Lao hạch là một trong số những bệnh lao ngoài phổi xảy ra phổ biến, chỉ đứng sau lao màng phổi. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh và điều trị khỏi, nhiều người lo sợ và thắc mắc rằng lao hạch có tái phát không và làm gì để phòng ngừa bệnh tái phát?
Bệnh lao hạch thường xuất hiện ở trẻ em, thanh thiếu niên và có nguy cơ tái phát cao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể nhé!
Bệnh lao hạch là gì?
Trước khi đi giải đáp vấn đề lao hạch có tái phát không thì hãy cùng tìm hiểu bệnh lao hạch là gì? Lao hạch là một bệnh viêm mạn tính ở hệ thống hạch bạch huyết ngoại vi do vi khuẩn lao gây ra. Vị trí mà bệnh gây tổn thương trên cơ thể thường là hạch ở cổ, bẹn và nách. Khoảng 36 – 41% trường hợp lao hạch đi kèm với bệnh lao ở các cơ quan khác.
Lao hạch có tái phát không?
Lao hạch có tái phát không tùy thuộc vào việc chẩn đoán và điều trị kịp thời
Lao hạch có tái phát không sẽ tùy vào việc bệnh có được chẩn đoán và điều trị kịp thời hay không. So với các thể lao khác, bệnh lao hạch dễ điều trị hơn và hoàn toàn có thể được chữa khỏi, không tái phát, cũng như không để lại di chứng nguy hiểm nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Ngược lại, nếu phát hiện muộn và điều trị sai cách thì bệnh có thể dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hạch to ra và nhuyễn hóa, hạch rò mủ kéo dài, hạch dính với nhau thành đám, chèn ép thần kinh và lao lan tỏa sang các cơ quan khác.
Tùy thuộc vào việc có tuân thủ phác đồ điều trị hay không
Lao hạch có tái phát không còn tùy vào việc bệnh nhân có tuân thủ phác đồ điều trị lao hạch hay không. Bệnh nhân lao hạch thường được chỉ định điều trị nội khoa với các loại thuốc chống lao theo phác đồ điều trị lao mà bác sĩ chỉ định. Phác đồ điều trị thường kéo dài từ 4-7 tháng hoặc 8-12 tháng, thậm chí lâu hơn tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân.
Bệnh lao hạch sẽ rất dễ tái phát nếu bệnh nhân không tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa lao đưa ra. Nếu bệnh nhân không uống thuốc đủ liều, không duy trì dùng thuốc theo đúng thời gian, tự ý ngưng dùng thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm sẽ khiến bệnh chẳng những không khỏi mà nguy cơ tái phát cao, vi khuẩn trở nên kháng thuốc và sẽ khó điều trị hơn.
Làm gì để phòng ngừa lao hạch tái phát?
Sau khi đã hiểu rõ vấn đề lao hạch có tái phát không thì bạn nên biết cách để phòng ngừa bệnh tái phát. Để phòng ngừa tái phát, bệnh nhân nên tuyệt đối tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, đủ giờ, không tự ý bỏ liều giữa chừng dù đã cảm thấy tốt hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân nên tái khám thường xuyên để được theo dõi về khả năng đáp ứng với thuốc chống lao và các tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là trong những tuần đầu điều trị.
Sau đó, bệnh nhân sẽ chỉ cần tái khám hàng tháng để được kiểm tra tình trạng. Điều trị ngoại khoa, phẫu thuật nạo hạch và dẫn lưu mủ sẽ được chỉ định trong trường hợp hạch to vỡ, áp xe hóa mủ, hạch to chèn ép mạch máu và thần kinh, hạch to gây dính.
Bên cạnh đó, hãy thực hiện theo những mẹo sau đây:
- Bổ sung thêm các thuốc giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường thể trạng.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, sạch sẽ.
- Tập thể dục để tăng cường thể trạng và sức đề kháng.
Bệnh lao hạch có tái phát không cũng phụ thuộc rất lớn vào thể trạng và sức đề kháng của cơ thể. Hãy chủ động thay đổi và duy trì những thói quen lành mạnh để giữ gìn và nâng cao sức khỏe bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]