backup og meta

Cây cỏ lào có tác dụng gì? Những công dụng tuyệt vời từ loài cây này

Cây cỏ lào có tác dụng gì? Những công dụng tuyệt vời từ loài cây này

Cây cỏ lào được biết đến nhiều trong y học cổ truyền với tác dụng cầm máu, làm lành vết thương và còn được nghiên cứu thêm về các lợi ích sức khỏe khác mà nó mang lại. 

Cây cỏ lào còn có nhiều tên gọi khác như bớp bớp, cây cộng sản, cỏ việt minh, cây ba bóp, cây bù xích… Tên khoa học của loài cây này là Eupatorium odoratum L. hoặc Chromolaena odorata L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây cỏ lào có nguồn gốc từ quần đảo Ăng-ti ở châu Mỹ và dần được du nhập vào nước ta, trồng nhiều ở các vùng đồi núi. Trong y học cổ truyền, nước sắc từ lá cỏ lào được dùng trị ho hoặc làm thuốc cầm máu, kháng viêm.

Đặc điểm hình thái cây cỏ lào

Cỏ lào là một loài cây thân thảo, mọc thành bụi, thân cao đến 2 mét hoặc hơn, phân cành nằm ngang. Thân tròn, có rãnh và nhiều lông mịn. Lá mọc đối, hình dạng gần giống hình tam giác, đầu nhọn, gốc thuôn, hai mặt có lông mịn. Hoa mọc thành cụm ở đầu cành, có mùi thơm, màu tím nhạt hoặc hồng nhạt, tràng hoa loe dần lên từ gốc. Quả bế hình thoi, có 5 cạnh, có lông mịn bao phủ bên ngoài.

Mùa hoa quả vào tháng 1-3. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh trong mùa mưa. Người dân thường thu hái lá và toàn cây quanh năm do cây có khả năng tái sinh mạnh, cho năng suất đến 20-30 tấn/ ha. Ở Việt Nam, cỏ lào được tìm thấy nhiều ở vùng núi, trung du và đồng bằng.

Cây cỏ lào được sử dụng như thế nào?

cây cỏ lào

Toàn cây cỏ lào đều có thể được dùng làm thuốc nhưng thường dùng lá nhiều nhất vì mang lại nhiều tác dụng và dễ dùng hơn. Khi thu hái sẽ cắt cả cây để sử dụng. Cây thường được dùng tươi do có thể thu hái quanh năm.

Nếu dùng dạng khô, cây sau khi thu hái được đem phơi khô, bỏ vào hộp kín và bảo quản nơi thoáng mát, tránh ẩm để dùng dần.

Cây cỏ lào có tác dụng gì, dùng chữa bệnh gì?

Cỏ lào có vị cay, tính ấm, mùi hôi nhẹ. Các thành phần hóa học có trong cây cỏ lào được tìm thấy gồm tinh dầu, tanin, alkaloid, đạm, kali… Trong y học cổ truyền, cỏ lào có tác dụng sát trùng, cầm máu, kháng viêm, chống tụ mủ, phòng độc.

Trong các nghiên cứu về dược tính của loài cây này, người ta phát hiện chúng có khả năng  chữa sốt rét, chống viêm, cầm máu, chống oxy hóa, hạ sốt và chống co thắt, chống giun sán, chữa lành vết thương, phòng độc, lợi tiểu, kháng khuẩn. Viện Nghiên cứu Y học quân sự Việt Nam đã phát hiện nước sắc cỏ lào có tác dụng ức chế vi khuẩn gây mủ trên vết thương và ức chế trực khuẩn lỵ Shigella. Quân y viện Binh đoàn 12 còn từng dùng cao đặc cỏ lào để bôi chữa viêm lợi, viêm ổ chân răng sau khi mổ và đạt hiệu quả tốt.

Từ đó, loài cây này được sử dụng trong chữa trị các bệnh như:

  • Chữa bệnh lý cấp tính
  • Điều trị tiêu chảy
  • Chữa viêm đại tràng
  • Chữa đau nhức xương, ung nhọt độc, lở loét trên da
  • Đau nhức răng, viêm lợi
  • Cầm máu vết thương

Ở Trung Quốc, người dân còn chà xát lá cỏ lào lên chân tay để phòng ngừa côn trùng, và trị đỉa cắn. Lá của nó được bỏ xuống ruộng ngâm trong vòng 1 – 2 ngày để loại bỏ các ấu trùng và ký sinh trùng.

Các bài thuốc dân gian với cây cỏ lào

cây cỏ lào

Sau đây là một số bài thuốc phổ biến sử dụng cây cỏ lào để bạn có thể tham khảo:

Cầm máu vết thương do vắt, đỉa cắn

Vò nát một nắm lá cỏ lào đắp lên vị trí đang chảy máu sẽ giúp cầm máu nhanh chóng.

Chữa lỵ trực khuẩn

Lấy 1 nắm to khoảng 150g là và ngọn cỏ lào đem rửa sạch, cắt nhỏ, hãm với 500ml nước đun sôi trong 2 tiếng, lọc lấy nước thuốc rồi cô còn 150ml. Khi uống thêm 30-50g đường, đun sôi cho tan. Người lớn uống mỗi lần 50ml, uống 3 lần/ ngày liên tục đến khi hết triệu chứng bệnh.

Chữa bong gân

Bạn hái một nắm lá dược liệu đem giã nát và đắp trực tiếp vào khu vực bị bong gân. Các thành phần dược tính của cây thuốc sẽ giúp tiêu sưng và hỗ trợ giảm đau nhanh chóng.

Chữa đau nhức xương

Cỏ lào tươi 8g, dây đau xương 12g, đem sao vàng, sắc lấy nước uống trong ngày.

Điều trị viêm đại tràng

Cây cỏ lào 20g, bạch truật 25g, khô sâm 10g, đem sắc lấy nước uống hàng ngày.

Chữa vết thương phần mềm, bầm tím tụ máu (do tai nạn, té ngã…)

Lấy 1 nắm lá to cỏ lào tươi đem rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương, băng chặt. Mỗi ngày thay băng một lần.

Chữa trị táo bón

Bạn sử dụng 3 – 5 ngọn cỏ lào, đem rửa thật sạch rồi nhai trực tiếp bạn có thể thêm một chút muối hạt vào nhai cùng và nên nuốt cả bã dược liệu.

Chữa ghẻ, lở, nhọt độc

Bạn dùng lá non nấu tắm chữa ghẻ, khi tắm dùng bã xát vào mụn ghẻ, nhọt  trong vòng 5-6 ngày là khỏi.

Những lưu ý khi sử dụng cỏ lào chữa bệnh

Vì cỏ lào có chứa độc tính nhẹ nên dùng quá nhiều lá non có thể gây đau đầu, nôn mửa, chóng mặt. Thế nên, bạn cần lưu ý khi sử dụng cây thuốc này, nếu nhận thấy có các triệu chứng ngộ độc cần ngưng dùng và đến gặp bác sĩ ngay.

Để đảm bảo an toàn, bạn cần trao đổi với bác sĩ, thầy thuốc trước khi muốn sử dụng cây cỏ lào hoặc bất kỳ dược liệu nào để điều trị các vấn đề sức khỏe đang có. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể về cách dùng, liều lượng để không gây tương tác với các thuốc khác đang uống (nếu có) cũng như tránh gây ngộ độc hoặc tác dụng phụ.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cỏ lào https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/co-lao Ngày truy cập 22/10/2023

Cây Cỏ Lào: Công Dụng Và 12 Bài Thuốc Chữa Bệnh An Toàn https://trungtamduoclieu.com/cay-co-lao.html Ngày truy cập 22/10/2023

Cỏ lào https://tracuuduoclieu.vn/co-lao.html Ngày truy cập 22/10/2023

Phytochemical and Pharmacological activities of Eupatorium odoratum L. https://rjptonline.org/HTMLPaper.aspx?Journal=Research%20Journal%20of%20Pharmacy%20and%20Technology;PID=2011-4-2-27 Ngày truy cập 22/10/2023

Wound Healing Property Review of Siam Weed, Chromolaena odorata https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5414454/ Ngày truy cập 22/10/2023

Phiên bản hiện tại

27/11/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Liệu pháp thảo dược trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt - Có phải hiệu quả đều như nhau?

Hiểu đúng về thảo dược chữa phì đại tiền liệt tuyến


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 27/11/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo