backup og meta

5 nguyên nhân viêm phổi mà bạn cần nhận biết

5 nguyên nhân viêm phổi mà bạn cần nhận biết

Để điều trị viêm phổi hiệu quả, điều đầu tiên là bạn cần nhận biết được nguyên nhân viêm phổi. Phát hiện được căn nguyên, bệnh sẽ sớm được đẩy lùi!

Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng trong phổi làm viêm túi khí, đôi khi có thể chứa nhiều dịch lỏng hoặc mủ. Nguyên nhân viêm phổi thường do các sinh vật khác nhau gây ra như vi khuẩn, virus, nấm hay do hít phải vật lạ.

Viêm phổi ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Các triệu chứng viêm phổi từ nhẹ đến nặng thường bao gồm ho, sốt, ớn lạnh và khó thở.

Dưới đây là 5 nguyên nhân viêm phổi bạn cần chú ý để xử lý kịp thời.

1. Vi khuẩn

hình ảnh lá phổi bị nhiễm vi khuẩn

Nguyên nhân viêm phổi phổ biến thường do vi khuẩn. Viêm phổi do vi khuẩn là loại viêm phổi phổ biến nhất và thường chỉ ảnh hưởng đến một khu vực trong phổi. Đôi khi tình trạng này xảy ra sau khi bạn bị một số loại nhiễm trùng khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch như cảm lạnh hoặc cúm, hoặc cũng có thể tự xảy ra mà không bị nhiễm trùng trước đó.

Vi khuẩn điển hình

Một số loại vi khuẩn phổ biến có thể gây viêm phổi bao gồm:

Streptococcus pneumoniae: Đây là loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra chứng bệnh viêm phổi cộng đồng.

Haemophilus influenzae: Những vi khuẩn này thường gây viêm phổi ở người lớn tuổi và những người mắc bệnh phổi như xơ nang và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Mycobacterium tuberculosis: Đây là một nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi ở các nước đang phát triển.

Anaerobes: Những vi khuẩn này có liên quan đến tình trạng viêm phổi hít phải các thành phần từ hầu họng hoặc từ dạ dày vào thanh quản và đường hô hấp dưới như thức ăn, đồ uống, nước bọt…

Trực khuẩn gram âm: Nhóm vi khuẩn này là loại phổ biến thứ hai liên quan đến viêm phổi với mức độ đủ nặng để điều trị tại bệnh viện. Tình trạng này thường phổ biến ở người mắc bệnh mãn tính như COPD, tiểu đường, rối loạn sử dụng rượu hoặc bị tổn thương hệ thống miễn dịch. Các trực khuẩn gram âm có thể bao gồm Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter, Escherichia coli, Enterobacter, Serratia và Proteus.

Vi khuẩn không điển hình

Viêm phổi do vi khuẩn không điển hình thường có triệu chứng nhẹ hơn hẳn bệnh viêm phổi điển hình, thậm chí có người bệnh không nhận biết được mình đang bị viêm phổi.

Mycoplasma pneumoniae: Vi khuẩn này có xu hướng ảnh hưởng đến người dưới 40 tuổi và phản ứng với kháng sinh. Mycoplasma pneumoniae rất dễ lây lan, vì thế sống hoặc làm việc ở những nơi đông người như ký túc xá, trường học hoặc nhà tù làm tăng nguy cơ mắc loại viêm phổi này.

Chlamydia pneumoniae: Vi khuẩn này thường gây nhiễm trùng với các triệu chứng nhẹ và chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn từ 65 đến 79 tuổi.

Legionella pneumophila: Loại vi khuẩn này gây ra bệnh Legionnaire, đây là một dạng nặng của bệnh viêm phổi.

Viêm phổi do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bạn nên tránh tự ý mua thuốc mà hãy đến thăm khám bác sĩ để được chỉ định điều trị hiệu quả, tránh đề kháng thuốc.

2. Nguyên nhân viêm phổi do virus

nguyên nhân gây viêm phổi

Virus là nguyên nhân gây viêm phổi phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mặc dù có nguy cơ phát triển bệnh cao, nhưng viêm phổi do virus thường không nghiêm trọng như viêm phổi do vi khuẩn.

Hầu hết những người bệnh viêm phổi do virus phục hồi trong vòng 1 đến 3 tuần mà không cần điều trị, trong một số trường hợp, chứng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và cần phải nhập viện.

Một số loại virus có thể nguyên nhân dẫn đến viêm phổi bao gồm:

• Virus cúm: Virus cúm A, B và cúm gia cầm có thể gây viêm phổi, đặc biệt là ở người lớn.

• Virus hợp bào hô hấp (RSV): Nhiễm virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi do virus ở trẻ dưới 1 tuổi. Đây là virus có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng ở người lớn trên 65 tuổi và người bị tổn thương hệ thống miễn dịch.

• Virus parainfluenza ở người: Virus này gây nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm viêm phổi ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người già và người bị tổn thương hệ thống miễn dịch.

• Adenovirus: Loại virus này có thể gây cảm lạnh, đau họng, viêm phế quản, viêm phổi.

• Rhinovirus: Đây là loại virus gây cảm lạnh thông thường, có thể dẫn đến viêm phổi.

• Metapneumovirus ở người (HMPV): Đây là một loại virus đường hô hấp có thể gây viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

• Coronavirus 2019 (COVID-19): Đây là một loại virus tấn công đường hô hấp có thể gây viêm phổi, đặc biệt là bệnh có thể trở nên nguy hiểm.

3. Nguyên nhân gây viêm phổi: Nấm

nguyên nhân viêm phổi

Nấm cũng là một trong những nguyên nhân viêm phổi phổ biến. Viêm phổi do nấm xảy ra khi bào tử xâm nhập vào phổi và tự nhân lên phát triển. Tình trạng này khá hiếm và thường xảy ra ở người bị tổn thương hệ thống miễn dịch hoặc gặp các vấn đề sức khỏe mãn tính. Tuy nhiên, viêm phổi do nấm cũng có thể xuất hiện ở người lớn khỏe mạnh.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do nấm bao gồm:

  • Gene di truyền
  • Điều trị corticosteroid kéo dài
  • Nhiễm trùng sau khi cắt bỏ lá lách
  • Ức chế miễn dịch để cấy ghép nội tạng
  • Bệnh bạch cầu cấp tính hoặc u lympho
  • Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải
  • Hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh
  • Ghép tế bào gốc ở tủy xương hoặc tế bào máu ngoại vi

4. Bệnh lý mắc kèm

bác sĩ và bệnh nhân

Nguyên nhân viêm phổi thường do liên quan đến các vấn đề về bệnh lý sức khỏe đi kèm bao gồm:

• Điều trị tại bệnh viện: Khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu, nguy cơ mắc bệnh viêm phổi sẽ cao hơn nếu bạn nhập viện. Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn nếu bạn đang phải thở máy.

• Mắc bệnh mạn tính: Nếu bạn bị COPD, hen suyễn, bệnh tim, giãn phế quản, xơ nang, tiểu đường, bệnh celiac hoặc bệnh hồng cầu hình liềm, nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn.

• Ức chế hệ thống miễn dịch: Nếu bạn bị nhiễm HIV hoặc AIDS, đã được ghép tạng hoặc ghép tủy xương, đang dùng hóa trị liệu, steroid lâu dài, hoặc bị rối loạn tự miễn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi.

• Khó nuốt: Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt do tình trạng bệnh lý như Parkinson, đột quỵ sẽ dễ mắc phải viêm phổi do hít phải.

• Suy giảm nhận thức: Tình trạng bệnh lý về thần kinh với các triệu chứng như co giật toàn thân, hôn mê… có thể góp phần gây ra viêm phổi hít phải.

5. Lối sống

hút thuốc lá gây viêm phổi

Nguyên nhân viêm phổi thường do các thói quen sống không lành mạnh, bao gồm:

• Hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn vì thuốc lá gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, khiến vi sinh vật gây hại dễ xâm nhập vào cơ thể.

• Sử dụng ma túy hoặc rượu quá mức: Đây là những yếu tố vừa làm suy giảm hệ thống miễn dịch, vừa gây tổn hại đến tinh thần và thể chất người bệnh.

• Suy dinh dưỡng: Thiếu dinh dưỡng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Ước tính cho thấy suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây tử vong ở 45% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

• Sức khỏe răng miệng kém: Vệ sinh răng miệng kém có thể góp phần gây viêm phổi, đặc biệt khi bạn có răng giả.

• Môi trường sống: Khi sống trong môi trường nhiều không khí độc hại, ô nhiễm khói bụi, những chất độc này sẽ dễ dàng thâm nhập vào phổi và gây bệnh.

Bạn cần xác định được nguyên nhân bệnh viêm phổi để điều trị và phòng ngừa bệnh. Đồng thời, bạn nên phối hợp lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý và có thể cân nhắc tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh về phổi.

Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh viêm phổi khi biết cách ngăn ngừa những nguyên nhân viêm phổi. Đây là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, bạn hãy phát hiện sớm để kịp thời xử lý nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pneumonia. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pneumonia/symptoms-causes/syc-20354204. Ngày truy cập 13/09/2019

Overview-Pneumonia. https://www.nhs.uk/conditions/pneumonia/. Ngày truy cập: 18/03/2022

Pneumonia. https://medlineplus.gov/pneumonia.html. Ngày truy cập: 18/03/2022

Pneumonia. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pneumonia. Ngày truy cập: 18/03/2022

Pneumonia. https://kidshealth.org/en/parents/pneumonia.html. Ngày truy cập: 18/03/2022

Pneumonia. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4471-pneumonia. Ngày truy cập: 18/03/2022

Causes of Pneumonia. https://www.cdc.gov/pneumonia/causes.html. Ngày truy cập: 18/03/2022

Phiên bản hiện tại

18/03/2022

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Ô nhiễm không khí: “Kẻ thù giấu mặt” của viêm mũi dị ứng • Hello Bacsi

Triệu chứng viêm phổi: Làm thế nào để nhận biết sớm?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 18/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo