Lá sen theo Đông y học là một dược liệu quý rất có giá trị sức khỏe với con người, ví dụ như giảm mỡ máu, giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, cải thiện chất lượng giấc ngủ,… Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp sử dụng loại thảo dược này.
Hãy cùng Hellobacsi tìm hiểu cách sử dụng lá sen thông qua bài viết này nhé!
Lá sen là gì?
Senlà một loại thực vật sống dưới nước. Lá sen thường mọc trên mặt nước, có hình dạng hình khiên, to với đường kính từ 60 – 70cm, tùy thuộc vào từng loại cây. Hầu hết các thành phần của cây sen đều có thể sử dụng thành dược liệu để điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau.
Lá sen thường được thu hái vào tháng 7 – tháng 9 nhưng nếu cần sử dụng lâu dài thì chúng vẫn được hái quanh năm. Theo nhiều tài liệu Đông y thì khi cây bắt đầu nở hoa là thời điểm tốt nhất để thu lá.
Uống lá sen có tác dụng gì? Đây chắc chắn là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Trong lá có chứa nhiều chất chống oxy hóa như Tannin, Flavonoid,… và các khoáng chất khác nên trong y học chúng được coi là một loại thảo dược quý.
Thành phần hóa học trong lá cây sen được ghi nhận, bao gồm: Vitamin C, Nuxicfrin, Tamin, Acid hữu cơ, Roemerin, Nonuxiferin.
Lá sen có tác dụng gì?
Theo Y học cổ truyền thì lá cây sen có vị đắng và tính bình, chữa trị chứng mất ngủ, di tinh, sốt xuất huyết, huyết áp cao, chảy máu cam, chảy máu não, nôn ra máu hoặc máu hôi vẫn còn trong người sau sinh.
Ngoài ra, trong Y học hiện đại, nhiều chuyên gia cho rằng tác dụng của lá cây sen khô còn có thể giúp người bệnh an thần, chống co thắt cơ trơn, giảm tổn thương gan, hỗ trợ điều trị các bệnh tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu, tăng cường hệ miễn dịch. Hơn nữa, còn có thể ức chế quá trình hấp thu của cơ thể và tăng tốc độ cơ thể chuyển hóa năng lượng để kiểm soát cân nặng.
Bạn có thể xem thêm
Các bài thuốc điều trị từ lá sen
Những thông tin sau đây chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế được lời khuyên của bác sĩ. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các cách điều trị này.
1. Bài thuốc điều trị mất ngủ
Chuẩn bị: 30gr lá sen
Cách thực hiện: Rửa sạch và thái nhỏ, sau đó phơi khô. Giống như với hãm trà, bạn cho lá sen đã xử lý vào ấm hãm với 200ml nước nóng và chia thành nhiều đợt uống trong một ngày.
2. Bài thuốc đẩy sản dịch còn ứ trong người
Chuẩn bị: 30gr lá cây sen
Cách thực hiện: Đem dược liệu đi sao thơm rồi tán thật nhỏ. Nếu bạn không có quá nhiều thời gian thì có thể trực tiếp uống với nước ấm hoặc đem sắc chung với 200ml nước sôi cho đến khi chỉ còn 50ml thì dừng lại, sau đó uống liền. Lưu ý là bài thuốc này chỉ sử dụng 1 lần trong ngày.
3. Bài thuốc hỗ trợ giảm cân
Chuẩn bị: 60gr lá cây sen, 10gr sơn tra tươi, 10gr hạt ý dĩ, 5gr trần bì
Cách thực hiện: Ghiền các dược liệu trên thành bột rồi cho vào ấm sắc với nước nóng và hãm khoảng 15 phút. Bạn có thể sử dụng thay cho trà uống hàng ngày, mỗi ngày chỉ nên uống 1 thang. Duy trì liên tục trong vòng 3 tháng để đạt được hiệu quả cao.
4 Bài thuốc chữa váng đầu
Chuẩn bị: 10gr lá cây sen, 10gr đỗ trọng tươi và 6gr hạch đào nhân
Cách thực hiện: Đem sao hạch đào nhân rồi giã nát và sắc chung với lá cây sen và đỗ trọng tươi. Sau đó, bỏ bã lấy nước chia thành từng phần nhỏ uống trong ngày, mỗi ngày chỉ uống 1 thang.
5. Bài thuốc chữa sốt xuất huyết
Chuẩn bị: 40gr lá sen, 40gr ngó sen (hoặc cỏ nhọ nồi), 30gr rau má, 20gr hạt mã đề
Cách thực hiện: Đem tất cả các dược liệu bỏ vào trong ấm và sắc lên, bỏ bã lấy nước, chia thành nhiều khẩu phần nhỏ uống trong 1 ngày, mỗi ngày chỉ uống 1 thang. Nếu xuất huyết nhiều thì có thể cân nhắc tham khảo ý kiến bác sĩ để tăng liều lượng của lá và ngó sen lên 60gr, còn các nguyên liệu khác thì vẫn giữ nguyên khối lượng.
6. Bài thuốc điều trị ho ra máu hoặc nôn ra máu
Chuẩn bị: 30gr lá cây sen, 30gr ngó sen, 30gr sinh địa, 20gr trắc bá, 20gr ngải cứu
Cách thực hiện: Đem dược liệu thái nhỏ rồi phơi khô. Sau đó, cho vào ấm sắc lấy nước bỏ bã và dùng hàng ngày, mỗi ngày uống 1 thang.
7. Bài thuốc hỗ trợ điều trị mỡ máu
Chuẩn bị: 3gr lá cây sen, 6gr quyết tử minh
Cách thực hiện: Đem các dược liệu trên sấy khô và xay thành bột mịn, sau đó bạn cho vào bình với 300ml nước, khuấy đều và uống cả ngày.
8. Bài thuốc hỗ trợ giải nhiệt
Chuẩn bị: 10gr lá cây sen, 6gr kim ngân hoa
Cách thực hiện: Sắc hỗn hợp hai dược liệu trên và uống thay trà hàng ngày.
9. Bài thuốc chữa ù tai, hoa mắt
Chuẩn bị: 10gr lá cây sen, 9gr đỗ trọng tươi, 6gr hạch đào nhân
Cách thực hiện: Sao vàng các hỗn hợp trên rồi giã nát các dược liệu. Lấy ấm sắc hỗn hợp, bỏ bã lấy nước, sau đó để bớt nóng và uống ấm.
10. Bài thuốc chữa di tinh
Chuẩn bị: Lá sen khô với liều lượng tùy ý
Cách thực hiện: Đem dược liệu đi nghiền thành bột mịn và đem đi bảo quản. Mỗi lần sử dụng, bạn lấy khoảng 5gr dùng với nước ấm, tần suất dùng 2 lần/ngày vào buổi sáng hoặc buổi tối.
11. Bài thuốc chữa biến chứng sau xuất huyết não
Chuẩn bị: 20gr lá sen, 10gr sinh địa, 10gr mạch môn, 10gr bạch thượt, 10gr tang ký sinh, 12gr cam thảo, 12gr đỗ trọng
Cách thực hiện: Đem hỗn hợp trên sắc với nước, lọc bỏ bã rồi chia thành 2 lần uống mỗi ngày.
12. Bài thuốc chữa chảy máu cam
Chuẩn bị: 15gr lá cây sen, 10gr lá tre, 10gr mộc thông, 5gr liên kiều, 10gr đan bì, 3gr hoàng cầm, 6gr thanh hao, 2gr hoàng liên, 6gr sơn chi, 10gr rễ cỏ tranh
Cách thực hiện: Cho các hỗn hợp vào ấm sắc bỏ bã lấy nước, mỗi ngày chỉ uống 1 thang. Tác dụng của lá sen khô phù hợp với những người muốn điều trị chảy máu cam, hôi miệng, tiểu rắt, đại tiện táo,…
Những người không nên uống nước lá sen
- Phụ nữ đang hành kinh
- Những người mắc huyết áp thấp
- Người đang suy giảm chức năng sinh lý
- Phụ nữ đang có thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú
Lưu ý khi sử dụng lá sen
- Để công dụng của lá sen đạt hiệu quả tốt, bạn nên cân nhắc sử dụng lá cây sen sắc làm trà hoặc thuốc
- Nên uống lá sen sau khi ăn khoảng 30 phút để tránh tác động không tốt tới hệ tiêu hóa khi đang đói
- Lá sen khi sử dụng trong thời gian dài có thể gây giảm cảm giác ham muốn khiến chức năng sinh lý bị ảnh hưởng
- Không sử dụng thay thế cho nước lọc uống hàng ngày, đặc biệt là khi đang sử dụng kèm với các thực phẩm chức năng giảm cân khác
- Không nên dùng lâu dài cho những người thể hàn, nếu gặp các triệu chứng như tim đập nhanh, mệt mỏi, trí nhớ suy giảm,… thì nên ngừng sử dụng
Tóm lại, lá sen từ xa xưa đã được thường xuyên sử dụng làm thảo dược chữa các bệnh về mất ngủ, giải nhiệt, đẹp da, cải thiện tiêu hóa,… Tuy nhiên, nếu đã quyết định dùng lá sen thì bạn nên tìm hiểu kỹ nguồn cung cấp, tránh việc mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng.
[embed-health-tool-bmi]