Massage bàn chân không phải một phương pháp thư giãn xa xỉ chỉ có ở các spa. Bạn có thể học cách massage chân tại nhà để tự giải tỏa căng thẳng và bảo vệ sức khỏe chỉ với 10 – 20 phút mỗi ngày.
Nếu muốn cải thiện lưu thông máu tới chân sau một ngày đi lại mệt mỏi, bạn có thể học cách massage chân ở nhà. Hơn nữa, bạn cũng sẽ giúp bạn xóa tan mệt mỏi trong ngày và tiếp thêm lửa yêu với nửa kia nếu biết cách massage bàn chân.
Những lợi ích khi massage chân
Phương pháp massage bàn chân mang lại nhiều lợi ích cho thể chất và tinh thần như sau.
1. Massage chân tiếp lửa chuyện yêu
Bạn có cảm hứng cho một tối nóng bỏng bên người ấy khi ở trong một không gian thư giãn với dầu massage, nến thơm và một chút nhạc nhẹ khi massage bàn chân. Hơn nữa, các động tác massage chân đầy kích thích cũng là màn dạo đầu thích hợp giúp bạn quên đi những căng thẳng trong ngày và nhập cuộc hăng hái. Cảm giác kích thích nhẹ nhàng này sẽ giúp bạn sẵn sàng tiến tới những vùng nhạy cảm hơn như mặt sau đầu gối và đùi trong.
2. Massage chân cải thiện lưu thông máu
Lối sống ít vận động khiến các cơ bắp không được dùng thường xuyên nên dễ bị đau và căng cứng vì không nhận đủ lưu lượng máu. Đặc biệt các cơ ở chân còn bị bó buộc trong giày cả ngày nên luôn cần được chăm sóc nhiều hơn.
Bạn chỉ cần massage chân trong 10 – 20 trước khi ngủ là có thể cải thiện lưu thông máu đến chân khá nhiều. Điều này sẽ giúp chân bớt đau nhức, mỏi hay tê. Hơn nữa, bệnh nhân tiểu đường cũng rất cần cải thiện lưu lượng máu đến chân để phòng các biến chứng.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Biến chứng bệnh tiểu đường: đau và loét chân
3. Massage chân giúp ngừa chấn thương
Bạn có thể massage bàn chân để giảm đau cơ bắp, xương khớp cũng như phục hồi nhanh hơn sau chấn thương. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể massage chân 3 – 5 lần/tuần để giảm thiểu rủi ro chấn thương bàn chân và mắt cá chân.
Bạn có thể kết hợp phương pháp massage chân với các bài tập giúp tăng cường sức mạnh để chân khỏe cũng như dẻo dai hơn. Bàn chân và mắt cá đủ linh hoạt, dẻo dai sẽ giúp bạn tránh được những chấn thương khó chịu
4. Massage chân cải thiện tâm trạng
Một số nghiên cứu cho rằng massage chân kèm bấm huyệt không chỉ giúp bạn thư giãn nhất thời mà còn mang đến nhiều tác dụng tích cực như giảm như lo lắng, trầm cảm. Những nhà khoa học đã chứng minh việc áp dụng cách massage chân này thường xuyên đã giúp giảm tâm trạng lo lắng ở bệnh nhân ung thư đáng kể.
5. Massage chân giúp giảm đau đầu
Một nghiên cứu thực hiện ở Đan Mạch cho thấy những người bị đau đầu và đau nửa đầu đã có cải thiện sau khi được massage chân bấm huyệt. Những người tham gia thí nghiệm áp dụng phương pháp massage bàn chân bấm huyệt kết hợp với một lối sống lành mạnh hơn để chữa các chứng đau đầu. Sau ba tháng, 65% người bệnh đã giảm nhẹ được những triệu chứng khó chịu và một số nhỏ còn chữa khỏi bệnh.
6. Massage chân giúp giảm huyết áp
Bệnh huyết áp cao ngày càng phổ biến hơn ở cả nam và nữ giới. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như căng thẳng, ăn uống không lành mạnh, di truyền… Thế nhưng, massage bàn chân có thể giúp bạn thư giãn, cải thiện lưu lượng máu và từ đó điều hòa lại huyết áp.
Một nghiên cứu thực hiện trên các nhân viên làm công việc căng thẳng và mệt mỏi như chăm sóc sức khỏe cho người già bị chứng mất trí. Kết quả cho thấy việc massage chân 10 phút/ lần, 3 lần/tuần giúp những nhân viên này cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng và hạ huyết áp.
7. Massage chân giảm nhẹ các bệnh về chân
Các vấn đề như chân bẹt hay viêm cân gan chân có thể ảnh hưởng tới đời sống thường ngày.
• Chứng chân bẹt: Đây là tình trạng lòng bàn chân không có dạng hình vòm như bình thường mà bằng phẳng. Vì lòng bàn chân không có vòm cong, những vận động hằng ngày như đi lại hay chạy nhảy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cổ chân, đầu gối, khớp háng cùng hệ cột sống. Chứng này có thể khiến bạn bị đau chân dù chỉ hoạt động thể chất nhẹ.
• Chứng viêm cân gan chân: Đây là tình trạng cơ gân bàn chân bị viêm và sưng. Cơ gan bàn chân là một dải mô nằm bên dưới xương chân, ở phần cuối xương gót và gần các ngón chân. Khi bị viêm cân gan chân, bạn sẽ bị đau nhói ở gần gót chân, nhất là khi bắt đầu đi lại vào sáng sớm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh viêm cân gan chân là gì?
Bạn có thể thường xuyên massage bàn chân kết hợp tập các bài thể dục cho chân để giảm cơn đau do các bệnh trên gây ra.
8. Massage chân giúp kỳ kinh dễ chịu hơn
Không ít nữ giới cảm thấy khó chịu, mệt mỏi khi sắp đến kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng tiền kinh nguyệt phổ biến là buồn bã, khó chịu, lo lắng, căng thẳng, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu…
Bạn có thể học cách massage chân để cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày đèn đỏ. Hầu hết các triệu chứng tiền kinh nguyệt có thể giảm nhẹ nếu bạn massage chân hàng ngày trong giai đoạn này.
Giai đoạn mãn kinh không chỉ mang đến nhiều khó chịu tương tự như triệu chứng tiền kinh nguyệt mà còn có thể gây bốc hỏa và trầm cảm. Nếu massage chân thường xuyên, bạn có thể giảm phần nào các triệu chứng mãn kinh này để cuộc sống thoải mái hơn.
9. Massage chân giảm phù ở thai phụ
Phù là tình trạng cơ thể tích nước nên bị sưng. Phù ở bàn chân và mắt cá chân là tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt phụ nữ đang trong ba tháng cuối thai kỳ. Tình trạng bà bầu bị phù chân có thể được khắc phục bằng cách massage bàn chân hàng ngày kết hợp với việc nghỉ ngơi nhiều và ăn uống phù hợp.
Cách massage chân tại nhà
Bạn có thể massage chân cho chính mình hay massage cho nửa kia để cả hai có màn dạo đầu nóng bỏng. Cách massage bàn chân tại nhà gồm các bước sau.
1. Ngâm chân với nước ấm
– Trước khi bắt đầu, bạn hãy ngâm chân trong nước ấm 5 – 10 phút. Bạn có thể thêm các loại dầu có thêm hương liệu nếu muốn. Dầu sẽ giúp làm sạch và giữ ấm chân. Mùi hương từ dầu cũng sẽ giúp bạn thư giãn hơn nữa đấy.
– Sau khi ngâm chân xong, bạn lau khô chân bằng khăn ấm.
2. Chuẩn bị massage bàn chân
– Bạn cần chuẩn bị một chỗ đặt chân bàn chân như bàn, ghế hay giường. Sau đó, bạn ngồi hoặc nằm xuống rồi bắt đầu thư giãn.
– Bạn sẽ massage từng chân một nên hãy chuẩn bị khăn ấm để quấn chân còn lại.
– Bạn hãy rửa tay qua với nước ấm để làm ấm tay trước khi bắt đầu massage chân.
3. Khởi động các cơ ở chân
– Bạn xoa dầu massage hoặc kem dưỡng da lên toàn bộ bàn chân lên đến trên mắt cá chân một chút. Có một số loại dầu massage bạn có thể chọn như dầu dừa phân đoạn, dầu hạnh nhân, dầu hướng dương… Bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi dùng để tránh những loại dầu mình dị ứng và chọn được loại thích hợp nhất.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 5 loại dầu massage tốt nhất theo các chuyên gia trị liệu
– Bạn nhẹ nhàng xoay chân theo vòng tròn để thư giãn các cơ. Khi xoay, bạn dùng một tay đỡ gót chân, tay còn lại thì đặt vào mắt cá chân để xoay chân.
4. Xoa bóp bàn chân
– Khi đã khởi động xong, bạn đặt chân xuống bàn, ghế hay giường.
– Dùng hai tay nắm quanh chân, một tay bên trên còn một tay đặt dưới lòng bàn chân. Bạn bắt đầu xoa bóp từ các ngón chân đến phần trên mắt cá chân rồi từ mắt cá chân trở xuống ngón chân. Bạn xoa vòng tròn theo hai hướng ngược nhau từ các ngón chân đến phía trên mắt cá chân và trở xuống.
– Bạn đặt hai ngón tay cái dưới lòng bàn chân và những ngón khác để ở mặt trên của chân rồi bắt đầu massage. Bạn bắt đầu ở các ngón chân rồi massage lên đến mắt cá chân và trở xuống.
5. Massage các ngón chân
– Bạn dùng tay dò tìm các khớp của ngón chân. Bạn vẫn giữ ngón cái ở mặt dưới và những ngón còn lại ở mặt trên của chân rồi thực hiện các chuyển động tròn quanh các khớp ngón chân.
– Bạn massage từng ngón chân, bắt đầu từ ngón út tới ngón cái bằng cách xoa bóp từ gốc đến đầu ngón chân. Khi đã đến đầu ngón chân, bạn dùng tay xoay ngón chân một vòng. Sau đó, bạn nhẹ nhàng kéo ngón chân.
– Bạn tiếp tục luồn bốn ngón tay vào bốn kẽ chân rồi lướt tay qua lại từ từ.
6. Kết thúc buổi massage chân
– Bạn dùng ngón tay cái thực hiện các chuyển động tròn rồi vuốt các đường thẳng lên xuống ở lòng bàn chân.
– Đặt ngón tay cái ở lòng bàn chân và các ngón khác ở mặt trên của chân rồi vuốt ve nhẹ nhàng toàn chân từ ngón chân tới mắt cá.
Chân chịu nhiều áp lực khi bạn đi đứng suốt ngày dài nên luôn cần được chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, bạn không cần đến spa mới có thể nâng niu đôi chân mà chỉ cần học cách massage chân tại nhà. Phương pháp này kết hợp với việc tập luyện và sống lành mạnh có thể giúp bạn có sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt hơn đấy.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]