Trong kho tàng Y học cổ truyền có rất nhiều vị thuốc quý phổ biến và quen thuộc với đời sống hàng ngày của nhân dân ta, trong đó có vị thuốc thổ phục linh. Đây là vị thuốc thường xuyên được sử dụng để điều trị đau nhức trong các bệnh lý cơ xương khớp, ngoài ra Thổ phục linh còn có khả năng thanh nhiệt giải độc để trị bệnh lý mãn tính về da…
Thổ phục linh là tên gọi chỉ phần thân rễ của cây thổ phục linh thường được dùng làm thuốc ở dạng phơi hoặc sấy khô. Trong y học cổ truyền, đây là vị thuốc quen thuộc với tác dụng khu phong tán hàn, trừ thấp, giải độc, tiêu thũng, lợi gân cốt, kiện tỳ vị.
Đặc điểm cây thổ phục linh
Thổ phục linh còn có các tên gọi khác như khúc khắc, kim cang, thổ tỳ giải, cậm cù. Tên khoa học của loài cây này là Smilax glabra Roxb, họ Kim cang hoặc Khúc khắc (Smilacaceae).
Thổ phục linh có nguồn gốc từ cây khúc khắc. Cây thuộc dạng dây leo, thân mềm, sống lâu năm, thân dài 4-5m, có khi đến 10m, nhiều cành nhỏ, không có gai và thường có tua cuốn.
Phần thân rễ cứng cáp, hình trụ dẹt, kích thước đa dạng, không đều. Bề mặt bên ngoài có sắc nâu vàng, lồi lõm, gồm rễ và chồi con mọc ra. Ngoài ra, vỏ rễ còn có các vẩy còn sót lại và vân nứt không đều.
Lá hình trứng, đầu nhọn, phía dưới cuống hình trái tim, mọc so le. Lá màu xanh, mặt trên bóng sáng, mặt dưới xanh nhạt hơn và hơi trắng như có lớp phấn phủ bên ngoài.
Cụm hoa bao gồm cả hoa đực và hoa cái mọc ngay kẽ lá, thường có màu hồng, một số điểm chấm đỏ. Mùa hoa nở thường vào khoảng tháng 5-6.
Quả hình tròn, nhỏ, mọc thành chùm, quả non màu xanh khi chín chuyển dần sang tím, đỏ và quả chín hẳn có màu đen. Mùa quả vào khoảng tháng 7-10 hàng năm. Bên trong quả sẽ chứa khoảng 3-4 hạt, hình trứng.
Thổ phục linh được trồng ở đâu? Thu hái như thế nào?
Loài cây này ưa sinh trưởng ở các nước nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới trong khu vực châu Á, các nước Đông Nam Á. Ở nước ta, cây thổ phục linh thường phân bố chủ yếu ở vùng rừng núi, thung lũng hoặc trung du ở cả ba miền, bao gồm nhiều tỉnh thành như Lạng Sơn, Nghệ An, Khánh Hòa, Kon Tum hay Lâm Đồng.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây là thân rễ (có khi được gọi là củ) được thu hái quanh năm, thế nhưng thời điểm có dược tính cao nhất là mùa hạ. Sau khi thu hái, thổ phục linh tươi được rửa sạch, cắt bỏ hết rễ con mọc xung quanh. Tiếp đến chúng sẽ được sơ chế bằng 1 trong 3 cách sau:
- Để nguyên đem đi phơi hoặc sấy khô.
- Ngâm nước nóng trong vài phút rồi thái lát, phơi khô.
- Ủ 3 ngày cho mềm rồi thái lát mỏng, sau đó đem phơi ngoài nắng to hoặc đem sấy thật khô.
Sau khi sơ chế, dược liệu được bảo quản trong hũ đậy kín hoặc cho vào bịch nilon buộc chặt. Để nơi thoáng mát, khô ráo, tránh bị ẩm mốc sẽ bảo quản được lâu.
Thành phần hóa học
Các thành phần hóa học có trong thân rễ cây thổ phục linh được nghiên cứu tìm thấy gồm:
- Tinh bột
- Sitosterol
- Stigmasterol
- Smilax saponin
- Tigogenin
- Tannin
- Chất nhựa
- Tinh dầu
Cây thổ phục linh có tác dụng gì? Liều dùng bao nhiêu?
Thổ phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, tác động vào các kinh can, vị. Theo Y học cổ truyền thì vị thuốc này có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, giải độc thủy ngân, chữa đau xương, ác sang, ung thũng. Chúng được dùng chủ trị đau nhức xương khớp, lở ngứa, phong thấp, mụn nhọt, đau bụng kinh, mề đay, mẩn ngứa và nhiều chứng bệnh khác.
Nghiên cứu của Y học hiện đại về tác dụng sinh học Thổ phục linh bao gồm:
Chống viêm, nâng cao hệ thống miễn dịch
Theo nghiên cứu thực nghiệm mô hình phù bàn chân chuột cống trắng, ở giai đoạn viêm mạn và cấp tính ghi nhận vị thuốc có công dụng dược lý cao. Tại các giai đoạn này, thổ phục linh vừa có tác dụng kháng viêm rõ rệt, đồng thời tăng khả năng miễn dịch, nâng cao tỷ lệ sống sót của chuột qua cơn phản vệ. Một số tài liệu cũng cho thấy, thổ phục linh có tính chất như các hoạt chất chống viêm steroid. Nổi bật là hoạt chất astilbin đóng vai trò quan trọng ngăn chặn acid uric tích tụ và các tế bào xâm nhập màng hoạt dịch khớp, dẫn đến viêm trong bệnh gout.
Hỗ trợ triệu chứng dị ứng, kháng histamin
Trong thí nghiệm tiêm mẫn cảm chuột lang bằng kháng nguyên cũng ghi nhận khả năng giảm nhẹ cơn dị ứng, co giật, khó thở, đặc biệt rõ rệt ở đường hô hấp của dược liệu. Ngoài ra, dân gian còn dùng thổ phục linh hỗ trợ trị vẩy nến, giun sán (Clonorchis sinensis)…
Các công dụng khác
Ngoài ra, thổ phục linh còn có hoạt tính trị giun, sán lá gan nhỏ, lợi tiểu,giảm co thắt cơ trơn ruột ở động vật thí nghiệm, hạ huyết áp.
Liều dùng chung cho thổ phục linh là từ 12-30g, dùng sắc nước uống, cô đặc thành cao hoặc dùng dưới dạng bột làm thuốc hoàn. Thầy thuốc Đông Y thường phối hợp Thổ phục linh cùng các vị thuốc khác trong bài thuốc cổ phương hoặc đối pháp lập phương để tăng hiệu quả điều trị.
Bạn có thể xem thêm
Các bài thuốc có thổ phục linh
1. Điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp, sang lở
- Chuẩn bị 20-40g thổ phục linh, 100g thịt lợn.
- Đem 2 nguyên liệu này hầm chung với nhau, ăn cả nước lẫn cái.
2. Trị bệnh thấp khớp
Thổ phục linh, thạch cao, hy thiêm, ké đầu ngựa, ngạch mễ mỗi loại 20g; ý dĩ, chi mẫu, liên kiều, đan sâm, tang chi, phòng phong, bạch thược mỗi loại 12g; thương truật, quế chi mỗi loại 8g; kê huyết đằng, tỳ giải, ngân hoa mỗi loại 16g; cam thảo 6g.
Tất cả đem sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2-3 lần uống.
3. Điều trị ghẻ lở, nhọt độc
- Thổ phục linh 2kg, sinh địa hoàng 200g, rễ tranh 600g.
- Các vị thuốc trên đem giã nhỏ hoặc thái thành lát mỏng.
- Đem nấu với thật nhiều nước trong khoảng 8 giờ liền. Lọc bỏ xác thuốc rồi tiếp tục nấu nước cho cô đặc thành cao, bảo quản trong hũ thủy tinh.
- Mỗi lần dùng lấy 6 thìa cao pha với một ly nước sôi uống. Ngày dùng 2 lần trước bữa ăn trưa và tối khoảng 1 giờ.
4. Trị các bệnh sang lở, mụn nhọt, tràng nhạc, giang mai
- Thổ phục linh 16g; ké đầu ngựa, kim ngân hoa, liên kiều, hạ khô thảo, mỗi vị 12g.
- Đem sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống.
5. Kích thích tiểu tiện
- Chuẩn bị 10-20g thổ phục linh
- Đem đi nấu nước uống hàng ngày thay cho trà giúp lợi tiểu.
6. Điều trị bệnh nổi mề đay, mẩn ngứa, viêm da cơ địa
- Củ thổ phục linh 30g, nhẫn đông hoa 20g, thương nhĩ tử 15g.
- Sắc lấy nước đặc uống 3-4 lần/ ngày, uống liên tục trong vòng 3-5 ngày.
7. Chữa cam tích, tỳ vị kém, cơ thể gầy yếu, bụng to, tay chân yếu liệt, tâm phiền nhiệt không yên
- Chuẩn bị 16g thổ phục linh, 12g dã miên hoa căn.
- Tất cả đem tán thành bột mịn, sau đó nấu chung với gan lợn hoặc nấu cháo ăn.
8. Chữa đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt
- Thổ phục linh 30g; mã kế 15g; xuyên quy, tiểu hồi hương, hương thảo, mạt dược, hàn phần mỗi loại 10g; dã thiên ma 15g.
- Sắc lấy nước uống trước kỳ hành kinh 3 ngày. Một liệu trình dùng liên tục trong 7 ngày.
9. Điều trị bệnh tê thấp, đau nhức gân xương
- Cách 1: Thổ phục linh 20g, ráng bay 10g, củ ráy rừng và đương quy mỗi loại 8g, bạch chỉ 6g. Đem sắc lấy nước chia 2-3 lần uống hết trong ngày đó, hôm sau thay thuốc mới.
- Cách 2: Thổ phục linh 50g, thịt nạc lợn 100g. Thổ phục linh gọt vỏ, thái miếng vừa ăn, thịt lợn băm nhuyễn. Đem nấu chín thành canh, ăn ngày 2 lần.
10. Chữa phong thấp, bổ can thận, kích thích lưu thông khí huyết
- Thổ phục linh, cà gai leo, cỏ xước, thiên niên kiện mỗi loại 300g; lá lốt 800g, quế chi 100g.
- Đem các vị thuốc trên phơi khô, tán bột rồi cho vào bình thủy tinh ngâm với 5 lít rượu trắng 40 độ.
- Sau 10 ngày có thể dùng. Mỗi lần uống 30ml, uống 2 lần/ ngày.
Những lưu ý khi sử dụng vị thuốc thổ phục linh
Thổ phục linh chống chỉ định cho những người tỳ vị hư hàn với triệu chứng người gầy yếu, hay đầy bụng chướng hơi, ăn vào ậm ạch khó tiêu, đi ngoài phân sống, … hoặc người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong cây thuốc này. Trước khi muốn dùng thổ phục linh hay bất kỳ dược liệu nào, bạn nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia để đảm bảo an toàn, nhất là ở những đối tượng đặc biệt như:
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
- Người đang điều trị bệnh bằng các thuốc khác (bao gồm thuốc, dược liệu và thực phẩm chức năng)
- Người đang mắc bệnh hen suyễn hoặc bệnh thận
- Do hàm lượng tanin trong Thổ phục linh tương đối cao nên nếu sử dụng vị thuốc này với liều quá cao hoặc dài ngày thì có thể gây nên kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột.
Ngoài ra, lưu ý rằng thổ phục linh kiêng kỵ với nước trà, dùng chung với nhau có thể gây ra rụng tóc. Do đó, bạn cần tránh sử dụng nước trà uống cùng với vị thuốc này.
[embed-health-tool-bmi]