Bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không, có nguy hiểm không hay viêm mao mạch dị ứng bao lâu thì khỏi… là những câu hỏi được quan tâm nhiều ở những người đã có chẩn đoán mắc phải bệnh lý này.
Để có được câu trả lời cho các thắc mắc trên, mời bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau.
bệnh viêm mao mạch dị ứng có khỏi được không
Bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?
Bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không hay bệnh viêm mao mạch dị ứng có khỏi được không…? Trước khi đi tìm lời đáp cho các thắc mắc này, mời bạn cùng tìm hiểu qua về chứng bệnh viêm mao mạch dị ứng.
Theo các chuyên gia sức khỏe, viêm mao mạch dị ứng là một bệnh tự miễn chưa rõ nguyên nhân khiến cho các mao mạch ở da, khớp, ruột và thận bị viêm và chảy máu. Do đó, bệnh thường có biểu hiện phát ban, xuất hiện các nốt xuất huyết ở tay, chân, nhất là ở quanh hai mắt cá chân, đùi, mông, cánh tay, xuất huyết mao mạch. Căn bệnh này còn có nhiều tên gọi khác như hội chứng viêm mạch/ ban xuất huyết Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ. Ngoài ra, một số người cũng thường gọi đây là bệnh viêm mao mạch dưới da.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi. Khoảng 50% ca bệnh viêm mao mạch dị ứng xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, 75% ca bệnh ở độ tuổi từ 3–10. Tỷ lệ mắc bệnh trong độ tuổi từ 2–16 tuổi là khoảng 2%. Tuy nhiên, bệnh viêm mao mạch dị ứng ở người lớn thường có xu hướng diễn biến nghiêm trọng hơn.
Giải đáp thắc mắc: Viêm mao mạch dị ứng có chữa được không?
Bị bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không hay viêm mao mạch dị ứng bao lâu thì khỏi? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!
Thực tế, với bệnh viêm mao mạch dị ứng hiện vẫn chưa có cách chữa trị đặc hiệu để khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể tự hết trong một vài tháng mà không để lại ảnh hưởng kéo dài, nhất là khi bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ. Người bệnh nên cố gắng nghỉ ngơi, uống nhiều nước và có thể dùng một số thuốc giảm đau để giảm nhẹ triệu chứng.
Việc điều trị chủ yếu tập trung vào làm thuyên giảm triệu chứng, bảo vệ thành mạch, chống dị ứng và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Một số thuốc điều trị viêm mao mạch dị ứng thường được dùng là:
- Paracetamol hay thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid (NSAID) để giảm bớt đau, viêm.
- Corticosteroid (như prednisone, methylprednisolone) có thể giảm nhanh các cơn đau khớp và đau bụng nhưng cần theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Dapsone (100mg/ ngày) có thể mang lại hiệu quả trong một số trường hợp.
Nếu nguyên nhân gây ra hội chứng ban xuất huyết này có liên quan đến dị ứng thì người bệnh nên cố gắng xác định và tránh tiếp xúc với các dị nguyên (tác nhân gây dị ứng), như một số thực phẩm và thuốc. Trường hợp có nhiễm trùng liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc kháng sinh để điều trị.
Với các ca bệnh đi kèm với bệnh thận như viêm cầu thận hay viêm thận, người bệnh có thể cần dùng đến thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide, azathioprine, mycophenolate mofetil. Một số trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định chạy thận nhân tạo để lọc sạch và loại bỏ các chất thải gây hại ra khỏi máu.
Nhìn chung, việc điều trị cần tuân thủ đúng theo phác đồ. Tuyệt đối không tự ý dùng các phương pháp điều trị khác mà không tham vấn ý kiến bác sĩ vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.
Bệnh viêm mao mạch dị ứng có nguy hiểm không?
Hầu hết trường hợp, bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức nhưng các vết ban đỏ xuất huyết trên da có thể gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti. Tuy nhiên, nếu không thăm khám và điều trị đúng cách, các cơ quan khác có thể bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng như đau nhức xương khớp khiến người bệnh khó khăn khi đi lại hay lở loét các tổn thương trên da rồi chuyển sang hoại tử, có thể gây nguy hiểm.
Nhiều người thường thắc mắc: “Bệnh viêm mao mạch dị ứng bao lâu thì khỏi?” Thực tế, các triệu chứng của bệnh thường tự cải thiện trong vòng 1 tháng nhưng cũng rất dễ tái phát. Một số người có thể gặp phải những biến chứng của bệnh ban xuất huyết Schonlein-Henoch này, như:
- Tổn thương thận: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất của căn bệnh này. Nguy cơ gặp phải biến chứng này ở người lớn cao hơn so với trẻ em. Đôi khi, người bệnh bị tổn thương thận nặng đến mức cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
- Tắc ruột: Trong một số ít trường hợp, người bị hội chứng ban xuất huyết cũng có thể bị lồng ruột. Kết quả là thức ăn không di chuyển qua ruột được như bình thường dẫn đến tắc nghẽn, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, có những bệnh nhân gặp phải những vấn đề khác do bệnh lý này gây ra như viêm tinh hoàn, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim… Do đó, trong quá trình điều trị viêm mao mạch dị ứng, người bệnh cần phải thường xuyên theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ.
[embed-health-tool-bmr]