backup og meta

Phổi có chức năng gì? Cải thiện chức năng của phổi qua bài tập thở đơn giản

Phổi có chức năng gì? Cải thiện chức năng của phổi qua bài tập thở đơn giản

Phổi là cơ quan quan trọng thuộc hệ hô hấp. Dung tích, chức năng của phổi sẽ dần suy yếu khi chúng ta già đi. Vì vậy, bạn nên biết phổi có chức năng gì và tìm cách duy trì, cải thiện nó. Đây sẽ là một trong những bước nền tảng để có sức khỏe tốt sau này.

Cùng tìm hiểu phổi có chức năng như thế nào và các bài tập đơn giản để cải thiện chức năng của phổi ngay!

Chức năng của phổi là gì?

Chức năng của phổi là trao đổi khí. Hoạt động của mọi cơ quan trong cơ thể đều cần sử dụng oxy, sau đó thải ra khí carbonic. Phổi cung cấp oxy cho cơ thể và loại bỏ khí carbonic và các khí khác ra ngoài. Quá trình này diễn ra từ 12-20 lần mỗi phút.

Khi bạn hít vào, không khí sẽ đi vào hầu họng qua thanh quản và vào khí quản.

Khí quản được chia tiếp thành hai đường dẫn khí gọi là ống phế quản. Mỗi ống phế quản dẫn đến một bên phổi. Tại đây, chúng được phân nhánh tiếp thành các đường nhỏ hơn gọi là phế quản, rồi đến tiểu phế quản, cuối cùng kết thúc ở các túi phế nang.

Phổi có khoảng 300 triệu phế nang. Tại đây, oxy trong không khí được đưa vào máu. Cũng tại đây, carbonic và các khí khác từ máu được đưa ra phế nang, theo các đường dẫn khí lên mũi hoặc miệng để thở ra ngoài.

Các cơ tham gia vào quá trình hít thở gồm có cơ hoành và các cơ liên sườn.

Nếu phổi bị tắc nghẽn hoặc hạn chế, lượng oxy nhận vào và lượng khí thải ra sẽ giảm đi, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ các cơ quan khác. Vì vậy, khi cải thiện chức năng của phổi, bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Những người mắc bệnh phổi mạn tính như hen suyễnCOPD lại càng cần tập luyện để phổi hoạt động hiệu quả hơn.

Các bài tập cải thiện chức năng phổi

Bạn sẽ cần thời gian để thành thạo các bài tập thở dưới đây. Hãy cố gắng dành 5-10 phút mỗi ngày để tiến hành tập luyện.

Thở cơ hoành để tăng cường chức năng của phổi

bài tập thở cơ hoành cải thiện chức năng của phổi

Bài tập thở cơ hoành còn được gọi là tập thở bụng. Bạn có thể thở cơ hoành khi đang nghỉ ngơi để phát huy hiệu quả cải thiện chức năng của phổi tốt nhất.

Kỹ thuật thở cơ hoành đặc biệt hữu ích cho những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nếu bạn đang mắc phải căn bệnh này, hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu hô hấp để tìm ra cách phù hợp nhất khi áp dụng bài tập thở này cho bản thân mình.

Các bác sĩ thường hướng dẫn bệnh nhân thở cơ hoành theo những bước sau:

  1. Thả lỏng vai, ngồi hoặc nằm xuống một mặt phẳng
  2. Đặt một tay lên bụng và một tay lên ngực
  3. Hít vào bằng mũi trong hai giây, cảm nhận không khí đang di chuyển vào bụng. Lúc này, bụng của bạn phải giống như đang phình lên.
  4. Mím chặt môi, thở ra từ từ và bụng dần xẹp xuống.

Mỗi lần áp dụng bài tập thở cơ hoành, bạn có thể lặp lại các bước trên từ 3-5 phút.

Cải thiện chức năng của phổi bằng bài tập thở chu môi nhẹ

Hít thở bằng cách chu môi nhẹ có thể làm chậm nhịp thở của bạn. Điều này sẽ làm đường thở của bạn có thêm thời gian thư giãn để phổi hoạt động dễ dàng hơn. Từ đó, đường hô hấp cũng sẽ được cải thiện quá trình trao đổi oxy.

So với bài tập thở cơ hoành, cách thở chu môi khá dễ thực hiện. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng ngay cả khi không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế hoặc huấn luận viên thể chất.

Để thực hiện bài tập thở chu môi nhẹ giúp cải thiện chức năng của phổi, bạn hãy thực hiện theo những bước sau:

  1. Hít vào từ từ bằng mũi
  2. Chu nhẹ đôi môi như sắp thổi nến rồi thở ra thật chậm. Thời gian thở ra có thể gấp đôi thời gian hít vào.
  3. Lặp lại động tác này liên tục trong khoảng 3-5 phút.

Những cách khác giúp duy trì và cải thiện chức năng phổi

lau dọn nhà cửa là cách cải thiện chức năng của phổi

Với người bình thường, hai bài tập thở trên sẽ giúp phổi duy trì sự khỏe mạnh. Với những người mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, việc tập thở đúng cách sẽ giúp quá trình phục hồi chức năng phổi diễn ra nhanh hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế còn khuyên bạn nên thực hiện những phương pháp sau để cải thiện hoặc phục hồi chức năng phổi, bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc lá hoặc tránh hít phải khói thuốc
  • Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
  • Tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh liên quan đến hệ hô hấp như vắc xin cúm, vắc xin phế cầu, vắc xin phòng Covid 19
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày
  • Cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng máy lọc không khí
  • Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ
  • Tránh môi trường khói bụi, không khí ô nhiễm.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pursed lip breathing nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/copd Ngày truy cập: 14/1/2020

Breathing exercises for stress https://www.nhs.uk/mental-health/self-help/guides-tools-and-activities/breathing-exercises-for-stress/ Ngày truy cập: 15/6/2023

Breathing Exercises https://www.lung.org/lung-health-diseases/wellness/breathing-exercises Ngày truy cập: 15/6/2023

Physiology, Lung https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK545177/ Ngày truy cập: 15/6/2023

Lung function https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/lung-function Ngày truy cập: 15/6/2023

Lungs https://my.clevelandclinic.org/health/body/8960-lungs Ngày truy cập: 15/6/2023

Phiên bản hiện tại

20/06/2023

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị viêm phổi bệnh viện

Virus corona chủng mới (SARS - CoV-2): Những điều bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 20/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo