backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Những lưu ý dành cho người bị cao huyết áp và thoái hóa khớp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 18/06/2021

    Những lưu ý dành cho người bị cao huyết áp và thoái hóa khớp

    Thoái hóa khớp là một bệnh lý khớp mạn tính phổ biến trong đó phần sụn khớp bị mòn đi, khiến hai đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng đau, cứng và các triệu chứng khác (1).

    Ngoài ra, tăng huyết áp và thoái hóa khớp thường xuất hiện cùng nhau. Khoảng 40% người bệnh thoái hóa khớp có kèm tăng huyết áp (2).

    Việc điều trị thoái hóa khớp ở bệnh nhân tăng huyết áp là một thách thức đối với bác sĩ do các tác dụng phụ từ thuốc giảm đau, đặc biệt là thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) (3).

    Vậy các thuốc NSAIDs có ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp và làm thế nào để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc lên huyết áp? Mời bạn tham khảo bài viết sau nhé.

    Các thuốc NSAIDs ảnh hưởng lên huyết áp như thế nào?

    thuốc nsaid và huyết áp
    Ảnh – Shutterstock: 1655028976

    Tất cả các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) đều có thể làm tăng huyết áp ở những người có huyết áp cao hoặc ổn định (4). Thuốc NSAIDs có tác dụng ức chế men cyclooxygenase (COX), gồm hai loại là COX-1 và COX-2. COX-1 có sẵn trong đường tiêu hóa và các cơ quan khác, trong khi COX-2 chỉ xuất hiện khi xảy ra viêm. (5)

    Việc ức chế men COX-2 sẽ làm ngăn cản quá trình bài tiết natri khỏi cơ thể, dẫn đến tình trạng tăng giữ natri. Ngoài ra, NSAIDs còn có thể ảnh hưởng đến một số chất trong cơ thể và dẫn đến co các mạch máu (6).

    Cả hai cơ chế này của thuốc NSAIDs sẽ góp phần làm tăng huyết áp, dù ở người có huyết áp bình thường hoặc tăng huyết áp đã được kiểm soát (6).

    Tác dụng lên tim mạch của NSAIDs có thể nhiều hơn ở một nhóm bệnh nhân nhất định so với những bệnh nhân khác. Bệnh nhân có tiền sử bệnh tim hoặc rối loạn chức năng tâm thất trái sẽ có nguy cơ cao bị phù nề và các triệu chứng suy tim do tình trạng ứ nước và muối trong cơ thể khi sử dụng NSAIDs. Tác dụng làm tăng huyết áp của NSAIDs có vẻ mạnh hơn ở các bệnh nhân đã bị tăng huyết áp. (3)

    Bên cạnh hệ tim mạch, thuốc NSAIDs cũng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa nếu sử dụng liều lớn trong thời gian dài (7). Các tác dụng phụ của thuốc có thể dao động từ nhẹ đến nặng, như khó tiêu, loét dạ dày và tá tràng, các tình trạng khác có thể khiến người bệnh nhập viện hoặc nguy hiểm đến tính mạng (5).

    Các thuốc điều trị tăng huyết áp và thoái hóa khớp có tương tác với nhau không?

    Không chỉ làm tăng huyết áp của người bệnh, các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) còn tương tác với một số thuốc trị tăng huyết áp, có thể làm đảo ngược hoặc giảm tác dụng của các thuốc này (3).

    Tuy nhiên, mức độ tương tác giữa các thuốc NSAIDs và thuốc trị tăng huyết áp sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng loại thuốc cụ thể (8). Chẳng hạn, một loại thuốc hạ huyết áp là thuốc chẹn beta nếu dùng chung với NSAIDs có thể gây tăng đáng kể huyết áp động mạch trung bình ở tư thế nằm. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy một loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác là thuốc chẹn kênh canxi lại ít bị NSAIDs ảnh hưởng hơn. (8)

    Vậy tôi nên làm gì nếu bị cao huyết áp và thoái hóa khớp?

    Như đã đề cập ở trên, tất cả các thuốc NSAIDs (cổ điển – không chọn lọc và ức chế chọn lọc COX-2) đều có khả năng gây tăng huyết áp (4). Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và cho thấy các ảnh hưởng của các thuốc NSAIDs lên huyết áp không giống nhau. Một số thuốc ít ảnh hưởng lên huyết áp so với các thuốc NSAIDs khác (13), trong khi một số loại thuốc ức chế COX-2 lại chống chỉ định ở bệnh nhân có huyết áp trên 140/90 mmHg hoặc không ổn định (12). Vì vậy, ngoài việc hỏi ý kiến bác sĩ, bạn cũng cần đọc kỹ thông tin tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc trước khi dùng.

    Điều quan trọng là bạn nên thông báo cho bác sĩ biết nếu có huyết áp cao hoặc tiền sử tim mạch để bác sĩ chỉ định loại thuốc ít tác dụng phụ lên huyết áp. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống cũng giúp bạn kiểm soát huyết áp hiệu quả ở những người đã bị tăng huyết áp, bao gồm (10):

  • Giảm cân nếu bạn thừa cân
  • Thường xuyên tập thể dục
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm sữa ít béo. Ngoài ra, tránh ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa hoặc cholesterol có thể giúp giảm huyết áp tới 11mmHg nếu bạn bị huyết áp cao
  • Giảm lượng muối nạp vào cơ thể để tránh ứ nước trong cơ thể
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Cai thuốc lá
  • Hạn chế dùng caffeine
  • Kiểm soát căng thẳng
  • Đo huyết áp hàng ngày và tái khám đúng hẹn. (10)
  • Ngoài ra, bạn nên dùng thuốc NSAIDs cùng với thức ăn, sữa hoặc thuốc kháng acid để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc lên đường tiêu hóa (11). Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình dùng thuốc, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể lựa chọn một loại thuốc NSAIDs ít tác dụng lên cả huyết áp, tim mạch và đường tiêu hóa cho bạn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 18/06/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo