backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Hiểu đúng về cơ chế tái tạo máu và nguyên tắc truyền máu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương · Huyết học · Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 27/04/2023

    Hiểu đúng về cơ chế tái tạo máu và nguyên tắc truyền máu

    Mỗi một nhóm máu có những đặc điểm riêng, máu có thể bị phá hủy nếu truyền không đúng nhóm máu tương thích. Vì thế, việc nắm vững nguyên tắc truyền máu là điều bắt buộc. Chỉ cần một sai sót nhỏ, đôi khi chúng ta phải đánh đổi bằng cả mạng sống của người được nhận máu.

    Mỗi ngày có rất nhiều bệnh nhân cần được truyền máu. Cho – nhận máu thực ra là một quy trình đơn giản nếu bạn nắm được những kiến thức trong bài viết này.

    Cơ chế sản xuất máu của cơ thể

    Cơ thể chúng ta liên tục tái tạo và bổ sung máu cho cơ thể. Trung bình sau mỗi 120 ngày, tế bào hồng cầu sẽ chết đi, bị lách tiêu hủy và tủy xương sẽ sản sinh ra tế bào máu mới để thay thế.

    Máu được hiến tặng chỉ có thể sử dụng tốt nhất trong vòng 42 ngày. Với tuổi thọ ngắn như vậy nên nhu cầu được hiến tặng máu không bao giờ là đủ.

    Chính vì vậy, bạn nên tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo nhằm mục đích tăng thêm lượng máu dự trữ cho quốc gia và tạo điều kiện cho máu của mình được tái tạo một cách tốt nhất.

    Thành phần cơ bản của tế bào máu

    Máu có 2 thành phần:

    • Huyết tương: là phần chất lỏng, mang chất dinh dưỡng
    • Các tế bào máu: gồm hồng cầu (mang oxy đi khắp cơ thể), tiểu cầu (giúp đông máu), kết tủa lạnh (giúp đông máu), bạch cầu (làm nhiệm vụ miễn dịch chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể) và một số yếu tố khác.

    Việc truyền máu có thể là máu toàn phần, chỉ truyền kết tủa lạnh, huyết tương, tiểu cầu hoặc hồng cầu.

    Nguyên tắc truyền máu

    nguyên tắc truyền máu là gì

    Có nhiều yếu tố quyết định tới nguyên tắc truyền máu. Để đảm bảo an toàn trong quá trình truyền máu, thông thường phải tuân thủ những điều sau:

    Nhóm máu ABO

    Nguyên tắc an toàn trong truyền máu tốt nhất là truyền cùng nhóm máu. Ví dụ nhóm máu O truyền cho người có nhóm máu O, nhóm máu A được truyền cho người có nhóm máu A,… Việc truyền cùng nhóm máu để tránh phản ứng truyền máu (được đề cập ở phần dưới bài viết) xảy ra, gây nguy hiểm cho người nhận.

    Tuy nhiên, nếu bạn có nhóm máu O, bạn chỉ được nhận hồng cầu từ nhóm máu O, nhưng bạn có thể hiến tế bào hồng cầu cho tất cả các nhóm còn lại. Điều này chỉ được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như người bị chảy máu nghiêm trọng cận kề cái chết, không có thời gian để xét nghiệm hoặc trường hợp không có hồng cầu cùng nhóm với người nhận.

    Nếu bạn có nhóm máu A, bạn không thể nhận được tế bào hồng cầu loại B hoặc AB.

    Nếu bạn có nhóm máu B, bạn không thể nhận được các tế bào hồng cầu loại A hoặc AB.

    Nếu bạn có nhóm máu AB, bạn có thể nhận được tế bào hồng cầu của cả 4 nhóm máu.

    Yếu tố Rh

    Máu có thể có Rh dương tính hoặc âm tính, tùy thuộc vào việc tế bào hồng cầu có kháng nguyên Rh trên bề mặt hay không. Kí hiệu (-) và (+) bên cạnh ABO chính là chỉ việc không có và có yếu tố Rh này.

    Nếu bạn có nhóm máu Rh(+), bạn được truyền hồng cầu có Rh(+) hoặc (-) đều được. Thế nhưng người có nhóm máu Rh(-) chỉ nhận được tế bào hồng cầu có Rh(-) mà thôi.

    Nếu truyền máu Rh(+) cho người máu Rh(-) sẽ gây ra phản ứng truyền máu. Đặc biệt, nếu người mẹ có nhóm máu Rh(-) mang thai em bé có máu Rh(+) thì kháng thể chống Rh của người mẹ có thể tấn công máu thai nhi và gây các triệu chứng tán huyết. Tình trạng tán huyết có thể diễn tiến nặng hơn ở lần mang thai sau của người mẹ, có thể gây sẩy thai.

    Các kháng nguyên khác

    Trong nguyên tắc truyền máu phải xem xét cả tới các yếu tố này. Có những kháng nguyên khác trên các tế bào hồng cầu có thể dẫn đến phản ứng truyền máu. Đây là những trường hợp hiếm gặp vì cơ thể người không tạo ra kháng thể chống lại các kháng nguyên đó, trừ khi đã được truyền máu từ trước.

    Nguyên tắc truyền máu khi truyền huyết tương, tiểu cầu, kết tủa lạnh và nhóm máu

    Việc truyền huyết tương cũng cần xem xét tới nhóm máu của người cho. Tuy nhiên, quy tắc lại không giống với truyền máu toàn phần. Người mang nhóm máu AB hiến được huyết tương nhiều nhất, cho tất cả các nhóm máu khác được, nhưng họ chỉ nhận được huyết tương nhóm AB.

    Việc truyền tiểu cầu và kết tủa lạnh, không cần thiết phải xem xét nhóm máu của người cho và nhận, trừ khi tiểu cầu cần truyền có thể còn sót lại một ít tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ cần thiết nếu người bệnh từng được truyền máu nhiều lần trước đây hoặc có tiền sử phản ứng truyền máu.

    Kháng thể và phản ứng chéo

    Sau khi phân loại máu, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm sàng lọc kháng thể để xem huyết tương của người bệnh có kháng thể nào khác ngoài kháng thể chống lại A, B và Rh hay không. Bởi máu của người hiến tặng có thể không hoàn toàn khớp với người nhận, mặc dù họ có cùng nhóm ABO và Rh.

    Ngoài việc xác định nhóm máu của người cho và người nhận, cần làm phản ứng chéo: Trộn hồng cầu của người cho với huyết thanh của người nhận và ngược lại, trộn hồng cầu của người nhận với huyết thanh của người cho. Nếu không có hiện tượng ngưng kết hồng cầu (kết tủa) thì máu đó mới được truyền cho người nhận.

    Nếu truyền máu không phù hợp thì có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng cho người nhận máu. Vì vậy quá trình cho nhận máu phải đảm bảo theo đúng các nguyên tắc truyền máu đã được quy định.

    Rủi ro khi không tuân thủ đúng nguyên tắc truyền máu

    rủi ro khi không làm đúng nguyên tắc truyền máu

    Nếu truyền nhầm nhóm máu, phản ứng truyền máu sẽ xảy ra sớm trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm truyền.

    Đây là phản ứng tan máu cấp tính với các triệu chứng:

    • Sưng nóng tại chỗ truyền máu
    • Ớn lạnh
    • Sốt
    • Đau lưng
    • Đau hai bên mạn sườn.

    Lúc này, hồng cầu của máu truyền vào bị phá hủy ngay trong lòng mạch. Các triệu chứng sẽ xảy ra đồng loạt, đưa bệnh nhân vào tình trạng sốc và nhanh chóng tử vong.

    Trên đây là những thông tin cần biết về nguyên tắc khi truyền máu mà bạn cần nắm rõ. Những điều trên có thể giúp ích cho bản thân cũng như người nhà bạn khi cần phải truyền máu trong những trường hợp cần thiết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương

    Huyết học · Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 27/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo