Tùy theo mãn tính hay cấp tính mà viêm phế quản dạng hen sẽ có mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể tìm hiểu qua bài viết sau đây của Hello Bacsi để biết về phác đồ điều trị viêm phế quản dạng hen một cách hiệu quả.
Viêm phế quản dạng hen (hay viêm phế quản thể hen, viêm phế quản co thắt) là tình trạng các cơ phế quản bị viêm và co thắt gây thu hẹp lòng phế quản tạm thời. Các tuyến phế quản bị viêm cũng tăng tiết nhầy gây cản trở đường không khí lưu thông trong phổi dẫn đến các triệu chứng thở khò khè, khó thở, có đờm…
Biểu hiện bệnh khá giống với hen suyễn nhưng chưa đủ cơ sở để chẩn đoán là hen.
Bệnh có thể do rất nhiều tác nhân kích thích gây ra như căng thẳng, không khí lạnh, ô nhiễm, tập thể dục và dị ứng….
Mạn tính và cấp tính
Suyễn là bệnh mạn tính gây viêm phế quản ở mức độ thấp. Bệnh nhân bị viêm phế quản dạng hen mạn tính thường có tình trạng thở gấp nhẹ. Họ cũng có thể bị ho dai dẳng do viêm phế quản làm tăng tiết dịch nhầy.
Tuy nhiên, viêm phế quản mạn tính có thể tiến triển thành hen suyễn cấp tính nếu hệ thống miễn dịch tiếp xúc với các chất xúc tác (những chất gây phản ứng miễn dịch mạnh). Viêm phế quản dạng hen cấp tính có thể gây ho và khó thở ở mức độ nặng.
Thông thường, bệnh suyễn sẽ bắt đầu xảy ra ở trẻ vì hệ miễn dịch của chúng nhạy cảm hơn.
Mục tiêu điều trị viêm phế quản dạng hen
Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Có nhiều mục tiêu điều trị viêm phế quản dạng hen khác nhau nhưng chúng vẫn có những sự liên kết nhất định. Khi bệnh nhân lên cơn hen cấp tính, mục tiêu điều trị là làm giảm các triệu chứng của nó. Mặt khác, việc điều trị cũng nhằm ngăn ngừa các cơn hen tiếp tục xảy ra, góp phần cải thiện chức năng phổi và không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của bệnh nhân.
Hiện chưa có phương pháp diều trị dứt điểm bệnh hen nhưng nhiều bệnh nhân thấy rằng khi họ già đi thì tình trạng bệnh cũng trở nên khả quan hơn.
Điều trị viêm phế quản dạng hen cấp tính
Trong trường hợp lên cơn hen suyễn cấp tính, bệnh nhân nên sử dụng thuốc “cứu hộ” như thuốc hít làm giãn phế quản, có tác dụng nhanh trong vòng vài phút.
Những loại thuốc này giúp làm giảm sự sưng tấy do viêm phế quản gây ra bằng cách bắt chước các tín hiệu thần kinh để ra lệnh cho các cơ xung quanh đường hô hấp thả lỏng.
Các loại thuốc SABA tác dụng ngắn thường được sử dụng bao gồm albuterol, pirbuterol và levabuterol. Ipratropium (một loại thuốc làm giãn phế quản dạng hít khác) và corticosteroid cũng thường được dùng trong tình trạnh khẩn cấp.
Điều trị viêm phế quản dạng hen mạn tính
Để kiểm soát bệnh hen dài hạn, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc hít corticosteroid và thuốc làm giãn phế quản có tác dụng lâu dài, bao gồm formeterol và salmeterol. Chúng có thể được sử dụng kết hợp với corticosteroid dạng hít (như fluticasone hoặc belomethasone) để giữ cho đường hô hấp mở rộng, giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát cấp tính và giảm các triệu chứng hen suyễn kéo dài (như ho và thở ngắn).
Bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc uống cromolyn để kiểm soát các triệu chứng hen mạn tính. Các phương pháp điều trị viêm phế quản dạng hen mạn tính khác bao gồm sử dụng thuốc ức chế leukotriene có tác dụng giảm viêm như montelukast và zileuton.
Điều trị viêm phế quản dạng hen do dị ứng
Trong một số trường hợp, viêm phế quản dạng hen có thể do dị ứng gây ra. Lúc này, muốn điều trị thì phương pháp hiệu quả nhất chính là chống dị ứng. Bệnh nhân có thể dùng thuốc omalizumab có khả năng làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với dị ứng. Các phương pháp điều trị khác bao gồm sử dụng thuốc kháng histamine và thuốc tiêm chữa dị ứng, giúp làm giảm độ mẫn cảm hệ miễn dịch của bệnh nhân đối với các chất gây dị ứng khác.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết thêm một số cách điều trị viêm phế quản dạng hen hiệu quả. Điều quan trọng là bạn nên nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh, thăm khám kịp thời để được chỉ định điều trị phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một vài biện pháp điều trị tại nhà để cảm thấy thoải mái hơn.
[embed-health-tool-bmi]