Không chỉ trong độ tuổi dậy thì, mụn vẫn có thể xuất hiện ở người trưởng thành sau 20 tuổi. Một trong những dạng mụn thường gặp ở giai đoạn này là mụn trứng cá dạng nang. Để có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả tình trạng này, bạn nên tìm hiểu những thông tin sau đây.
Để điều trị mụn hiệu quả và tránh hình thành sẹo, thâm mụn, bạn sẽ cần lưu ý những điều nên tránh trong quá trình điều trị và cách chăm sóc giúp da nhanh hồi phục.
Mụn trứng cá dạng nang là gì?
Cũng như các loại mụn trứng cá khác, lỗ chân lông bị tắc nghẽn chính là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá dạng nang. Đây là loại mụn nặng nhất trong các loại mụn trứng cá.
Mụn trứng cá dạng nang hình thành khi vi khuẩn gây nhiễm trùng sâu trong da, khiến da bạn nổi mẩn đỏ, sưng và có mủ. Nốt mụn sẽ khiến bạn ngứa và đau. Khi chúng vỡ ra, chúng sẽ gây nhiễm khuẩn đến vùng da xung quanh, khiến mụn nổi nhiều hơn.
Bạn không nên nặn mụn trứng cá dạng nang vì sự nứt vỡ cấu trúc da khi nốt mụn vỡ sẽ khiến da bạn bị nhiễm trùng như khi bị phỏng. Thậm chí nó còn có thể khiến da bị sẹo vĩnh viễn.
Bạn thường sẽ bị mụn trứng cá dạng nang trong giai đoạn dậy thì và những năm đầu của tuổi 20. Khi đó, không chỉ mặt mà ngực, lưng và cả vai cũng có thể bị mụn. Tuy nhiên, những người không ở độ tuổi nguy cơ cao vẫn có khả năng gặp phải loại mụn này. Dù mới 8 tuổi hay đã 60 tuổi, bạn vẫn có thể bị mụn trứng cá dạng nang.
Loại mụn này thường xuất hiện ở nửa dưới khuôn mặt và tình trạng mụn trứng cá ở nam giới thường nặng hơn phụ nữ.
Nguyên nhân nào gây ra mụn trứng cá dạng nang?
Nguyên nhân thông thường dẫn đến tình trạng mụn nói chung là do các lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Đôi khi, sự thay đổi nội tiết tố (hormone) trong cơ thể cũng là một nguyên nhân. Tình trạng mụn trứng cá ở tuổi dậy thì cũng là do cơ thể tiết ra nhiều hormone androgen. Hormone này sẽ gây ảnh hưởng đến các tuyến dầu trên da và khiến da tiết ra nhiều dầu hơn. Lượng dầu dư thừa này kích thích vi khuẩn trên da bạn hoạt động và khiến da dễ bị nhiễm trùng .
Ngoài ra, tình trạng này còn làm dày niêm mạc lỗ chân lông khiến bụi bẩn và vi khuẩn trong lỗ chân lông không được rửa trôi khi bạn rửa mặt. Ở người lớn, nội tiết tố thay đổi khi phụ nữ đến chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, mãn kinh hay khi họ bị một hội chứng rối loạn gọi là hội chứng buồng trứng đa nang.
Testosteron ở nam giới cũng là một loại hormone gây ảnh hưởng đến tuyến dầu, kích thích da tiết dầu gây ra mụn trứng cá.
Một nguyên nhân khác của mụn là do di truyền. Nếu bố mẹ bạn đều bị mụn thì bạn cũng có nguy cơ bị mụn cao.
Ngoài ra, những nguyên nhân khác gây mụn trứng cá dạng nang là:
- Sử dụng các mỹ phẩm có thành phần gây bít lỗ chân lông;
- Một số loại thuốc chẳng hạn như steroid, lithium (dùng trong điều trị trầm cảm và rối loạn lưỡng cực) cũng như một số loại thuốc chống động kinh;
- Đeo các phụ kiện đè lên da, ví dụ như băng-đô đeo trước trán hay ba lô;
- Hút thuốc lá.
Điều trị mụn trứng cá dạng nang như thế nào?
Đối với mụn trứng cá dạng nang, thường xuyên rửa mặt hay sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không mang lại hiệu quả. Những loại thuốc bán không kê toa có thể có hiệu quả với mụn trứng cá thông thường, còn với mụn trứng cá dạng nang, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách.
Các bác sĩ thường sẽ khuyên bạn thực hiện những điều sau đây:
- Uống thuốc kháng sinh để kiểm soát vi khuẩn và sự viêm nhiễm. Tuy nhiên, kháng sinh có thể có hiệu quả hoặc không có hiệu quả đối với mụn trứng cá dạng nang.
- Uống thuốc ngừa thai để kiểm soát hormone. Chuyên gia cho biết biện pháp này có thể kéo dài đến 6 tháng nếu cần thiết.
- Sử dụng các loại kem, nước rửa mặt chứa retinoid – một dạng của vitamin A giúp thông thoáng lỗ chân lông để thuốc kháng sinh phát huy công dụng;
- Dùng Isotretinoin để điều trị tình trạng mụn năng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu về cách sử dụng loại thuốc này vì những tác dụng phụ nguy hiểm của nó. Thuốc này không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ có thai.
- Dùng Spironolactone để ức chế hormone, nhưng nó sẽ gây lợi tiểu đối với cơ thể bạn.
Kiểm soát và ngăn ngừa mụn trứng cá dạng nang
Chúng ta thường khó cưỡng lại cảm giác muốn sờ hoặc nặn các nốt mụn, nhưng bạn hãy cố gắng đừng làm vậy để tránh khiến sự nhiễm trùng đi sâu hơn vào da và lan rộng ra.
Kiểm soát căng thẳng cũng là một trong những cách giúp bạn tránh mụn. Stress và hormone có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau và chúng thường sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng mụn của bạn.
Ngoài ra, bạn nên ngủ đủ giấc và thường xuyên tập thể dục cũng như duy trì một chế độ ăn lành mạnh, tránh những thực phẩm nhiều đường và nhiều chất béo.
Da luôn cần hấp thụ một chút ánh nắng mặt trời nhưng nếu bạn để da phơi nắng quá lâu, nắng sẽ gây nên những tổn hại nghiêm trọng cho da. Thêm vào đó, một số loại thuốc bạn sử dụng trong quá trình điều trị mụn cũng sẽ khiến da bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng. Vì vậy, bạn hãy cố gắng tránh nắng vào thời điểm giữa trưa và luôn nhớ phải thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài.
Thống kê cho thấy, khoảng 80% tình trạng mụn sẽ xảy ra ở độ tuổi từ 11 đến 30, do đó hãy luôn chú ý chăm sóc và bảo vệ làn da ngay cả khi đã qua tuổi dậy thì bạn nhé!