backup og meta

Uốn tóc có hại không? Nên uốn tóc bao nhiêu lần 1 năm?

Uốn tóc có hại không? Nên uốn tóc bao nhiêu lần 1 năm?

Uốn tóc là nhu cầu làm đẹp chính đáng của nhiều chị em. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp khiến tóc trở nên yếu hơn, khô xơ, gãy rụng… sau khi uốn. Vậy hóa chất uốn tóc là gì? Uốn tóc có hại không?

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc uốn tóc có bị ảnh hưởng gì không, từ đó có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng mái tóc.

Uốn tóc là gì?

Năm 1909, Charles Nessler đã nộp bằng sáng chế đến Văn phòng Bằng sáng chế Vương quốc Anh cho “Quy trình mới hoặc cải tiến để uốn tóc tự nhiên trên đầu”. Kể từ đó, máy uốn tóc đã trở thành một vật phẩm không thể thiếu của các nhà tạo mẫu tóc trên khắp thế giới.

Uốn tóc là phương pháp sử dụng máy uốn và hóa chất cùng các kỹ thuật tạo kiểu để giúp mái tóc trở nên bồng bềnh, gợn sóng. Kiểu tóc uốn phù hợp với khuôn mặt, màu da, vóc dáng sẽ càng khiến bạn thêm phần tự tin và phong cách. 

Mái tóc được cấu thành bởi protein keratin, dầu tự nhiên và các liên kết hydro. Những người có loại tóc và kiểu tóc khác nhau sẽ có số lượng và cách sắp xếp các thành phần này khác nhau. Khi bạn uốn tóc, nhiệt độ và hóa chất sẽ phá vỡ các liên kết hydro của tóc, làm mất đi lượng dầu và protein tự nhiên. Điều này làm thay đổi kết cấu tóc, cho phép bạn tạo kiểu theo ý muốn.

Uốn tóc có hại không

Hóa chất uốn tóc là gì?

Có 2 loại hóa chất uốn tóc phổ biến là glycerol monothioglycolate có tính axit và ammonium thioglycolate có tính kiềm. Hóa chất có tính kiềm thường được sử dụng cho tóc thô và chắc khỏe. Trong khi đó, hóa chất uốn tóc có tính axit thường nhẹ hơn nên được sử dụng cho các loại tóc mềm mại, mỏng manh hơn.

Có nên uốn tóc không?

Uốn là phương pháp dùng nhiệt và hóa chất phá vỡ cấu trúc ban đầu của tóc. Vì thế bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng tóc yếu hơn, nếu không chăm sóc tốt còn dẫn đến tình trạng tóc khô xơ, gãy rụng. Để xác định có nên uốn tóc không bạn cần cân nhắc rõ về mục đích, nhu cầu và tính thẩm mỹ cũng như trả lời được 3 câu hỏi sau:

Tóc của bạn có đủ khỏe mạnh để uốn hay không?

Nếu trước đó tóc của bạn đang hư tổn do uốn, nhuộm, thường xuyên gãy rụng thì bạn nên dưỡng tóc thật khỏe trước khi uốn tóc trở lại. Bởi vì khi tóc yếu và có nhiều khuyết điểm thì việc uốn tóc không chỉ không có được mái tóc đẹp như ý muốn mà còn khiến tình trạng hư tổn của mái tóc trầm trọng hơn.

Uốn tóc có hại không

Tóc của bạn có co giãn tốt hay không?

Để kiểm tra độ co giãn, bạn hãy lấy 1 sợi tóc nhúng vào nước, sau đó kéo giãn sợi tóc. Nếu tóc có độ đàn hồi, có thể kéo dãn được một chút và trở về trạng thái ban đầu thì chứng tỏ mái tóc của bạn đủ khỏe, đủ ẩm, đủ protein và hoàn toàn có thể uốn tóc, tạo kiểu như ý thích. Ngược lại, tóc đứt, không co giãn được chứng tỏ tóc của bạn yếu, cần được phục hồi trước khi sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào để uốn tóc. 

Tóc của bạn có độ thấm hút không?

Xác định được độ thấm hút của tóc là điều rất quan trọng trước khi quyết định có nên uốn tóc hay không. Thông thường thời gian ngấm thuốc uốn tóc sẽ tỷ lệ thuận với khả năng thấm hút của sợi tóc. Tức là thời gian càng ngắn chứng tỏ tóc bạn càng khỏe và phù hợp để uốn tóc. 

Tuy nhiên để xác định được độ thấm hút của tóc cần đến sự tư vấn và kiểm tra của các chuyên gia tạo mẫu tóc chuyên nghiệp. Chính vì thế, khi quyết định có nên uốn tóc không bạn hãy chọn những cơ sở làm tóc uy tín, chuyên nghiệp để được tư vấn thật kỹ nhé!

Uốn tóc có hại không

Uốn tóc có hại không?

Nếu bạn mong muốn thay đổi phong cách, thích một mái tóc bồng bềnh, gợn sóng mà không mất quá nhiều thời gian tạo kiểu mỗi ngày thì uốn tóc là lựa chọn phù hợp. Nhưng để xác định uốn tóc hay uốn đuôi tóc có hại không và hại như thế nào cần phải xem xét đến thành phần của loại hóa chất đó và cách mà bạn tiếp xúc với hóa chất có đủ khả năng để gây ra tổn hại hay không?

Uốn tóc ảnh hưởng đến sức khỏe

Dưới đây là những thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe có trong thuốc uốn tóc:

Cồn (isopropyl), ammonium thioglycolate hoặc glycerol monothioglycolate, acid boric, perborate hoặc borate, bromates, hydrogen peroxide, sodium hydroxide: Những thành phần này có thể gây kích ứng cho mắt, mũi, họng và phổi, viêm da, là nguyên nhân gây dị ứng, hen suyễn, tác động lên hệ thần kinh trung ương, kích ứng nghiêm trọng đối với miệng, họng và dạ dày nếu nuốt phải.

Khi uốn tóc, những hóa chất này  rất dễ dính vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào liều lượng trong từng sản phẩm, thời gian tiếp xúc và các yếu tố khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng phản ứng với một chất hóa học, một số người lập tức gặp vấn đề sức khỏe ngay sau khi tiếp xúc với hóa chất nhưng một số thì lại không.
Vậy thuốc uốn tóc dính vào da có sao không? Câu trả lời là có! Hóa chất uốn tóc có thể gây kích ứng da và viêm da với các triệu chứng như đỏ, ngứa, khô da, phát ban ở khu vực tiếp xúc với hóa chất và thường thấy nhất là ở trên tay và cánh tay.

Vì vậy, bạn cần luôn cẩn thận khi uốn tóc. Việc trang bị dụng cụ bảo vệ, đeo khẩu trang để ngăn phần nào mùi hóa chất cũng là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe. 

Các nghiên cứu đã cho thấy một số hóa chất trong thuốc uốn tóc thậm chí có thể gây ung thư cho thợ làm tóc và thợ cắt tóc – những người tiếp xúc với chúng trong một khoảng thời gian dài.

Uốn tóc ảnh hưởng trực tiếp đến tóc và da đầu

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, hóa chất uốn tóc còn có thể gây ra một số ảnh hưởng trực tiếp đến mái tóc và da đầu, cụ thể như sau: 

Tóc dễ hư tổn

Khi uốn, nhiệt độ và hóa chất loại bỏ độ ẩm tự nhiên của tóc, khiến cấu trúc tóc thay đổi. Nếu không được chăm sóc đúng cách sau đó, tóc sẽ trở nên khô yếu và gãy rụng. 

Tổn thương da đầu

Khi vô tình tiếp xúc với hóa chất uốn tóc, một số người có cơ địa nhạy cảm dễ dị ứng sẽ gặp kích ứng khiến da đầu đỏ rát, ngứa ngáy, suy giảm chức năng của tóc và da đầu. 

Vậy uốn tóc có hại không? Câu trả lời là có! Tuy nhiên, việc này cũng không quá nguy hiểm và chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh và hạn chế những tổn hại như sau:

  • Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe: Không dùng tay chạm vào hóa chất uốn; Không ăn uống trong quá trình uốn tóc; Bảo vệ mắt, mũi, miệng bằng cách luôn đeo khẩu trang và kính bảo vệ trong suốt thời gian uốn tóc. 
  • Để tránh ảnh hưởng đến tóc và da đầu: Dưỡng tóc đủ khỏe trước khi uốn, kiên trì chăm sóc và phục hồi tóc sau khi uốn để giữ độ ẩm, giữ nếp uốn, giúp tóc luôn bồng bềnh, khỏe đẹp.

Nên uốn tóc bao nhiêu lần 1 năm?

Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này. Điều đó phụ thuộc nhiều vào tình trạng tóc thực tế của bạn và đề kháng của cơ thể với hóa chất. Để biết chính xác mình nên uốn tóc bao nhiêu lần 1 năm, bạn nên đến tận nơi để tham vấn ý kiến của bác sĩ và các chuyên gia nhé!

Cách chăm sóc tóc sau uốn để hạn chế hư tổn

Uốn tóc có hại không

Để duy trì mái tóc uốn khỏe đẹp, bạn có thể áp dụng những cách sau đây:

– Làm sạch và gội kỹ phần luôn cả phần da đầu thay vì chỉ gội tóc. Điều này sẽ giúp loại bỏ tế bào chết và bụi bẩn tốt hơn, giúp tóc khỏe đẹp từ gốc đến ngọn.

– Sử dụng dầu xả sau khi gội có thể cải thiện đáng kể vẻ ngoài của tóc bằng cách tăng độ bóng, giảm tĩnh điện, cải thiện độ chắc khỏe và bảo vệ tóc khỏi các tia UV có hại. Lưu ý: Bạn chỉ nên dùng dầu xả cho phần ngọn tóc, tuyệt đối không dùng lên da đầu.

– Nếu bạn là người thích bơi lội hãy luôn đội nón bơi để bảo vệ tóc trước các hóa chất từ hồ bơi nhé!

Hy vọng những thông tin hữu ích về việc uốn tóc có bị ảnh hưởng gì không, uốn tóc có hại không và hại như thế nào đã giúp bạn có được câu trả lời cho riêng mình về việc có nên uốn tóc hay không. Chúc bạn có được mái tóc khỏe, đẹp!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How does a perm work?

https://www.yalescientific.org/2010/04/everyday-qa-how-does-a-perm-work/ 

Ngày truy cập: 27/01/2024

How Does Heat Both Straighten and Curl Hair?

https://www.wonderopolis.org/wonder/How-Does-Heat-Both-Straighten-and-Curl-Hair

Ngày truy cập: 27/01/2024

The chemistry of perming & rebonding

https://is.muni.cz/el/1431/podzim2013/C3804/The_chemistry_of_perming___rebonding.pdf

Ngày truy cập: 27/01/2024

Làm sao để xác định có nên uốn tóc không

https://bazaarvietnam.com/co-nen-uon-toc-khong/

Ngày truy cập: 27/01/2024

Permanent waving

https://www.barbercosmo.ca.gov/forms_pubs/permwav_lfs11.pdf

Ngày truy cập: 27/01/2024

Mechanisms of impairment in hair and scalp induced by hair dyeing and perming and potential interventions

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10232955/

Ngày truy cập: 27/01/2024

Tips for healthy hair

https://www.aad.org/tips-healthy-hair

Ngày truy cập: 27/01/2024

Phiên bản hiện tại

30/01/2024

Tác giả: Thu Hiền

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Top 5 viên uống đẹp da tóc móng dành cho người tóc rụng, móng tay yếu

Rụng tóc thiếu chất gì? Hiểu để bổ sung đầy đủ


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 30/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo