backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những bài tập hữu ích sau phẫu thuật phổi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ngọc Trâm · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    Những bài tập hữu ích sau phẫu thuật phổi

    Những bài tập hữu ích sau phẫu thuật phổi sẽ giúp bạn giảm bớt các cơn đau và đẩy nhanh quá trình hồi phục.

    Sau phẫu thuật phổi, bác sĩ thường khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của một nhà vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi sau phẫu thuật. Để phục hồi nhanh và tốt hơn, bạn nên đi lại hay hoạt động sau khi tỉnh lại. Điều này sẽ giúp kiểm soát cơn đau. Sau đây là một số bài tập giúp bạn khỏe mạnh hơn.

    Duy trì tư thế

    Sau phẫu thuật, cơ thể bạn có xu hướng nghiêng người về bên phẫu thuật. Điều này sẽ làm co thắt cơ, gây đau và khó chịu. Bạn có thể nhìn vào gương để thực hiện ở đúng tư thế hay nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình. Việc điều chỉnh lại tư thế có thể khiến bạn không thoải mái, nhưng cảm giác này sẽ dần cải thiện.

    Đi bộ và hít thở sâu

    Bạn có thể ngăn ngừa các biến chứng bằng cách đi bộ nhẹ nhàng sau khi phẫu thuật, vì đi bộ khiến cho bạn thở sâu hơn và mở rộng phổi. Những cơn ho nhẹ còn giúp bạn loại bỏ bất kỳ chất dư thừa hay độc tố nào ra khỏi phổi. Điều này giúp bạn ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhà vật lý trị liệu sẽ tư vấn cho bạn về cách tăng cường đi bộ khi bạn đang nằm viện và tiếp tục khi bạn về nhà. Sau đây là một số lời khuyên về việc hít thở sâu:

    • Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng;
    • Đặt bàn tay của bạn lên vùng bụng phía dưới ngực. Bàn tay của bạn sẽ cảm thấy như đây là phần trên của quả bóng được thổi phồng. Bây giờ, hãy thở ra bằng miệng một cách chậm rãi;
    • Đặt hai bàn tay của bạn lên hai bên ngực. Khi bạn hít thở sâu, cố gắng đưa hai bàn tay mở rộng ra từ mỗi bên. Sau đó, thở ra bằng miệng một cách chậm rãi.

    Sau khi hít thở sâu, bạn có thể ho khi cần thiết. Bạn không nên ho quá sức vì điều này sẽ dễ gây đau ở vùng phẫu thuật.

    Bài tập cho phần cánh tay

    Bạn có thể cảm thấy cứng hoặc bị giới hạn vận động ở quanh lồng ngực. Để kiểm soát vấn đề này, bạn nên thực hiện các bài tập cánh tay theo hướng dẫn của nhà vật lý trị liệu. Những bài tập này có thể bao gồm:

    • Uốn vai: Đưa cánh tay của bạn về trước, hướng về phía trần nhà và giữ trong 10 giây, sau đó hạ xuống dần dần. Bạn hãy lưu ý không cố gắng quá sức. Nâng cánh tay cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái và không đau;
    • Dang vai: Ở bài tập này, từ vị trí 2 tay duỗi thẳng , nâng dần dần 2 cánh tay đến khi 2 cánh tay nằm ngang vai;
    • Uốn bên: Bắt đầu với tư thế thả lỏng cả hai tay ở mỗi bên của cơ thể. Từ từ nghiêng sang một bên với một cánh tay để về phía chân. Nghiêng sang phía đối diện với bên phẫu thuật để cảm nhận sức căng về phía đó;
    • Kéo giãn: Bạn ngồi vững trên một chiếc ghế và cầm một chiếc gậy hay một chiếc khăn. Sau đó, từ từ nâng chiếc gậy hay khăn lên và để tay càng thẳng càng tốt. Bạn nên dừng nâng lên nếu cảm thấy đau.

    Bạn nên thực hiện những bài tập này mỗi buổi sáng và ban đêm, thực hiện mỗi động tác ít nhất 3 lần, giữ mỗi động tác ít nhất 10 giây. Bạn sẽ thấy được sự cải thiện trong vòng 4–6 tuần. Bạn cần tránh nâng những vật nặng hơn 4 kg trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật phổi.

    Tập thể dục đúng cách không chỉ giúp bạn hồi phục sau phẫu thuật phổi mà còn tăng cường sức khỏe. Hy vọng với những gợi ý trên, bạn có thêm nhiều lựa chọn cho mình.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Ngọc Trâm · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo