backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Siêu âm là gì? Kỹ thuật siêu âm chẩn đoán được những bệnh gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 13/07/2021

    Siêu âm là gì? Kỹ thuật siêu âm chẩn đoán được những bệnh gì?

    Tìm hiểu chung

    Siêu âm là gì?

    Siêu âm, hay còn được gọi là siêu âm chẩn đoán, là một phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc trong cơ thể người bệnh. Thiết bị phát âm thanh sẽ phát ra sóng âm thanh, khi chạm vật thể muốn dò tìm sẽ dội lại, tạo ra hình ảnh. Các hình ảnh này có thể cung cấp thông tin có giá trị để chẩn đoán và điều trị rất nhiều tình trạng bệnh lý, sức khỏe.

    Hầu hết các xét nghiệm chẩn đoán này được thực hiện bằng cách sử dụng một thiết bị siêu âm tác động lên bên ngoài cơ thể người bệnh. Trong một số trường hợp khác, thiết bị có thể được đặt bên trong cơ thể.

    Ưu điểm của siêu âm

    Kỹ thuật siêu âm chẩn đoán có nhiều ưu điểm và được ứng dụng rộng rãi, phổ biến trong y học, cụ thể là:

    • Kỹ thuật giúp thăm khám được hầu hết các bệnh lý như: u, viêm, dị dạng… tại các vị trí như ổ bụng, tiểu khung, gan, mật, thận…
    • Đánh giá được sự phát triển của thai nhi, đặc biệt với siêu âm 3D, 4D, các bác sĩ có thể đánh giá được đa số các dị tật về hình thái của thai.
    • Đánh giá được chính xác mức độ tràn dịch của màng phổi, màng ngoài tim…
    • Đánh giá khá chính xác kích thước và vị trí của sỏi trong chẩn đoán sỏi thận, sỏi bàng quang, niệu đạo.

    Tùy theo chất lượng thiết bị và khả năng chẩn đoán của bác sĩ có thể giúp chẩn đoán nhanh chóng bệnh.

    Các hình thức hiển thị hình ảnh siêu âm

    • Kiểu A (Amplitude Mode): Đầu dò phát sóng gián đoạn, chùm sóng âm khi xuyên qua cơ thể gặp những bộ phận có kháng trở âm khác nhau sẽ cho ra những âm thanh phản xạ tác dụng lên đầu dò siêu âm, tạo những tín hiệu điện được khuếch đại, xử lý và hiện trên màn hình dạng những hình xung nhọn nhô lên khỏi đường đẳng điện. Kiểu A này thường ít sử dụng đơn lẻ mà kết hợp với kiểu B (B Mode).
    • Kiểu B (Brightness Mode): Là kiểu hiển thị dưới dạng thang xám theo thời gian thực. Mức thang xám tỷ lệ với cường độ tín hiệu. Khi hiển thị trên màn hình có nền đen, các tín hiệu cường độ mạnh hiện lên màu trắng, không có tín hiệu hiện lên màu đen, còn các tín hiệu với cường độ trung gian thể hiện qua các sắc xám.
    • Kiểu TM (Time Motion Mode): Dùng để hiển thị chuyển động của các vật thể theo thời gian bằng cách thể hiện hình kiểu B với các tốc độ quét khác nhau. Nếu mặt phẳng hồi âm đứng yên thì trên màn hình sẽ biểu hiện bằng đường thẳng, ngược lại sẽ có dạng đồ thị di chuyển. Dùng đánh giá sự chuyển động, đo kích thước, sự đàn hồi… Kiểu B, TM đều là siêu âm một chiều.
    • Kiểu 3D, 4D: Đây là kiểu siêu âm đa chiều trên nền tảng kiểu B, TM giúp tái tạo hình ảnh dạng đa chiều. Kiểu này thường được sử dụng trong sản khoa.
    • Doppler: có 4 dạng siêu âm Doppler là xung, màu, liên tục, năng lượng. Ứng dụng trong siêu âm tim, khảo sát khối u, mạch máu, nơi tổn thương hoặc siêu âm thai.

    Các dạng đầu dò siêu âm

    Có 3 loại đầu dò siêu âm cơ bản như sau:

    • Đầu dò thẳng: Tần số cao, độ phân giải cao, thích hợp cho đánh giá các vùng nông như da, tuyến giáp, tuyến vú, mạch máu.
    • Đầu dò cong (convex): Tần số thấp hơn, độ phân giải thấp hơn, thích hợp cho việc đánh giá các cơ quan sâu, thường sử dụng cho siêu âm bụng, thai, mạch máu ở sâu.
    • Đầu dò tim: Tần số tương đương đầu dò cong, chuyên dụng cho siêu âm tim.

    Ngoài ra còn có đầu dò sử dụng cho siêu âm 3D, 4D, siêu âm qua thực quản, qua âm đạo (hoặc trực tràng), siêu âm mắt, siêu âm can thiệp điều trị.

    Khi nào bạn cần thực hiện siêu âm?

    Phương pháp này được sử dụng cho nhiều mục đích thăm khám, chẳng hạn như:

    • Đánh giá chức năng tử cung và buồng trứng trong thời gian mang thai, theo dõi sức khỏe của thai nhi
    • Chẩn đoán bệnh về túi mật
    • Đánh giá lưu lượng máu
    • Phối hợp để dò đường cho kim trong sinh thiết hoặc điều trị 1 khối u
    • Kiểm tra 1 khối u vú
    • Kiểm tra tuyến giáp
    • Phát hiện các vấn đề về bộ phận sinh dục và tuyến tiền liệt
    • Đánh giá tình trạng viêm khớp (viêm màng hoạt dịch)
    • Đánh giá bệnh xương chuyển hóa

    Điều cần thận trọng

    Siêu âm có nguy hiểm không?

    Đây là 1 kỹ thuật chẩn đoán an toàn, sử dụng sóng âm thanh công suất thấp. Hiện vẫn chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào liên quan đến siêu âm.

    Mặc dù là một công cụ có giá trị nhưng kỹ thuật cũng có những hạn chế. Sóng siêu âm không thể truyền qua không khí hoặc xương, vì vậy kỹ thuật sẽ không hiệu quả trong việc chụp ảnh các bộ phận cơ thể có khí bên trong hoặc bị che bởi xương như phổi hoặc đầu. Để có cái nhìn rõ hơn ở các bộ phận này, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp CT, MRI hoặc X-quang.

    Quy trình thực hiện

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Trước khi thực hiện

    Hầu hết các xét nghiệm chẩn đoán bằng kỹ thuật dùng sóng siêu âm đều không cần người bệnh chuẩn bị đặc biệt. Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ như sau:

    • Đối với một số siêu âm túi mật, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh không ăn hoặc uống trong vòng 6 giờ trước khi thực hiện.
    • Đối với siêu âm vùng chậu, người bệnh có thể cần uống nhiều nước để làm đầy bàng quang và nhịn tiểu trong quá trình siêu âm.

    Nếu thực hiện cho trẻ nhỏ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn và lưu ý cụ thể hơn trước khi thực hiện.

    Người bệnh có thể được yêu cầu tháo đồ trang sức trong quá trình thực hiện, vì vậy tốt nhất hãy để các vật có giá trị ở nhà. Ngoài ra, hãy mặc đồ rộng rãi, thoải mái khi do người bệnh có thể phải thay áo choàng bệnh nhân.

    Trong khi thực hiện

    Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ thoa gel lên vùng cần khảo sát. Lớp gel có tác dụng ngăn chặn không khí chen giữa đầu dò và da của người bệnh, vốn có thể chặn các sóng âm thanh tạo ra hình ảnh. Loại gel gốc nước này có thể dễ dàng tẩy rửa và an toàn cho người bệnh.

    Bác sĩ ấn một thiết bị cầm tay nhỏ (đầu dò) lên khu vực cần khảo sát và di chuyển khi cần thiết để chụp ảnh. Đầu dò gửi tín hiệu sóng âm thanh vào cơ thể người bệnh, thu thập sóng dội ngược lại và gửi chúng đến máy tính, tạo ra hình ảnh.

    Trong một số trường hợp, kỹ thuật được thực hiện bên trong cơ thể của người bệnh. Lúc này, đầu dò được gắn vào một ống dài như ống nội soi, đưa vào qua một lỗ mở tự nhiên trong cơ thể người bệnh, chẳng hạn như:

    • Siêu âm tim qua thực quản. Phương pháp thu được hình ảnh tim, được thực hiện khi cho gây mê người bệnh.
    • Siêu âm qua ngả trực tràng. Phương pháp tạo ra hình ảnh của tuyến tiền liệt bằng cách đặt một đầu dò đặc biệt vào trực tràng.
    • Siêu âm qua ngả âm đạo (siêu âm đầu dò âm đạo). Một đầu dò đặc biệt được đưa vào ống âm đạo một cách nhẹ nhàng để thu nhanh hình ảnh tử cung và buồng trứng người bệnh.

    Siêu âm thường không đau. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu nhẹ khi bác sĩ hoặc kỹ thuật viên tì đầu dò và di chuyển trên cơ thể, đặc biệt là trong trường hợp đang phải nhịn tiểu để siêu âm vùng chậu.

    Sau khi thực hiện

    Một phiên siêu âm chẩn đoán thông thường mất từ ​​30 phút đến 1 giờ. Kết thúc quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ lau sạch chất gel ban đầu. Người bệnh sẽ ngồi chờ kết quả theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

    Kết quả của xét nghiệm

    Kết quả của siêu âm là gì?

    Khi hoàn tất, bác sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh sẽ phân tích các hình ảnh và gửi báo cáo cho bác sĩ chuyên khoa cũng như chia sẻ ý nghĩa kết quả với người bệnh. Người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường ngay sau đó.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 13/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo