backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tìm hiểu sâu liệu pháp insulin với người bị tiểu đường

Tham vấn y khoa: Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam · Hội Nội tiết · Đái tháo đường Việt Nam (VADE)


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 26/12/2023

    Tìm hiểu sâu liệu pháp insulin với người bị tiểu đường

    Liệu pháp insulin là một phần quan trọng trong điều trị tiểu đường [2]. Thế nhưng, liệu pháp insulin là gì? Insulin tác động đến bệnh tiểu đường như thế nào? Tất cả những băn khoăn này sẽ được đề cập trong bài viết sau đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi dành vài phút theo dõi nhé!

    Insulin tác động như thế nào tới bệnh tiểu đường? [1]

    liệu pháp insulin với người bị tiểu đường

    Insulin là một loại hormone ở tuyến tụy, 1 tuyến nhỏ nằm ở sau dạ dày. Insulin có tác dụng giúp cơ thể chuyển hóa glucose (một loại đường có trong nhiều loại carbohydrate) thành năng lượng. 

    Cụ thể, sau khi bạn dùng bữa, hệ tiêu hóa sẽ bẻ gãy và biến đổi các phần tử carbohydrate thành glucose. Sau đó, glucose sẽ được hấp thụ vào máu thông qua niêm mạc ruột non. Khi glucose đã ngấm vào máu, insulin sẽ “báo hiệu” cho các tế bào trên khắp cơ thể hấp thụ lượng đường này để tạo ra năng lượng.

    Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) xuất hiện khi cơ thể không sử dụng insulin một cách hợp lý hoặc không sản xuất đủ liều lượng cần thiết. Có hai loại tiểu đường thường gặp: tiểu đường típ 1 tiểu đường típ 2.

    Tiểu đường típ 1 là một bệnh lý tự miễn (autoimmune disease) do cơ thể không còn sản xuất ra insulin. Tiểu đường típ 1 xảy ra khi hệ miễn dịch đã phá hủy toàn bộ các tế bào sản xuất insulin có trong tuyến tụy. Loại tiểu đường này thường phổ biến ở những người trẻ tuổi, tuy nhiên nó vẫn có thể xuất hiện ở cả những người lớn.

    Không giống như tiểu đường típ 1, nguyên nhân chính gây ra tiểu đường típ 2 là do giảm sự đáp ứng của cơ thể với insulin (hiện tượng kháng insulin). Ở bệnh tiểu đường típ 2, cơ thể bạn trở nên đề kháng với tác dụng của insulin. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ cần nhiều insulin hơn để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường. Sau nhiều năm sản xuất quá mức, các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy có thể bị “hỏng” và không thể sản xuất đủ insulin mà cơ thể cần. 

    Liệu pháp insulin có thể được dùng để điều trị cho cả 2 loại tiểu đường. Việc tiêm thêm insulin sẽ đóng vai trò như 1 sự thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên mà cơ thể sản xuất. Đối với tiểu đường típ 1 (đái tháo đường típ 1), do cơ thể không thể tự sản xuất nên insulin nên bạn phải dùng liệu pháp insulin để kiểm soát mức đường huyết.

    Còn với tiểu đường típ 2, bạn có thể kiểm soát mức đường huyết bằng cách uống thuốc và thay đổi lối sống. Tuy nhiên, nếu những phương pháp điều trị này không thể giúp kiểm soát mức đường huyết, bạn có thể sẽ cần dùng thêm liệu pháp insulin để duy trì mức đường huyết ở mức an toàn.

    Phân loại liệu pháp insulin trong điều trị đái tháo đường típ 2

    liệu pháp insulin với người bị tiểu đường

    Bình thường, cơ thể cần một lượng insulin nhất định để kiểm soát đường huyết ở mức bình thường (1 IU/kg/ngày), trong đó 50% là insulin nền, 50% là insulin nhanh vào các bữa ăn.

    • Vai trò của insulin nền: Giữa các bữa ăn hoặc lúc đi ngủ, mức đường huyết sẽ xuống thấp nhưng tụy vẫn tiết ra một lượng nhỏ insulin để kiểm soát việc cung cấp đường được dự trữ ở gan cho các cơ quan sử dụng. Việc này giữ mức đường huyết nằm trong mức bình thường.
    • Vai trò của insulin bữa ăn: Sau khi ăn các thức ăn có đường và tinh bột (cơm, bún, khoai, trái cây, nước uống có đường…) vào cơ thể, đường sẽ tăng cao trong máu. Lúc này, tụy tiết insulin để đưa đường vào các cơ quan sử dụng. Lượng đường còn dư sẽ được dự trữ ở gan. Điều này giúp đường huyết không tăng cao sau ăn. [9]

    Theo đó, liệu pháp insulin trong điều trị típ 2 có thể được phân thành 2 loại:

    Liệu pháp insulin nền [7], [8], [3]

    Liệu pháp insulin nền thường được chỉ định cho bệnh nhân có đường máu cao hơn mức mục tiêu, mặc dù bệnh nhân đã được dùng phối hợp các loại thuốc viên hạ đường huyết đường uống với liều tối đa. Liệu pháp này thường sử dụng insulin nền kết hợp với viên uống trước đó (1 hoặc 2 hoặc 3 liều tối đa).

    Thời gian tác dụng của insulin nền cũng khá đa dạng từ vài giờ cho đến vài chục giờ, tuỳ thuộc vào loại mà bạn tiêm:

    • Insulin có tác dụng trung bình: thường được tiêm 2 lần mỗi ngày, bắt đầu có tác dụng từ 1-3 giờ sau khi tiêm và đạt hiệu quả tối đa sau 4-10 giờ. Tác dụng sau tiêm thông thường có thể kéo dài đến 10-16 giờ đồng hồ liên tục.
    • Insulin có tác dụng kéo dài: liều sử dụng từ 1-2 lần/ngày tuỳ theo loại insulin nền, tác dụng có thể thấy được sau vài giờ và hiệu quả kéo dài lên đến 20-24 giờ sau tiêm.

    Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng một số loại insulin nền có thể gây nguy cơ hạ đường huyết và tăng cân. Vì thế, bạn nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được liều dùng phù hợp với tình trạng của cơ thể.

    Liệu pháp insulin tích cực [3], [4]

    Liệu pháp insulin tích cực thường được chỉ định sau khi sử dụng liệu pháp insulin nền nhưng đường huyết sau một hoặc nhiều bữa ăn không kiểm soát theo khuyến cáo. Với liệu pháp này, bác sĩ có thể cho bạn dùng insulin nền kết hợp với insulin theo bữa ăn (các loại insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng ngắn) để ngăn kiểm soát lượng đường huyết sau bữa ăn. 

    Ưu điểm của liệu pháp này là đảm bảo kiểm soát chỉ số đường huyết tốt hơn. Từ đó, giúp người mắc đái tháo đường có thể điều chỉnh thời gian ăn uống và lượng tinh bột nạp vào cơ thể linh hoạt hơn. Tuy nhiên, áp dụng phương pháp này cũng đồng nghĩa với người bệnh cần phải tiêm nhiều mũi tiêm hơn trong ngày. 

    Quá trình tiêm insulin [5], [6]

    Cách xử lý và phòng tránh dùng insulin quá liều

    Liệu pháp insulin được tiêm dưới da và bác sĩ có thể hướng dẫn cách tiêm cho bạn. Bạn có thể tiêm insulin dưới da ở vùng bụng, vùng cơ delta cánh tay, hoặc vùng đùi. Tuyệt đối không tiên insulin trong bán kính 5cm tính từ rốn. Bạn nên đổi vị trí tiêm để tránh hiện tượng chai da.

    Lượng insulin cần tiêm mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, mức độ vận động thể chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Một vài bệnh nhân chỉ cần tiêm insulin 1 lần một ngày trong khi những người khác lại cần từ 3 đến 4 lần. Bác sĩ cũng có thể kết hợp sử dụng insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng kéo dài nếu cần.

    Tác dụng phụ của liệu pháp insulin

    nho khô là loại trái cây khô phổ biến

    Chứng hạ đường huyết, một dạng phản ứng khi tiêm insulin, có thể xảy ra ở những bệnh nhân điều trị tiểu đường bằng liệu pháp insulin [5]. Hạ đường huyết xảy ra khi mức đường huyết thấp bất thường, nhỏ hơn 70mg/dL [10].

    Khi bạn tiêm insulin, cần đảm bảo cân bằng chúng với các loại thực phẩm hoặc lượng calo đưa vào cơ thể. Nếu bạn vận động quá nhiều hoặc không tiêu thụ đủ lượng thực phẩm thì lượng đường huyết có thể sụt giảm nghiêm trọng và gây ra phản ứng này [1]. Các nguyên nhân khác gây hạ đường huyết bao gồm dùng thuốc (ví dụ như quinine); uống quá nhiều rượu; có bệnh lý về gan, thận; bướu sản xuất quá nhiều insulin [10].

    Các dấu hiệu cho thấy bạn bị hạ đường huyết bao gồm [10]:

    • Run rẩy
    • Bồn chồn hoặc lo lắng, buồn rầu
    • Ra mồ hôi, ớn lạnh và rịn mồ hôi
    • Cáu kỉnh hoặc nổi nóng, tức giận
    • Rối loạn, bao gồm mê sảng
    • Nhịp tim nhanh hơn bình thường
    • Chóng mặt, đau đầu
    • Đói bụng và buồn nôn
    • Buồn ngủ
    • Mắt mờ, giảm thị lực
    • Đau nhói hoặc tê ở môi, lưỡi
    • Gặp ác mộng hoặc khóc trong khi ngủ
    • Co giật, ngất xỉu
    • Bất tỉnh, hôn mê

    Để ngăn những ảnh hưởng của phản ứng khi tiêm insulin, bạn cần mang theo bên mình ít nhất 15g các loại carbohydrate tác dụng nhanh (theo Học viện bác sĩ gia đình Hoa Kỳ), ví dụ như [8]:

    • Nửa lon nước ngọt không phải loại ăn kiêng
    • Nửa ly nước ép trái cây
    • 1 muỗng cà phê mật ong
    • 5-6 viên kẹo cung cấp đường tức thì
    • 2 thìa súp nho khô
    • 1 muỗng cà phê đường cát

    Liệu pháp insulin có thể giúp bạn giữ đường huyết ở mức an toàn và làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường như mù hay cắt cụt chi (đoạn chi). Ngoài ra, bạn cần theo dõi mức đường huyết thường xuyên và thực hiện những thay đổi trong lối sống để ngăn mức đường trong máu tăng quá cao.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam

    Hội Nội tiết · Đái tháo đường Việt Nam (VADE)


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 26/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo