backup og meta

Xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên

Tên thường gọi: Xuyên tâm liên

Tên gọi khác: Cây công cộng, nguyên cộng, cây lá đắng, hùng bút, lam khái liên, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ…

Tên nước ngoài: Andrographis

Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees

Họ: Ô rô

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây Xuyên tâm liên

Cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, sau đó được di dời về trồng ở các nước Đông Nam Á, Nam Á, Trung Mỹ, châu Phi, Úc, Caribe; trong đó có nước ta. Khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam rất phù hợp với cây này, nhưng hiện nay số lượng trồng không nhiều như trước.

Xuyên tâm liên là cây nhỏ, chỉ cao chừng 1m và sống được từ 1 – 2 năm. Thân vuông, nhiều nhánh mọc theo 4 hướng. Lá hình trứng, cuống ngắn, mọc đối xứng. Hoa nhỏ màu trắng điểm đốm hồng, tập trung thành chùm tại ngọn hay kẽ lá. Quả dài mang một hạt hình trụ dài.

Lá cây được thu hái khi vừa ra nụ, toàn cây được thu hái khi cây bắt đầu nở hoa. Nếu muốn lấy hạt làm giống nên thu lúc cây bắt đầu vàng úa, để chậm quả khô hạt sẽ rơi mất.

Bộ phận dùng của Xuyên tâm liên

Phần trên mặt đất. Sau khi thu hái có thể rửa sạch, thái thành những đoạn nhỏ, dùng tươi, sấy nhẹ hoặc phơi trong bóng râm đến khi khô.

Thành phần hóa học

Xuyên tâm liên có nhiều thành phần hóa học khác nhau, trong đó hoạt chất chính là flavonoid và diterpen lacton.

Diterpen lacton gồm andrographolid và các dẫn xuất của nó như deoxyandrographolid, homoandrographolid, neoandrographolid, 14–deoxy–12–methoxyandrographolid, 14-deoxy-11-oxoandrographolid, 14-deoxy-11-12-didehydro-andrographolid; andrographosid, 14 deoxyandrographosid, deoxyandrographolid–19–p–D–glucosid, andropanosid, andrograpanin, ent–14p–hyđroxy–8(17), 12–labadien-15, 16–olid–3p, 19– oxyd. Lá là nơi tập trung nhiều andrographolid nhất, với 2.6% trước khi cây ra hoa, sau khi cây ra hoa chỉ còn lại dưới 0.5%. Ở thân có 0.1 – 0.4% andrographolid. Ngoài ra còn có andrographisid, 6’-acetyl neoandrographolid, 14–deoxy–11, 12-dihydroandrographisid.

Nhóm flavonoid gồm có oroxylin A, wogonin, andrographin, paniculin, 7– o–methyhvogonin, apigenin– 7, 4’–dimethyl ether, mono– o–methvhvithin. Trong rễ cũng có flavanon glycosid là andrographidin và nhiều isoflavon glycosid khác.

Ngoài ra, xuyên tâm liên còn một số thành phần hóa học khác như acid cafeic, acid myristic, andrographan, andrographon, andrographosterin, carvacrol, eugenol, hentriacontan, panicolid, p – sitosterol – D – glucosid, a – sitosterol, tritriacontan.

Tác dụng, công dụng

Công dụng của cây xuyên tâm liên là gì?

Theo Y học cổ truyền, đây là dược liệu có tính hàn, vị đắng. Tác dụng chính gồm có thanh nhiệt giải độc, giảm đau, hoạt huyết, giảm phù nề. Đông y và kinh nghiệm dân gian từ lâu đã sử dụng để trị cảm sốt, ho, cúm, viêm hô hấp (phổi, họng, amindan), viêm tiết niệu, viêm nhiễm phụ khoa, đau bụng kinh, viêm đường ruột, đau nhức mình mẩy, phong tê thấp, mụn nhọt và tăng huyết áp…

Dược liệu xuyên tâm liên

Trong thời kỳ bao cấp ở nước ta, thuốc xuyên tâm liên là loại dược liệu đắc lực vì nhiều tác dụng khác nhau. Trong đó nổi bật là khả năng kháng vi khuẩn, virus và nấm; kích thích miễn dịch chống viêm; chống oxy hóa, chống ung thư. Các nghiên cứu cho thấy xuyên tâm liên có khả năng rút ngắn thời gian nhiễm trùng dù sử dụng riêng lẻ hay kết hợp với các loại thuốc khác. Nó còn làm giảm các triệu chứng viêm khớp.

