backup og meta

Phấn ong (Phấn hoa ong mật) và 12 lợi ích bạn không nên bỏ qua

Phấn ong (Phấn hoa ong mật) và 12 lợi ích bạn không nên bỏ qua

Phấn ong (phấn hoa ong) có chứa axit amin, vitamin, lipid và hơn 250 hoạt chất khác nhau. Trong các y văn cổ, phấn hoa ong được coi là “mỏ vàng” về dinh dưỡng do các thành phần hoạt chất có đặc tính chữa bệnh và nâng cao sức khỏe đáng kể. Vậy tác dụng của dược liệu này đối với sức khoẻ là gì?

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Phấn ong là gì?

Phấn hoa ong là một hỗn hợp hạt phấn hoa và mật hoa mà ong mật thu thập được, kết hợp với nước bọt của ong thợ để tạo nên các viên phấn nhỏ.

Các chất chuyển hóa tìm thấy phấn hoa ong bao gồm: protein, axit amin, enzyme, co-enzyme, carbohydrate, lipid, axit béo, hợp chất phenolic, nguyên tố sinh học và vitamin.

  • Tỷ lệ phần trăm protein trung bình trong phấn hoa là 22,7%, bao gồm các axit amin thiết yếu không được tổng hợp trong cơ thể người, nhưng đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và sức khỏe tổng thể.
  • Axit nucleic, đặc biệt là axit ribonucleic, có mặt với số lượng đáng kể.
  • Carbohydrate tồn tại ở mức 30,8%, chứa các loại đường khử như glucose và fructose.
  • Khoảng 5,1% lipid được tìm thấy trong phấn hoa ong dưới dạng các axit béo thiết yếu như axit archaic, linoleic và γ-linoleic, phospholipid và phytosterol (đặc biệt là β-sitosterol).
  • Các hợp chất phenolic chiếm trung bình 1,6% hàm lượng phấn hoa, bao gồm leukotrien, catechin, axit phenolic và flavonoid (ví dụ: kaempferol, isorhamnetin và quercetin).
  • Vitamin và nguyên tố sinh học chiếm 0,7%. Đây là nguồn cung cấp tiềm năng các vitamin tan trong dầu như vitamin E, pro-vitamin A, vitamin D cũng như các vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2, B6 và C. Đồng thời là nguồn cung cấp các axit hữu cơ như biotin, rutin, pantothenic, nicotinic, inositol và folic. Các nguyên tố sinh học bao gồm các nguyên tố đa lượng như natri, magie, canxi, phốt pho và kali, cũng như các nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng, mangan, sắt và selen

Phấn hoa ong được dùng làm gì?

Phấn hoa ong thường được dùng như thực phẩm bổ sung nhằm tăng thể lực và thêm dẻo dai.

Phấn ong có thể dùng để chữa bệnh hen suyễn, viêm tuyến tiền liệt, liệt dương, xuất huyết viêm loét dạ dày và say độ cao. Nó cũng được sử dụng để làm giảm các triệu chứng dị ứng và tăng sự thèm ăn, giúp tăng cường miễn dịch và chống mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra nó còn được sử dụng để dưỡng da và các chữa rối loạn về da như bệnh chàm và chứng hăm tã. Các công dụng khác bao gồm chữa hội chứng tiền kinh nguyệt và lão hóa sớm.

Tuy nhiên các tác dụng này vẫn chưa đủ bằng chứng lâm sàng và chưa được Hiệp hội Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận.

Tác dụng của phấn ong là gì?

Đây là dược liệu đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền nhiều nước. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy chúng đem lại một số lợi ích sức khỏe bao gồm:

  1. Bảo vệ khỏi các gốc tự do, ngăn ngừa các bệnh mạn tính
  2. Giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng lipid huyết
  3. Bảo vệ gan, ngăn ngừa béo phì
  4. Chống viêm
  5. Tăng cường hệ miễn dịch
  6. Hỗ trợ vết thương mau lành, ngăn ngừa nhiễm khuẩn
  7. Giảm các triệu chứng mãn kinh
  8. Cải thiện việc sử dụng chất dinh dưỡng, trao đổi chất và tăng tuổi thọ
  9. Có thể ngăn ngừa ung thư
  10. Giúp cải thiện chức năng nhận thức
  11. Chống dị ứng
  12. Tăng cường sự phát triển hình thái và chức năng của đường ruột

các lợi ích của phấn ong (phấn hoa ong)

Liều dùng

Liều dùng thông thường của phấn ong là gì?

Người lớn có thể dùng 20–40 g phấn hoa ong mỗi ngày. Nếu một thìa cà phê tương đương khoảng 7,5 g phấn hoa, người lớn có thể sử dụng 3–5 thìa và trẻ em sử dụng 1-2 thìa cà phê. Phấn hoa thường được uống 3 lần một ngày và nên dùng nửa tiếng trước khi ăn.

Lưu ý


Liều dùng của phấn ong có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Phấn ong có thể không an toàn với một số đối tượng. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ của bạn để tìm ra cách sử dụng phấn hoa ong thích hợp.

Dạng bào chế của phấn ong là gì?

Cây thuốc, vị thuốc này có thể có những dạng bào chế như:

  • Viên nang
  • Hạt
  • Chất lỏng
  • Viên nén

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng phấn ong?

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ của bạn.

  • Phản ứng dị ứng
  • Phát ban da, bầm tím, ngứa nặng, tê hoặc đau cơ, yếu cơ
  • Khó thở
  • Đau bụng, chán ăn
  • Xuất hiện các chỗ sưng, tăng cân nhanh chóng, dạ dày khó chịu
  • Buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn, nhiễm độc gan, viêm gan cấp
  • Sốc phản vệ
  • Phát ban, các triệu chứng dị ứng, da mẫn cảm

Điều cần thận trọng

Trước khi dùng phấn ong bạn nên biết những gì?

  • Bạn nên lưu trữ chúng tại nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm, nhiệt độ và ánh sáng mặt trời.
  • Không nên nhầm lẫn giữa các sản phẩm phấn ong để uống và các sản phẩm để bôi ngoài da.
  • Không dùng phấn hoa ong cho những người bị dị ứng với phấn hoa.
  • Nếu bạn dùng phấn ong cùng với các loại thuốc chữa trị tiểu đường, bạn nên theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên.

Những quy định cho phấn ong ít nghiêm ngặt hơn những quy định của tân dược. Cần nghiên cứu sâu hơn để xác định độ an toàn của vị thuốc này. Lợi ích của việc sử dụng phấn ong nên cân nhắc với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của phấn hoa ong như thế nào?

Nếu bạn muốn dùng phấn ong, bạn nên kiểm tra thử xem mình có bị dị ứng phấn hoa hay không. Nếu bạn bị dị ứng hoặc các triệu chứng dị ứng xuất hiện trong lúc sử dụng, bạn nên ngưng dùng thuốc ngay lập tức.

Phấn ong không an toàn cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Không dùng phấn ong cho đối tượng này.

Bạn nên báo với bác sĩ hoặc thầy thuốc các loại thuốc và thảo dược mà bạn đang sử dụng có thể tương tác với phấn ong hay không.

Phấn ong có thể tương tác với những gì?

Nó có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ về cách sử dụng phấn ong trước khi dùng.

Điển hình nhất, phấn hoa ong có thể tương tác với thuốc trị bệnh tiểu đường và insulin. Nó có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc này và có nguy cơ làm tăng đường huyết.

Phấn ong có thể làm sai lệch kết quả các loại xét nghiệm máu như xét nghiệm tiểu cầu, đường huyết, kiềm phốt phát, bilirubin.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Skidmore-Roth, Linda. Mosby’s Handbook Of Herbs & Natural Supplements. St. Louis, MO: Mosby, 2001. Bản in. Trang 59

Bee Pollen. https://medlineplus.gov/druginfo/natural/78.html. Ngày truy cập 08/07/2021.

Bee Pollen. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=19&contentid=BeePollen. Ngày truy cập 08/07/2021.

Bee pollen-induced anaphylaxis: A case report and literature review. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25749764/. Ngày truy cập 08/07/2021.

Biological and therapeutic properties of bee pollen: A review. https://www.researchgate.net/profile/Bozena-Denisow/publication/299432343_Biological_and_therapeutic_properties_of_bee_pollen_A_review/links/5af939d8aca2720af9eeca22/Biological-and-therapeutic-properties-of-bee-pollen-A-review.pdf. Ngày truy cập 08/07/2021.

Polyphenols from bee pollen: Structure, absorption, metabolism and biological activity. https://pdfs.semanticscholar.org/c07e/b4bd8884ba771eba9884fa4c0a28ac5412b1.pdf. Ngày truy cập 08/07/2021.

Bee Pollen: Current Status and Therapeutic Potential. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8230257/. Ngày truy cập 22/04/2024.

Bee Pollen: Chemical Composition and Therapeutic Application. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4377380/. Ngày truy cập 22/04/2024.

Phiên bản hiện tại

22/04/2024

Tác giả: Tran Pham

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Nguyễn Ngọc Phượng


Bài viết liên quan

Cà phê pha mật ong, bạn đã từng thử chưa?

Uống nghệ với mật ong có giảm cân không?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Tran Pham · Ngày cập nhật: 22/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo