backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Câu đằng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/06/2019

Câu đằng

Tên thường gọi: Câu đằng

Tên gọi khác: Dây móc câu, móc ó, vuốt

Tên khoa học: Uncaria rhynchophylla (Miq) Jack.

Họ: Cà phê (Rubiaceae)

Tổng quan về dược liệu câu đằng

Tìm hiểu chung về câu đằng

Trong thực tế, nhiều loài thuộc chi Uncaria đều được sử dụng làm thuốc với tên câu đằng. Tất cả loài này đều có những đặc điểm chung về mặt hình thái thực vật. Chúng là cây nhỡ, mọc leo. Cành non có thiết diện vuông, có rãnh dọc, khi già cứng có màu xám đen hay nâu đen. Lá có cuống ngắn, mọc ở các mấu đốt, dưới kẽ lá có gai nhọn mọc cong xuống. Hoa tụ họp thành hình cầu mọc đơn độc hoặc thành chùm ở kẽ lá và đầu cành. Quả nang dài và dẹt chứa nhiều hạt có cánh. Mùa hoa quả vào tháng 3–7.

Câu đằng đã được trồng ở các cơ sở nghiên cứu (Sa Pa, Tam Đảo…) thuộc Viện Dược liệu và các vườn thuốc quanh Hà Nội, Viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc. Đất trồng câu đằng chỉ cần thoát nước, đủ ẩm, không bị úng ngập.

Bộ phận dùng của câu đằng

Người ta thường sử dụng đoạn thân (mấu cành) có gai ở kẽ lá, cong như lưỡi câu cứng của cây câu đằng để làm thuốc. Dược liệu được thu hái vào mùa hè – thu rồi phơi hay sấy khô, từng đoạn thân dùng không quá 3cm, gai dài chừng 2cm. Đoạn thân có 2 gai có tác dụng tốt hơn đoạn thân 1 gai. Không nên sử dụng đoạn thân không có gai.

Thành phần hóa học có trong câu đằng

Thành phần chính trong câu đằng là alkaloid. Thân và rễ chứa 0,041% alkaloid toàn phần, trong đó rhynchophylin chứa 28,9% và isorhynchophylin 14,7%.

Alkaloid được xác định trong các bộ phận của câu đằng như sau:

  • Móc, thân và lá: rhynchophylin, isorhynchophylin, corynoxein, isocorynoxcin
  • Thân, lá: geissochizin, valestachotamin, akumigin, rhynchophin
  • Vỏ thân, cành: hirsutin, hirsutein
  • Gỗ: corynannthcin, dihydrocorynanthein

Tác dụng, công dụng của câu đằng

Câu đằng có những công dụng gì?

Một số tác dụng dược lý của câu đằng đã được nghiên cứu, thử nghiệm bao gồm:

  • Hạ huyết áp
  • Chống loạn nhịp tim
  • An thần
  • Tác dụng trên hệ cơ trơn, đối kháng với tác dụng gây co bóp của histamin

Theo y học cổ truyền, câu đằng có vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh tâm, can và có tác dụng thanh nhiệt, bình can, tức phong, định kinh.

Nhân dân thường sử dụng câu đằng để chữa kinh giật ở trẻ em, tăng huyết áp ở người lớn, đau đầu, chóng mặt, trúng phong.

Ngày nay, câu đằng còn được dùng trong các sản phẩm hỗ trợ điều trị run tay chân, trấn kinh, điều trị động kinh khá hiệu quả.

Liều dùng của câu đằng

Liều dùng thông thường của câu đằng là bao nhiêu?

Thường dùng 4–9g câu đằng, dùng sắc nước uống, có thể dùng dạng bột.

Liều dùng của câu đằng có thể khác nhau đối với từng người bệnh. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

Một số bài thuốc có dược liệu câu đằng

Câu đằng có mặt trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa đau đầu, chóng mặt do huyết áp cao:

Câu đằng, cúc hoa, phòng phong, đảng sâm, phục thần, phục linh, trần bì, mạch môn, mỗi vị 15g; thạch cao 30g; cam thảo 7,5g. Tất cả nghiền thành bột, mỗi lần dùng 12g sắc nước uống, bỏ bã.

2. Chữa cao huyết áp:

  • Câu đằng 12g; tang diệp, cúc hoa, hạ khô thảo mỗi thứ 9g. Sắc lấy nước uống.
  • Câu đằng, thạch quyết minh mỗi thứ 15g; đỗ trọng 9g; hoàng cầm 6g; ích mẫu, hạ khô thảo, mỗi thứ 12g. Sắc nước uống.

3. Chữa sốt kinh phong, chân tay co giật ở trẻ em:

Câu đằng 10–15g, kim ngân hoa 9g, bạc hà 3g, cúc hoa 6g, địa long 6g. Sắc nước uống.

4. Chữa trúng phong:

Câu đằng 30g; hàng bạch thược, địa long mỗi thứ 15g; trân châu mẫu 90g; sinh đại hoàng 9g; nước trúc lịch 45ml. Ngày uống 2 thang ở giai đoạn cấp tính và 1 thang ở giai đoạn hồi phục.

5. Chữa liệt thần kinh mặt (dây thần kinh số VII):

Câu đằng 60g, dây hà thủ ô tươi 120g. Sắc nước uống.

Lưu ý, thận trọng khi sử dụng câu đằng

Khi dùng câu đằng, bạn nên lưu ý những gì?

Chú ý khi dùng không nên sắc câu đằng quá lâu, đợi khi các vị thuốc khác gần được mới cho câu đằng vào và để cho sôi 1–2 lần trào lên là được.

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng câu đằng với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Mức độ an toàn của dược liệu câu đằng

Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng câu đằng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với câu đằng

Câu đằng có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay các dược liệu khác mà bạn sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi sử dụng dược liệu này.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/06/2019

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo