backup og meta

Viêm da tiết bã dùng thuốc gì và chăm sóc da như thế nào cho đúng?

Viêm da tiết bã dùng thuốc gì và chăm sóc da như thế nào cho đúng?

Bị viêm da tiết bã dùng thuốc gì hay cần kết hợp việc chăm sóc da, đầu tóc tại nhà ra sao để giảm nhẹ các triệu chứng là những thắc mắc rất thường gặp. 

Viêm da tiết bã là tình trạng tổn thương da mãn tính không thể điều trị dứt điểm, cần nhiều thời gian để có thể kiểm soát triệu chứng của bệnh. Những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp được các thắc mắc của bạn.

Viêm da tiết bã thường xuất hiện ở đâu?

Ở trẻ em và người lớn, viêm da tiết bã thường xuất hiện ở những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ. Bệnh biểu hiện dưới dạng vảy nhờn dày màu trắng hay vàng trên da đầu ở trẻ sơ sinh, còn được dân gian gọi là “cứt trâu” (cradle cap). Ở người lớn, dấu hiệu thường gặp là các mảng ban đỏ bong tróc, nhờn trên da đầu, nếp gấp ở cánh mũi, tai, lông mày, dưới bầu ngực, rốn, lưng trên hay vùng nếp gấp cơ thể như bẹn, nách…

Căn nguyên của viêm da tiết bã vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, dựa vào đáp ứng của bệnh nhân với các liệu trình điều trị cho thấy tình trạng rối loạn viêm da mãn tính này do nhiều yếu tố, trong đó sự tăng sinh của nấm men chủng malassezia thường trú trên da được xem là tác nhân chính. Với các vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ như kể trên là điều kiện thích hợp để chủng nấm men ưa béo này phát triển và gây ra tình trạng viêm. 

Viêm da tiết bã dùng thuốc gì?

Đối với trẻ nhỏ, viêm da tiết bã sẽ tự khỏi khi trẻ được từ 6 đến 12 tháng tuổi và không tái lại cho đến tuổi dậy thì. Do đó, chỉ cần can thiệp giúp làm giảm các lớp vảy da nếu chúng quá dày hay có nguy cơ gây viêm. Việc gội đầu và vệ sinh thân thể thường xuyên là biện pháp được khuyến cáo ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu của viêm da tăng tiết bã nhờn.

Ngược lại, với người lớn, bệnh này không thể tự khỏi. Việc điều trị giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa nhiễm trùng da, làm giảm sưng ngứa. Trong đó, việc kết hợp dùng thuốc với đảm bảo yếu tố vệ sinh thân thể, đầu tóc, chăm sóc da có thể giúp đạt được hiệu quả điều trị nhanh chóng. 

1. Thực hiện nguyên tắc vệ sinh thân thể, đầu tóc

Viêm da tiết bã dùng thuốc gì? Để có câu trả lời thì trước tiên chúng ta cần biết song song với việc dùng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng bệnh thì việc thực hiện các nguyên tắc vệ sinh thân thể và đầu tóc là hết sức quan trọng. Lưu ý là việc vệ sinh này cần thực hiện thường xuyên và lâu dài trong suốt quá trình điều trị và sau điều trị. 

Đối với trẻ sơ sinh bị viêm da tiết bã

viêm da tiết bã dùng thuốc gì

  • Vệ sinh đầu tóc, thân thể cho trẻ nhũ nhi đúng cách và thường xuyên. 
  • Làm mềm và loại bỏ lớp vảy da trên tóc khi chúng quá dày hoặc khiến trẻ khó chịu bằng cách sau: 
    • Làm mềm da đầu bằng dầu ô liu: Mẹ hãy thoa trực tiếp dầu lên da đầu trẻ và để yên trong khoảng 1 giờ. 
    • Dùng lược hay bàn chải lông mềm để loại bỏ các mảnh vảy da. 
    • Gội đầu lại cho bé với dầu gội dành trẻ sơ sinh. 

Đối với người lớn 

* Đối với da đầu, râu, ria mép 

  • Gội đầu thường xuyên: Nhiều người cho rằng gội đầu nhiều sẽ khiến da đầu khô làm đóng vảy da trên đầu nhiều hơn. Thực tế, việc không gội đầu thường xuyên sẽ làm tuyến bã nhờn tăng tiết và gây tình trạng các mảng bám trên da đầu nặng hơn.
  • Ngưng sử dụng các loại gel, sáp tạo kiểu, đặc biệt là không sử dụng các sản phẩm cho tóc có chứa cồn, vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
  • Làm mềm và loại bỏ lớp vảy da, cặn đóng thành mảng trên đầu. Có thể áp dụng phương pháp vệ sinh cho trẻ sơ sinh như đã đề cập ở trên. Đối với tình trạng bệnh nặng hơn, có thể sử dụng thuốc tiêu sừng như axit salicylic để làm mềm lớp vảy qua đêm và xử lý chúng vào sáng hôm sau.  
  • Vệ sinh râu, ria mép như với tóc hoặc cạo sạch râu và ria mép trong khi mắc bệnh.

* Đối với da mặt và cơ thể 

  • Rửa mặt, tắm rửa thường xuyên.
  • Tránh sử dụng các loại sữa rửa mặt hay xà phòng chứa chất tẩy rửa mạnh. 
  • Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm da (nếu cần) với vùng da quá khô. 
  • Tránh sử dụng các sản phẩm làm sạch hay dưỡng da cho mặt và cơ thể có chứa cồn. Nguyên do là bởi điều này sẽ làm bùng mạnh các triệu chứng bệnh. 
  • Nên mặc quần áo có chất liệu cotton tự nhiên, thông thoáng để tăng cường lưu thông không khí quanh da cũng như giảm kích ứng cho da. 

2. Viêm da tiết bã dùng thuốc gì?

Viêm da tiết bã dùng thuốc gì? Câu trả lời là việc điều trị viêm da tăng tiết bã nhờn ở người lớn là dựa trên nguyên tắc sử dụng các chế phẩm kháng nấm để ngăn ngừa nấm men xâm lấn và kháng viêm tại chỗ cho các vị trí da bị viêm, giảm sưng, đau. 

Đối với da đầu 

viêm da tiết bã dùng thuốc gì

Các trường hợp viêm da tiết bã nhẹ có thể sử dụng các loại dầu gội trị gàu không kê đơn thay thế cho dầu gội thường ngày. Các loại dầu gội trị gàu này nên chứa các thành phần hoạt chất như: 

  • Kẽm pyrithione 1-2%
  • Selenium sulfide 1%
  • Tinh dầu tràm trà
  • Hắc ín (còn gọi là than đá) hay các dẫn xuất của hắc ín: loại này cần tham khảo qua ý kiến của bác sĩ da liễu. 

Viêm da tiết bã dùng thuốc gì? Câu trả lời là đối với da đầu, bạn nên gội đầu mỗi ngày với các dầu gội trị gàu có thành phần nêu trên cho đến khi các triệu chứng của bệnh giảm dần. Lúc này, có thể giảm tần suất sử dụng đến 1-3 lần/1 tuần. 

Lưu ý: Các loại dầu gội trị gàu cần thời gian để phát huy tác dụng, do đó, hãy đọc kỹ khuyến cáo của nhà sản xuất có trên thân chai và tuân thủ khi sử dụng để đạt được hiệu quả tốt nhất. Các trường hợp tình trạng bị viêm da tiết bã trong thời gian dài, bác sĩ có thể kê đơn các loại dầu gội chứa thành phần kháng nấm như: ketoconazole 2% hay ciclopirox 1%. 

Dầu gội đầu chứa chất kháng nấm được khuyến khích sử dụng hằng ngày hoặc ít nhất 2-3 lần/tuần trong vài tuần, đến khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm. Sau đó, bạn cần duy trì việc sử dụng các loại dầu gội này 1 lần/tuần để ngăn ngừa viêm da tiết bã tái phát.

Đối với tình trạng viêm da trung bình nặng, bác sĩ chuyên khoa da liễu có thể xem xét việc sử dụng corticosteroid tại chỗ như: 

  • Fluocinolone 0,01% dạng dung dịch hay dầu gội đầu. 
  • Betamethasone valerate 0,12% dạng bọt (foam). 
  • Liệu pháp dầu kết hợp gội clobetasol 0,05% 2 lần/tuần xen kẽ với dầu gội ketoconazole 2% 2 lần/tuần và duy trì với dầu gội ketoconazole 2% sau khi giảm triệu chứng cấp tính.

Đối với mặt và cơ thể 

viêm da tiết bã dùng thuốc gì

Viêm da tiết bã dùng thuốc gì? Đối với viêm da tiết bã ở mặt và cơ thể, câu trả lời cho câu hỏi này là việc sử dụng thuốc kháng nấm dùng ngoài, corticosteroid tác dụng tại chỗ và chất ức chế calcineurin là những liệu pháp chính. 

  • Da mặt: 
    • Kem Ketoconazole 2% dùng 1-2 lần mỗi ngày.
    • Kem Hydrocortisone 1% 1-2 lần mỗi ngày đến khi da hết ngứa và viêm đỏ.
    • Kem Ciclopirox 1% làm giảm triệu chứng và điều trị duy trì. 
    • Lotion Sodium sulfacetamide 10% cũng có hiệu quả điều trị.
  • Da trên thân người:
    • Sử dụng các loại sữa tắm chứa kẽm pyrithione 2%.
    • Bôi kem ketoconazole 2% và hoặc corticosteroid dạng kem, lotion, solution 1-2 lần mỗi ngày.
    • Tắm rửa với Benzoyl peroxide cũng hiệu quả.
    • Chú ý nên rửa sạch sau dùng thuốc vì những thuốc trên có tính tẩy làm bay màu quần áo/drap giường.
    • Dưỡng ẩm ở những vùng da dùng thuốc nếu da quá khô.

Thuốc kháng nấm dùng ngoài được ưu tiên sử dụng do có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ và chi phí hợp lý khi sử dụng lâu dài. Corticosteroid và chất ức chế calcineurin được xem là lựa chọn thứ hai, được cân nhắc sử dụng khi xuất hiện đợt bùng phát cấp tính. 

Các chất ức chế calcineurin như tacrolimus hay pimecrolimus có hiệu quả tương đương các thuốc kháng nấm và corticosteroid tại chỗ nhưng tác dụng phụ ít hơn so với corticosteroid tại chỗ. Chúng được dùng thay thế các trường hợp không thể sử dụng corticosteroid hay phải sử dụng trong thời gian dài. 

Đối với trường hợp không đáp ứng điều trị 

Số ít trường hợp viêm da tiết bã không thuyên giảm khi áp dụng các liệu pháp điều trị ngoài da đơn lẻ kể trên, liệu trình bác sĩ da liễu tiếp tục cần dựa vào chẩn đoán và đáp ứng tiếp theo của người bệnh. Việc điều trị thường được sắp xếp theo thứ tự tăng dần tác dụng phụ: 

  • Kết hợp các phương pháp thông thường: dầu gội trị gàu, thuốc kháng nấm và corticosteroid tại chỗ. 
  • Sử dụng corticosteroid tại chỗ trong thời gian ngắn (giới hạn 2 tuần để hạn chế tác dụng phụ của thuốc), nếu các triệu chứng thuyên giảm trước 2 tuần, bạn cần ngừng thuốc. Ngoài ra, bạn cần áp dụng các liệu pháp hỗ trợ: sử dụng dầu gội trị gàu, thuốc chống nấm ngoài da hoặc kết hợp. 
  • Liệu pháp Isotretinoin với liều khởi đầu là 0,1-0,3mg/kg cân nặng mỗi ngày và sau đó duy trì liều thấp 5-10mg/ngày khi triệu chứng suy giảm. Tuy nhiên, isotretinoin có tác dụng phụ rất nguy hiểm mà điển hình là gây quái thai, liệu pháp này cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và hướng dẫn sử dụng. 

Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu bùng phát viêm da tiết bã, bệnh lan rộng hay không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp cho phép tại nhà, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác và được hướng dẫn liệu pháp điều trị thích hợp. 

Hello Bacsi hy vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài đã giải đáp được cho bạn thắc mắc viêm da tiết bã dùng thuốc gì.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diagnosis and Treatment of Seborrheic Dermatitis 

https://www.aafp.org/afp/2015/0201/p185.html  Ngày truy cập 03/8/2021 

Seborrheic dermatitis 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/seborrheic-dermatitis/symptoms-causes/syc-20352710  Ngày truy cập 03/8/2021

Seborrhoeic dermatitis https://dermnetnz.org/topics/seborrhoeic-dermatitis/ Ngày truy cập 03/8/2021 

Seborrheic Dermatitis and Crib Cap 

https://www.healthline.com/health/skin/seborrheic-dermatitis Ngày truy cập 03/8/2021 

Seborrheic Dermatitis https://www.medicinenet.com/seborrheic_dermatitis/article.htm 

Ngày truy cập 03/8/2021 

Phiên bản hiện tại

10/08/2021

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Những loại dầu gội đầu dành cho người bị viêm da tiết bã


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 10/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo