backup og meta

Cúm H3N8

Cúm H3N8

Mới đây nhất, trường hợp nhiễm virus cúm A H3N8 thứ ba ở người được phát hiện xảy ra ở một người trưởng thành tại Trung Quốc và đã gây tử vong. Dù chưa có nhiều thông tin về chủng cúm mới này, nhưng sẽ không bao giờ là thừa nếu bạn tìm hiểu nó ngay từ sớm và chủ động phòng ngừa.

Cùng tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu chung

Cúm H3N8 là bệnh gì?

Cúm H3N8 là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do một chủng virus cúm gia cầm mới gây ra. Virus này lần đầu tiên được phát hiện ở các loài chim hoang dã vào những năm 1960 và ở cả các loài động vật khác, bao gồm gà, vịt, ngựa và chó.

H3N8 cũng thuộc phân nhóm virus cúm A nhưng không liên quan đến virus cúm gia cầm H5N1 gây ra dịch bệnh cảm cúm ở người trên toàn cầu mà chúng ta đã từng biết đến.

Trong tất cả các virus nhóm A thì virus H7N9 đã gây ra số ca nhiễm bệnh ở người cao nhất, tiếp theo, đứng thứ 2 là virus H5N1. Mới đây nhất, trường hợp nhiễm virus H3N8 thứ ba được phát hiện xảy ra ở một người trưởng thành tại Trung Quốc và đã gây tử vong. Người này được cho là có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống và loài chim hoang dã. Trước đó, vào năm 2022, hai trường hợp trẻ em bị nhiễm virus H3N8 cũng đã được phát hiện.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng cúm H3N8

Nhiễm cúm H3N8 có thể có triệu chứng hoặc không. Tùy thuộc vào loại virus cụ thể và vật chủ nhiễm bệnh mà triệu chứng có thể từ viêm kết mạc, giống cúm nhẹ hoặc các bệnh hô hấp cấp tính nặng, thậm chí tử vong.

Trong giai đoạn đầu, triệu chứng cúm H3N8 có thể giống cảm cúm nhẹ, bao gồm: sổ mũi, hắt hơi và đau họng một cách đột ngột.

Bên cạnh đó, các triệu chứng cúm H3N8 có thể nghiêm trọng hơn chẳng hạn như:

  • Sốt trên 38.5 độ
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi
  • Đau đầu
  • Ho khan kéo dài
  • Đau cơ, nhức mỏi tay chân
  • Hắt hơi
  • Chảy nước mũi
  • Nghẹt mũi
  • Đau họng
  • Mệt mỏi và suy nhược
  • Nôn mửa và tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em.

Các triệu chứng tiêu hóa khác và thần kinh đã được ghi nhận, nhưng rất hiếm.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh cúm, hãy đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức. Chúng bao gồm:

  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Da, môi hoặc móng tay nhợt nhạt
  • Đau ngực
  • Chóng mặt liên tục
  • Mất nước
  • Co giật
  • Đau cơ nghiêm trọng
  • Các bệnh lý hiện có nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân

nguyên nhân cúm H3N8

Nguyên nhân gây cúm H3N8 là gì?

Nguyên nhân gây bệnh cúm H3N8 được cho là do tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với gia cầm bị nhiễm bệnh.

Dựa trên thông tin hiện có về H3N8, có vẻ như loại virus này không lây lan dễ dàng từ người sang người. Tuy nhiên, vì bản chất virus cúm biến đổi không ngừng nên vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm hoặc tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Tuổi tác. Cúm thường có xu hướng nghiêm trọng hơn ở trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.
  • Điều kiện sống hoặc làm việc. Những người sống hoặc làm việc ở ẩm ướt gần gia cầm, chẳng hạn như khu chợ có bày bán gia cầm sống, người chăn nuôi gia cầm,… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu. Điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép, sử dụng lâu dài steroid hoặc HIV/AIDS có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và dẫn đến biến chứng.
  • Có bệnh mạn tính. Các bệnh mạn tính có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cúm, bao gồm hen suyễn và các vấn đề về phổi khác, tiểu đường, bệnh tim, bệnh hệ thần kinh, rối loạn chuyển hóa, các vấn đề về đường thở và bệnh thận, gan hoặc máu. Trường hợp tử vong ở Trung Quốc gần đây, người bệnh cũng mắc bệnh hiểm nghèo.
  • Mang thai. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị biến chứng cúm hơn, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Nguy cơ này tiếp tục kéo dài cho đến hai tuần sau khi sinh xong.
  • Béo phì. Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên có nguy cơ cao bị biến chứng cúm.

Biến chứng

Bệnh cúm H3N8 có nguy hiểm không?

Mới chỉ ghi nhận 3 trường hợp bị cúm H3N8 trên người nhưng không thể lơ là mức độ nguy hiểm của bệnh.

Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng, người bệnh thứ 3 có bệnh lý mạn tính từ trước và đã tử vong.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán cúm H3N8?

chẩn đoán cúm H3N8

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe lâm sàng, xem xét các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm và có thể yêu cầu làm xét nghiệm để phát hiện virus cúm. Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều bệnh viện, nhạy hơn các xét nghiệm khác và có thể xác định được chủng virus cúm đang mắc phải.

Những phương pháp điều trị cúm H3N8

Cả 3 trường hợp đều được điều trị tại bệnh viện vì bệnh nặng. Các phương pháp điều trị cúm nói chung hiện nay đều là điều trị triệu chứng và tăng cường miễn dịch.

Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu khác thường được đề cập ở phần trên bài viết, bạn nên đi khám ngay.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa H3N8?

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, nguy cơ bùng phát dịch H3N8 do lây lan giữa người với người ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế được coi là thấp. Dù vậy, bạn vẫn có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các loài chim hoang dã hoặc gia cầm nuôi nhiễm bệnh. 

Vì vậy, bạn cũng nên thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa và giảm sự lây lan của virus, bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa sạch. Đồng thời, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
  • Che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy. Sau đó, bạn loại bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác kín có nắp đậy và rửa sạch tay.
  • Thường xuyên làm sạch các bề mặt thường chạm vào để tránh lây nhiễm virus như màn hình điện thoại, tay nắm cửa,…, vệ sinh nhà cửa.
  • Vệ sinh và khử khuẩn chuồng trại định kỳ nếu có chăn nuôi gia súc, gia cầm, xử lý phân động vật đúng cách.
  • Hạn chế đến những nơi nhiều gia cầm và ẩm ướt, chẳng hạn như chợ gia cầm, trang trại… Nếu tới những nơi này, bạn nên đeo khẩu trang và khi đi về, cần tắm giặt ngay.
  • Hạn chế tiếp xúc với nguồn cúm, nếu bị cúm, hãy ở nhà cho đến khi hết triệu chứng và tránh lại gần người khác để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới không khuyến nghị mọi người đi du lịch đến bất kỳ quốc gia nào có dịch virus cúm gia cầm. Nếu phải tới hoặc lỡ tới nơi đang có dịch cúm, mọi người nên:

  • Không đến thăm các trang trại gia cầm, chợ gia cầm hoặc những nơi khác có nuôi, giữ hoặc bán gia cầm sống nếu có thể.
  • Không ăn các sản phẩm gia cầm sống hoặc nấu chưa chín.
  • Rửa tay sau khi chạm vào gia cầm chưa nấu chín.
  • Thực hành vệ sinh tốt và thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
  • Hãy thăm khám ngay với bác sĩ nếu bạn bị ốm trong hoặc sau khi đi du lịch.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Influenza (flu). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/symptoms-causes/syc-20351719. Ngày truy cập: 12/04/2023

Influenza A. https://www.healthdirect.gov.au/influenza-a-flu. Ngày truy cập: 12/04/2023

Influenza Virus. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2928832/. Ngày truy cập: 12/04/2023

Influenza A Virus (H3N8). https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2600298/. Ngày truy cập: 12/04/2023

Human Infection with Avian Influenza A(H3N8) Virus. https://www.cdc.gov/flu/avianflu/spotlights/2022-2023/avian-influenza-h3n8-china.htm. Ngày truy cập: 12/04/2023

Avian Influenza A(H3N8). https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2023-DON456. Ngày truy cập: 12/04/2023

Influenza A Virus (H3N8). https://www.sciencedirect.com/topics/biochemistry-genetics-and-molecular-biology/influenza-a-virus-h3n8. Ngày truy cập: 12/04/2023

Phiên bản hiện tại

24/04/2023

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Ô nhiễm không khí: “Kẻ thù giấu mặt” của viêm mũi dị ứng • Hello Bacsi

Triệu chứng cúm B khác gì với cúm A?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 24/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo