. Ngày truy cập 29/01/2024

5. Nonspecific Interstitial Pneumonia (NSIP).
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14804-nonspecific-interstitial-pneumonia-nsip. Ngày truy cập 29/01/2024

6. An Official American Thoracic Society/European Respiratory Society Statement: Update of the International Multidisciplinary Classification of the Idiopathic Interstitial Pneumonias. https://www.atsjournals.org/doi/full/10.1164/rccm.201308-1483ST. Ngày truy cập 30/01/2024

7. Nonspecific Interstitial Pneumonia. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK518974/. Ngày truy cập 30/01/2024

8. Chronic interstitial pneumonitis. https://radiopaedia.org/articles/chronic-interstitial-pneumonitis. Ngày truy cập 30/01/2024

9. Interstitial Pneumonia. https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/interstitial-pneumonia. Ngày truy cập 30/01/2024

Phiên bản hiện tại

20/02/2024

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Viêm phổi do hóa chất

Trẻ bị viêm phổi nặng do vi khuẩn Mycoplasma: Những thông tin cần biết!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 20/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo