Người mắc hen suyễn và 8 câu hỏi thường gặp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Mạnh Thắng · Ngày cập nhật: 22/04/2022

    Người mắc hen suyễn và 8 câu hỏi thường gặp
    Quảng cáo

    Hen suyễn có nên tập thể dục? Hen suyễn có di truyền không?… là những câu hỏi mà đa số bệnh nhân mắc hen suyễn luôn thắc mắc.

    1. Ho, thở dốc vào ban đêm có phải là dấu hiệu mắc hen suyễn?

    Hen phế quản là một bệnh viêm mãn tính của đường hô hấp với bốn triệu chứng đặc trưng bao gồm: ho, khó thở, thở khò khè, nặng ngực. Những triệu chứng này thường nặng hơn vào ban đêm và sáng sớm cùng với sự tắc nghẽn đường thở.

    Nếu bạn bị ho, khó thở vào ban đêm thì rất có thể bạn đã mắc hen suyễn, nhưng bạn cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.

    2. Khi nào thì đưa người mắc hen suyễn đi bệnh viện?

    người mắc hen suyễn

    Khi người bệnh có một trong những triệu chứng sau:

    • Nhịp thở trên 25 lần mỗi phút
    • Mạch trên 115 lần mỗi phút
    • Xanh tím, vã mồ hôi
    • Phổi “im lặng”
    • Hít thở không hiệu quả
    • Khó thở nặng.

    Đây đều là những triệu chứng cần phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc.

    3. Những người bị hen suyễn có nên tập thể dục?

    Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, kể cả những người mắc hen suyễn. Những người bị hen suyễn có thể tập thể dục nhưng không quá sức và ngừng tập thể dục ngay khi bạn khó thở.

    Các môn thể thao phù hợp với người bị hen suyễn bao gồm đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, khí công… Không chạy bộ hoặc tập võ thuật. Không tập luyện trong thời tiết lạnh, khô. Trước khi tập luyện, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn các bài tập thích hợp.

    Để tránh hen suyễn trong khi tập thể dục, bạn nên chọn loại hình thể thao phù hợp với mình, uống đủ nước để tránh mất nước, khởi động ít nhất 5 phút trước khi tập thể dục.

    4. Hen suyễn có di truyền không?

    Hen suyễn có thể di truyền. Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh, đứa trẻ sinh ra có nguy cơ mắc hen suyễn là 30−50%. Nếu cả cha mẹ bị hen suyễn, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em là 50−70%. Nếu không có ai bị hen suyễn, khả năng này ở trẻ là 10−15%.

    5. Tại sao lại khó chẩn đoán hen suyễn ở trẻ nhỏ?

    Khó phân biệt hen phế quản do virus hay vi khuẩn ở trẻ em. Nhiễm virus, hen phế quản do vi trùng cũng là một bệnh viêm đường hô hấp, sự khác biệt duy nhất của hen suyễn là bệnh mãn tính.

    6. Người mắc hen suyễn có thể sống khỏe mạnh không?

    Bạn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh khi mắc hen suyễn bằng việc áp dụng các biện pháp giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh và thậm chí là chiến thắng căn bệnh bằng các liệu pháp điều trị thích hợp và tránh các yếu tố kích hoạt.

    7. Tôi có thể sử dụng thuốc để điều trị bệnh hen suyễn trong thời kỳ mang thai không?

    Kiểm soát hen trong thời kỳ mang thai rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của bào thai. Thuốc hen suyễn ít ảnh hưởng đến bào thai và vẫn có thể được sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị trước khi dùng thuốc và để được hướng dẫn thêm.

    mắc hen suyễn và các thắc mắc thường gặp

    8. Làm thế nào để bạn đối phó với một cơn hen suyễn cấp?

    Nếu bạn có các triệu chứng hen suyễn, dừng tập thể dục ngay lập tức, nghỉ ngơi và dùng thuốc hen suyễn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

    Khi lên cơn hen suyễn nghiêm trọng, hãy bình tĩnh và cố gắng thư giãn bởi càng hoảng sợ, nhịp thở sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Hãy nhờ sự trợ giúp từ những người xung quanh khi bạn lên cơn hen và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp khẩn cấp. Nếu thuốc không có tác dụng trong vòng 5-10 phút, hãy gọi cho bác sĩ hoặc gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục dùng thuốc hen suyễn trong thời gian chờ cấp cứu.

    Không bao giờ điều chỉnh thuốc chữa bệnh hen suyễn hoặc thay đổi lượng thuốc bạn dùng trừ khi bác sĩ chỉ định.

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp người mắc hen suyễn giải đáp được những thắc mắc thường gặp để hiểu và sống khỏe mạnh hơn với bệnh nhé!

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Mạnh Thắng · Ngày cập nhật: 22/04/2022

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo