Bạn đọc hỏi:
Chào bác sĩ, tôi năm nay 33 tuổi, có một đứa con gái nhỏ 9 tuổi. Mỗi khi thời tiết thay đổi cháu hay bị cảm sốt. Tôi nghe nói thanh hao hoa vàng là loại thuốc trị cảm sốt rất tốt. Tuy vậy tôi băn khoăn có thể dùng thanh hao hoa vàng để trị cảm sốt cho trẻ nhỏ được không? Và nếu có thì dùng như thế nào? Mong bác sĩ giải đáp.
Hà Anh (33 tuổi)
Bác sĩ trả lời:
Chào bạn,
Với câu hỏi: “Thanh hao hoa vàng trị cảm sốt cho trẻ được không?“, BS CKI. Võ Thị Nhung (Quân Y Viện 7A) giải đáp như sau:
Thanh hao hoa vàng có tên khoa học là Artemisia annua L. thuộc Họ Cúc (Asteraceae) còn có tên gọi khác là thanh cao hoa vàng, thảo cao, ngải hoa vàng, ngải tiên, ngải si, ngải hôi, ngải mèo, hoàng hoa cao…
Đây là cây sống lâu năm. Mọc hoang thành từng đám ở vùng đồi núi ven suối, ven sông phía Bắc nước ta. Cây cao từ 1,5-2m. Lá xẻ lông chim 2 lần, thành phiến hẹp, phủ lông mềm. Khi vò lá thì có mùi thơm đặc trưng.
Bộ phận dùng làm thuốc là lá thanh hao hoa vàng. Thanh hao hoa vàng được thu hái ở những cây sắp ra hoa, rửa sạch, phơi hoặc sấy ở 30 – 40°C đến khô. Dược liệu đạt tiêu chuẩn có màu vàng nâu hoặc nâu sậm, giòn, dễ vụn nát, mùi thơm hắc đặc biệt, vị đắng, có thể lẫn một ít cành hoặc ngọn non.
Thanh hao hoa vàng là nguồn cung cấp nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học. Trong đó, Artemisinin là thành phần hoạt tính sinh học quan trọng nhất trong thanh hao hoa vàng.
Theo các nghiên cứu của Y học hiện đại cho thấy:
- Hoạt chất artemisinin – thành phần chính của cây thanh hao hoa vàng có tác dụng tiêu diệt nguyên trùng gây bệnh sốt rét trong hồng cầu và ức chế vi nấm gây bệnh ngoài da, hạ huyết áp, giải nhiệt cho cơ thể. Ngoài ra, chất này còn có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ác tính trong bệnh ung thư vú, ung thư bạch cầu.
- Tinh dầu chiết xuất từ lá thanh hao có tác dụng giảm ho, tiêu đờm, làm dịu cơn hen. Thử nghiệm trên chuột trắng thấy có tác dụng lợi mật, bảo vệ và ổn định hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Sử dụng cao nước được bào chế từ thanh hao thoa ngoài da giúp xua đuổi côn trùng, chống muỗi cắn.
Theo Y học cổ truyền, Thanh hao hoa vàng có vị đắng cay, tính lạnh; quy kinh Can, Đởm có tác dụng lương huyết, giải thử, thanh hư nhiệt và ngược tật. Dùng chữa những trường hợp “cốt chưng lao nhiệt” (nóng trong xương, sốt trong bệnh lao, do cơ thể suy nhược), đạo hãn (mồ hôi trộm), ngược tật (sốt rét), lở ngứa. Còn dùng chữa cảm nắng, giúp sự tiêu hóa, lợi gan mật. Dùng riêng hay phối hợp với một số vị thuốc khác.
Thanh hao hoa vàng có trị cảm sốt cho trẻ được không?
Thanh hao hoa vàng có thể dùng để trị cảm sốt cho trẻ em. Thanh hao hoa vàng trị cảm sốt hiệu quả trong trường hợp cảm nắng, trẻ sốt do nắng nóng mùa hè, người nóng, mặt đỏ, khát nước, nhưng ít mồ hôi, lưỡi đỏ, mạch sác. Khi sử dụng thuốc cho trẻ em, tuỳ theo cân nặng, độ tuổi mà liều dùng sẽ chỉ bằng ¼, ⅓, ½ liều dùng của người lớn. Cụ thể, bạn có thể sử dụng thanh hao hoa vàng trong các bài thuốc sau:
- Bài 1 – Thuốc thanh lương điều thử: Thanh hao hoa vàng 6g, liên kiều 6g, bạch biển đậu 6g, bạch phục linh 6g, hoạt thạch 8g, sinh cam thảo 4g, thông thảo 4g, dưa hấu quả 6g. Sắc uống. Trị người phát sốt ra mồ hôi, miệng khát, đầu váng, nhức đầu, mạch hồng hoặc mau, khi nóng nực mới phát.
- Bài 2: Thanh hao hoa vàng 6g, địa cốt bì 6g, tri mẫu 6g, mạch đông 6g, bạch vị 6g. Sắc uống. Trị chứng nhiệt mùa hè phát sốt, miệng khát, đái nhiều, lao phổi, buổi chiều sốt nhẹ.
- Bài 3: Thanh cao tươi 10g, liên tiền thảo tươi 10g. Sắc uống. Trị các chứng nhiệt do oi bức ở trẻ em, miệng khát, tiêu chảy, tiểu tiện ít mà đỏ.
Lưu ý khi dùng vị thuốc Thanh hao hoa vàng
- Không nên sắc lâu khi dùng thuốc sắc. Bệnh nhân có tỳ vị hư hàn như dễ tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi cần lưu ý nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
- Không nên dùng thanh hao cho phụ nữ đang mang thai, vì có thể gây sảy thai với liều cao.
- Những bệnh nhân có chứng rối loạn dạ dày – ruột, hoặc đang dùng thuốc kháng axit, cũng không nên dùng thanh hao, vì có thể làm gia tăng sự sản xuất axit dạ dày.
Trên thực tế, ở trẻ em sốt là triệu chứng của rất nhiều bệnh, phổ biến là các bệnh lý hô hấp như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi…Hoặc các bệnh lý truyền nhiễm có khả năng gây nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, sởi, viêm não- màng não…
Do đó, không nên chủ quan khi trẻ bị sốt mà nên theo dõi sát nhiệt độ của trẻ, các dấu hiệu khác kèm theo như li bì, nôn ói…để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ quan y tế để được thăm khám và điều trị một cách cụ thể.
Trân trọng!
Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]