Vì vậy mà nó được dùng rộng rãi trong điều trị sốt, viêm, tiêu chảy cấp, thủy đậu, bệnh gan, bệnh tăng huyết áp, sốt rét, tiểu đường, ung thư… Chiết xuất đã có mặt trong nhiều thuốc khác nhau.

Ngoài ra, y học trung Quốc dùng trị rắn cắn. Y học Ấn Độ dùng tẩy giun, lợi tiểu; đắp chữa sưng chân, trĩ, bạch biến, lậu, vô kinh.

Mới đây, nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu về tác dụng của thuốc Xuyên tâm liên trong điều trị Covid – 19. Trong đó, kết quả của Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan cho thấy tất cả bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 với triệu chứng nhẹ (đau đầu, đau họng, ho, sổ mũi) đều được cải thiện trong vòng 3 ngày dùng dược liệu, với mức liều 180mg Xuyên tâm liên, chia thành 2 lần trong ngày. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, mở ra hi vọng điều trị cho bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Theo đó, kết quả nghiên cứu của Ấn Độ cho biết hoạt chất andrographolide và dihydroxy dimethoxy flavone của cây này ức chế enzym protease của virus này trong thử nghiệm in silico. Cũng nhờ tác dụng chống viêm của nó mà hỗ trợ điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên do Covid – 19.

Từ lượng lớn dữ liệu lâm sàng tại Trung Quốc, cũng andrographolide có tác dụng kháng virus, giảm viêm, cải thiện những triệu chứng viêm hô hấp và nâng cao miễn dịch cho cơ thể. Tài liệu Trung Quốc cũng ghi nhận khả năng bảo vệ gan, điều trị bệnh tim mạch của hoạt chất này, giúp bảo vệ bệnh nhân khỏi tổn thương gan và tim do dùng thuốc điều trị Covid khác.

Nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… và Việt Nam bắt đầu đưa thuốc Xuyên tâm liên vào điều trị Covid – 19. Tuy nhiên, việc sử dụng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi sát sao.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của xuyên tâm liên là gì?

Liều dùng để chữa các bệnh cảm cúm, sốt và đau họng thường là 60 mg. Tùy vào cân nặng cơ thể, bạn có thể dùng 10 mg/kg trong một liều và có thể dùng nhiều lần một ngày nếu triệu chứng bệnh của bạn nghiêm trọng.

Đối với trẻ em bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, liều dùng xuyên tâm liên thường là 30 mg/ngày kéo dài trong vòng 10 ngày.

Liều dùng của xuyên tâm liên có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau, dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề khác. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ của bạn để tìm ra liều dùng thích hợp vì quá liều có thể gây nguy hiểm cho người dùng.

Liều dùng của xuyên tâm liên là gì

Một số bài thuốc có Xuyên tâm liên

Cây Xuyên tâm liên được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

Trị cảm, nhức đầu: Tán dược liệu thành bột mịn, hòa 2g với nước ấm uống liền, sau khi uống ăn cháo nóng. Ngày uống 3 lần trong 5 ngày liên tục.

Hỗ trợ điều trị viêm amidan: Xuyên tâm liên, mạch môn, huyền sâm, kim ngân hoa 12g mỗi loại, sắc cùng 3 bát nước cho tới khi còn 1 bát, chia uống hai lần trong ngày khi còn ấm. Uống liên tục trong 9 ngày.

Hỗ trợ điều trị viêm phế quản: Xuyên tâm liên, mạch môn, huyền sâm 12g mỗi loại; cam thảo, vỏ quýt lâu năm 4g mỗi loại. Sắc với nước để uống 2 – 3 lần/ngày. Uống liên tục 9 ngày.

Trị ho do lạnh: 12g xuyên tâm liên, 10g địa cốt bì, 10g tang bạch bì, 8g cam thảo sắc với 3 bát nước lọc cho đến khi còn 1 bát, chia uống hai lần trong ngày khi còn ấm. Uống liên tục trong 5 ngày.

Trị tiểu rắt, nước tiểu vàng do bị nhiệt: 15g lá tươi đã rửa sạch ráo nước, giã nát, thêm mật ong và hãm với nước sôi để uống thay nước trong ngày, liên tục 5 ngày.

Trị rôm sảy, mụn nhọt, ngứa do nhiệt: 1 năm lá tươi giã nát, thêm chút rượu để bôi và đắp tại chỗ. Để tăng thêm tác dụng có thể kết hợp với thuốc uống theo công thức: Kim ngân hoa, lá tre, sài đất, bèo cái, lá trắc bá mỗi thứ một nắm nhỏ sắc đặc, chia uống 2 – 3 lần trong ngày cho tới khi khỏi.

Trị viêm ruột, viêm dạ dày, lỵ trực khuẩn cấp tính, sưng tấy, rắn cắn, cảm sốt: Xuyên tâm liên 15g, kim ngân hoa 10g, sài đất 10g sắc uống mỗi ngày một lần.

Hỗ trợ trị viêm phổi: Xuyên tâm liên 12g, mạch môn và huyền sâm mỗi loại 10g. Sắc ngày uống một thang.

Trị viêm gan nhiễm khuẩn: Cỏ nhọ nồi 6g, xuyên tâm liên và diệp hạ châu đắng mỗi vị 3g. Sắc uống ngày một thang, liên tục từ 2 – 4 tuần.

Trị bỏng trong giai đoạn hồi phục: Lấy 200g xuyên tâm liên nấu với nửa lít nước hoặc 100g mỗi loại xuyên tâm liên, hoàng bá, xa sàng tử nấu với 600ml nước để rửa vết bỏng hằng ngày.

Trị viêm tai giữa, viêm mũi: Lấy lá tươi giã nát, vắt lấy nước cốt nhỏ vào tai hoặc mũi, ngày 2 – 3 lần đến khi khỏi.

Trị viêm sưng các ngũ quan trên mặt: 30g cây khô hoặc 50g cây tươi rửa sạch, bỏ vào niêu đất, đổ nước ngập rồi đun sôi kỹ, thu được 3 – 4 bát nước chia uống thành nhiều lần trong ngày.

Bài thuốc theo y học cổ truyền Ấn Độ:

  • Trị ho gà cho trẻ em rễ xuyên tâm liên và củ gừng gió, lấy lượng bằng nhau bào chế thành bột nhão cho trẻ uống ngày 3 lần trong liên tục 15 ngày.
  • Trị sốt rét: Tán lá xuyên tâm liên khô và tỏi thành bột, sau đó làm thành viên hoàn to chừng hạt đậu Hà Lan, ngày uống 3 viên chia thành 3 lần trong 3 – 7 ngày.

Bài thuốc trị áp xe của Nepal: Lấy nắm lá bánh tẻ, thêm ít muối, giã nát và trộn với nửa cốc nước. Chắt lấy dịch uống, bã đắp vào chỗ áp xe, mỗi ngày một lần.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng cây Xuyên tâm liên, bạn nên lưu ý những gì?

Thận trọng với vị thuốc xuyên tâm liên

Lưu trữ dược liệu ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.

Hãy cẩn thận hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn sử dụng xuyên tâm liên với thuốc chống đông máu, thuốc hạ tiểu cầu, thuốc ức chế miễn dịch và thuốc hạ huyết áp.

Không dùng thuốc nếu bạn có bệnh cao huyết áp, tỳ vị hư hàn (dạ dày và lách yếu lạnh, hay đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng râm ran, khó tiêu…), máu khó đông, chấn thương chảy máu, mới phẫu thuật, có bệnh liên quan đến sinh sản (đặc biệt là hiếm muộn, vô sinh).

Những quy định cho xuyên tâm liên ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Lợi ích của việc sử dụng xuyên tâm liên nên cân nhắc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của xuyên tâm liên như thế nào?

Hiện chưa có đầy đủ nghiên cứu để kết luận độ an toàn của xuyên tâm liên cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên bạn có thể dùng xuyên tâm liên cho trẻ em dưới sự hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc.

Xuyên tâm liên có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Đau đầu
  • Mệt mỏi, chóng mặt
  • Đau hoặc sưng hạch bạch huyết
  • Buồn nôn, tiêu chảy khi sử dụng dài ngày
  • Thay đổi vị giác.

Dù hiếm gặp nhưng dược liệu này cũng có thể gây ra dị ứng, sốc phản vệ. Khi dùng quá liều rất cao, bệnh nhân có thể nổi hạch, chấn thương thận cấp tính (biểu hiện gồm đau hạ sườn, giảm lượng nước tiểu, buồn nôn và nôn.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ của bạn.

Xuyên tâm liên có thể tương tác với những gì?

Nếu bạn đang dùng thuốc làm giảm huyết áp, thuốc chống đông máu và các thuốc kháng tiểu cầu, xuyên tâm liên có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc này.

Xuyên tâm liên có tác dụng chống oxy hóa và có thể gây giảm tác dụng của một số loại thuốc hóa trị liệu, thuốc ức chế miễn dịch.

Bên cạnh đó, dược liệu này còn có thể khiến bạn tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc chuyển hóa bởi UDP – glucoronosyltranferase, aminophylline nếu sử dụng đồng thời. Nó cũng có thể làm tăng men gan.

Nhìn chung vị thuốc Xuyên tâm liên có rất nhiều ứng dụng trong điều trị bệnh, nhưng luôn phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Skidmore-Roth, Linda. Mosby’s Handbook Of Herbs & Natural Supplements. St. Louis, MO: Mosby, 2001. Bản in. Trang 24

Andrographis. http://www.drugs.com/npp/andrographis.html. Ngày truy cập 11/11/2015.

Andrographis. https://www.mskcc.org/cancer-care/integrative-medicine/herbs/andrographis. Ngày truy cập 11/11/2015

Xuyên tâm liên giải độc http://benhvienquan4.vn/news/y-hoc-co-truyen/xuyen-tam-lien-giai-doc-62/ Ngày truy cập: 20/07/2021

Một số dược liệu, vị thuốc cổ truyền và cây thuốc được sử dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 http://ydct.moh.gov.vn/documents/13157/65019/Một%20số%20dược%20liệu%2C%20vị%20thuốc%20cổ%20truyền%20và%20cây%20thuốc%20trong%20phòng%2C%20chống%20bệnh%20viêm%20đường%20hô%20hấp%20cấp%20do%20Sars-CoV-2.pdf Ngày truy cập: 20/07/2021

Việt Nam sử dụng thuốc xuyên tâm liên điều trị COVID-19 https://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/viet-nam-su-dung-thuoc-xuyen-tam-lien-dieu-tri-covid19-355568.html Ngày truy cập: 20/07/2021

Xuyên tâm liên – Vị thuốc tiềm năng trong phòng chống COVID-19 https://soyte.hanoi.gov.vn/y-hoc-co-truyen/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/xuyen-tam-lien-vi-thuoc-tiem-nang-trong-phong-chong-covid-19?_101_INSTANCE_4IVkx5Jltnbg_viewMode=view Ngày truy cập: 20/07/2021

Vị thuốc Xuyên tâm liên https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/vi-thuoc-xuyen-tam-lien Ngày truy cập: 20/07/2021

Phiên bản hiện tại

20/07/2021

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Long nhãn: Không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý

Cây thù lù trị bệnh gì? Cách dùng và những lưu ý


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 20/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo