Tên thường gọi: Trầu không
Tên gọi khác: Trầu cay, trầu lương, thược tương, thổ lâu đằng
Tên nước ngoài: Betel pepper, vine pepper…
Tên khoa học: Piper betle L.
Họ: Hồ tiêu (Piperaceae)
Tổng quan
Tìm hiểu chung
Trầu không là một dây leo bám. Cành hình trụ, nhẵn, có khía dọc, bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le, hình tim tròn, gốc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, hai mặt nhẵn. Mặt trên của lá màu sẫm bóng, gân nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá có bẹ kéo dài.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông ngắn, lá bắc tròn hoặc hình trái xoan. Quả mọng, tròn và có lông ở đỉnh. Toàn cây có tinh dầu thơm, cay.
Mùa hoa quả vào tháng 5–8.
Đây là loài cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm. Do có đặc điểm của loại cây leo bám nên trồng trầu không phải có giá thể (thân cây gỗ, cay cau hay tường nhà) hoặc có giàn đỡ.
Bộ phận dùng
Ở nước ta, cây trầu không được trồng ở nhiều nơi để hái lá ăn trầu. Nó cũng xuất hiện phổ biến ở nhiều nước khác trong châu Á, vùng nhiệt đới như Malaysia, Indonesia, Phillipine.
Khi dùng làm thuốc, mọi người cùng dùng lá như khi ăn trầu, dùng tươi, có khi còn dùng rễ.
Thành phần hóa học
Lá trầu không tươi chứa chủ yếu là nước (khoảng 85%), protein, chất béo, carbohydrat, chất xơ, chất vô cơ, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B…
Thành phần quan trọng nhất trong lá là đường và tinh dầu. Ngoài ra, lá còn có nhiều vitamin nhóm B (chủ yếu là axit nicotinic), axit ascorbic và caroten.
Trong trầu không còn có piperbetol, methylpiperol, piperol A và piperol B.
Tác dụng, công dụng
Tác dụng, công dụng của lá trầu không là gì?
Cao chiết lá và tinh dầu trầu không có hoạt tính ức chế một số chủng vi khuẩn (in-vitro) như: tụ cầu vàng, phế cầu, Staphylococcus albus, Bacillus subtilis, liên cầu tan máu, Escherichia coli, Salmonella typhi… và các chủng nấm Candida albicans, C. stellatoides, Aspergillus niger…
Một số tác dụng dược lý khác của trầu không được nghiên cứu gồm có:
- Có tác dụng chống co thắt cơ trơn, ức chế tăng quá mức nhu động ruột, ức chế hệ thần kinh trung ương ở động vật có vú.
- Piperbetol, methylpiperbetol, piperol A và piperol B phân lập từ trầu không ức chế đặc hiệu sự kết tập tiểu cầu ở thỏ.
- Cao nước chế thành thuốc mỡ có tác dụng làm lành vết thương nhanh chóng ở thỏ.
Theo Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, quy vào các kinh phế, tỳ, vị. Chúng có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.
Những công dụng được ghi nhận khi sử dụng vị thuốc này từ xưa đến nay bao gồm:
- Chữa hàn thấp nhức mỏi, đau bụng, đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau,
- Hen suyễn khi thời tiết thay đổi, đờm nhiều khó thở, cảm mạo, bỏng, mụn nhọt, hắc lào, mề đay, ghẻ ngứa, viêm quanh răng, viêm tai, viêm họng
- Lá trầu không và gừng sống ép lấy nước uống chữa ho, khó thở, đầy bụng
- Súc miệng hàng ngày với nước có dịch chiết lá trầu không giúp phòng viêm họng, hỗ trợ các thuốc trị bạch hầu
Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu loài cây này dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc đắp, thuốc súc miệng. Lá trầu không còn có trong thành phần của chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ cùng với một số dược liệu khác dùng để trị hen suyễn.
Liều dùng
Liều dùng thông thường của trầu không là bao nhiêu?
Liều thông thường là 8–16g lá trầu không một ngày, dưới dạng thuốc sắc.
Có thể dùng ngoài, đắp lá tươi giã nát hoặc ngâm lá với nước để rửa vết loét, mẩn ngứa… với liều lượng tùy ý.
Một số bài thuốc
Trầu không được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa vết thương
Lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa, lấy lượng bằng nhau. Tất cả đem giã nát rồi đắp lên vết thương.
Lá trầu không tươi 40g, đem rửa sạch, đun với 2 lít nước sôi trong 15–20 phút. Để nguội, gạn lấy nước trong, thêm phèn phi 8g vào, đánh tan rồi rửa vết thương.
2. Chữa mụn nhọt
Lá trầu không, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, lấy lượng bằng nhau. Giã nát tất cả rồi đắp lên da.
3. Chữa tiểu gắt
Rễ trầu không (hoặc dùng thân, lá), rễ cau, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang, dùng vài ngày đến khi khỏi.
4. Chữa sai khớp, bong gân
Lá trầu không 12g, nghệ già 20g, lá cúc tần, lá xạ can mỗi vị 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc rồi đắp lên chỗ sưng đau. Thay băng sau khoảng 2–3 ngày/lần.
Lưu ý và thận trọng
Khi dùng trầu không, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn
Không nên sử dụng dược liệu này cho phụ nữ có thai. Những đối tượng đặc biệt khác (trẻ em, người cao tuổi…) nếu muốn sử dụng hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
Tương tác có thể xảy ra
Trầu không có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
[embed-health-tool-bmi]