backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cách trị vảy nến bằng dầu và tinh dầu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 17/12/2019

    Cách trị vảy nến bằng dầu và tinh dầu

    Vảy nến là bệnh mãn tính. Cách trị vảy nến hiện nay chỉ có thể giúp làm giảm các triệu chứng cũng như ngăn bệnh bùng phát. Điều đó nghĩa là thuốc hay các liệu pháp y tế đôi khi vẫn không đủ cho người bệnh. Vì vậy, dầu và tinh dầu được xem như biện pháp bổ sung hiệu quả cho điều trị vảy nến.

    Vảy nến là căn bệnh tự miễn dịch, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể thay vì nhắm vào tác nhân có hại tấn công cơ thể thì lại tập trung vào tấn công các tế bào da. Sau đó, da sẽ tái tạo các tế bào nhanh hơn bình thường, dẫn đến hình thành các mảng bám đặc trưng trên da của người bệnh.

    Trị vảy nến bằng dầu và tinh dầu

    Bên cạnh các loại thuốc bôi ngoài da, dầu và các loại tinh dầu rất được nhiều người lựa chọn để điều trị vảy nến. Một số loại dầu và tinh dầu phổ biến là:

    1. Tinh dầu

    Ngứa ngáy, khó chịu mỗi ngày là tình trạng da phổ biến của bệnh vảy nến, chúng có thể bùng phát bất cứ lúc nào và để lại sự khó chịu cho người bệnh. Điều trị tình trạng này có rất nhiều hình thức như dùng thuốc, liệu pháp ánh sáng hay tinh dầu.

    Tinh dầu được sử dụng bằng cách bỏ vào máy xông để khuếch tán mùi hương vào không khí. Nếu muốn thoa trực tiếp lên da, tinh dầu cần được pha loãng với dầu nền trước khi sử dụng. Tuyệt đối không bôi tinh dầu nguyên chất lên da vì sẽ làm cho da bị kích ứng.

    Ngày nay, tinh dầu được sử dụng rất nhiều trong việc điều trị bệnh, trong đó có cả bệnh vảy nến. Nhưng bạn chỉ nên sử dụng chúng như một liệu pháp bổ sung cho điều trị. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp xác định xem loại tinh dầu nào phù hợp với bạn.

    Bạn có thể tìm hiểu: Các phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh vảy nến tại nhà

    2. Dầu dừa

    cách trị vảy nến

    Dầu dừa không được coi là tinh dầu. Song nó có đặc tính kháng viêm và giúp giảm đau cho bệnh nhân vảy nến. Dầu dừa cũng là sản phẩm nhẹ nhàng và lành tính cho da nên thường được khuyến nghị sử dụng cho điều trị vảy nến da đầu. Ngoài ra, dầu dừa còn giúp giữ ẩm cho da giúp vết vảy không bị khô, bong tróc gây đau đớn.

    Khi sử dụng độc lập, dầu dừa không gây ra bất kì tác dụng phụ nào. Dầu dừa cũng thường xuyên được dùng làm dầu nền cho các loại tinh dầu khi muốn sử dụng trực tiếp lên da.

    Do lành tính và ít tác dụng phụ, dầu dừa thậm chí còn được dùng trong thực phẩm và chế biến món ăn. Tuy nhiên, khi dầu dừa đã được pha với tinh dầu, bạn tuyệt đối không được bỏ nó vào thức ăn.

    Dầu dừa có rất nhiều cách sử dụng. Hãy thử ăn tối đa 2 thìa dầu dừa nguyên chất mỗi ngày, các chất acid lauric trong dầu dừa sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể. Bạn cũng có thể thoa dầu dừa nguyên chất lên các vùng da bị ảnh hưởng bởi vảy nến. Tác dụng của dầu dừa sẽ hiệu quả hơn khi bạn thoa lên da sau khi tắm.

    Nếu bạn bị đau, ngứa hoặc gặp các triệu chứng bất thường nào sau khi sử dụng dầu dừa, hãy ngừng sử dụng và nói chuyện với bác sĩ.

    3. Tinh dầu trà xanh

    Tinh dầu trà xanh có nguồn gốc từ cây tràm trà mọc phổ biến ở Úc. Tinh dầu trà được cho là có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm rất tốt. Nó được dùng để hỗ trợ cho chức năng miễn dịch của cơ thể.

    Khi ngứa và muốn gãi vào vị trí vết vảy, bạn có thể dùng tinh dầu trà xanh bôi trực tiếp lên để tránh nhiễm trùng và gây viêm thêm cho vết thương. Tuy nhiên, không nên sử dụng quá nhiều loại tinh dầu này, vì nó sẽ làm khô da và khiến bệnh vảy nến nghiêm trọng hơn.

    Không có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào xác nhận hoặc phủ nhận hiệu quả của tinh dầu cây trà đối với bệnh vảy nến. Kích ứng da và dị ứng là không thể tránh khỏi khi bạn sử dụng tinh dầu trà xanh. Vì vậy, bạn nên kiểm tra chúng trên vùng da nhỏ ở cổ tay trước khi bôi lên vùng da rộng hơn.

    Tinh dầu trà cũng xuất hiện rất nhiều trong các sản phẩm chăm sóc hàng ngày như dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da…

    4. Dầu thầu dầu

    Dầu thầu dầu không phải là tinh dầu, nhưng nó thường được sử dụng để làm dầu nền cho tinh dầu.

    Dầu thầu dầu cũng được xem là chất làm mềm tự nhiên giúp làm mềm da, tăng tốc độ chữa lành và giữ ẩm cho những vùng da khô, bong tróc.

    Bôi dầu thầu dầu trực tiếp lên da giúp loại bỏ độc tố, cải thiện chức năng miễn dịch bằng cách tăng số lượng tế bào lympho trong cơ thể.

    Dầu thầu dầu cũng có tác dụng phụ. Do đó, cách trị vảy nến bằng dầu thầu dầu không dùng được cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Những câu hỏi thường gặp về bệnh vảy nến khi mang thai

    5. Tinh dầu oải hương (Lavender)

    Tinh dầu oải hương là một trong những loại tinh dầu được nghiên cứu nhiều nhất. Nó thường được sử dụng cho nhiều tình trạng khác nhau bao gồm trầy xước, đau đầu và đau cơ. Tinh dầu oải hương thậm chí đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm, chống lại các vi khuẩn khác nhau khi các loại thuốc truyền thống đã thất bại.

    Nếu bạn đang bị căng thẳng, hãy cân nhắc việc bôi tinh dầu oải hương pha loãng lên thái dương. Việc làm này giúp làm dịu tâm trí, giảm bớt căng thẳng do bệnh vảy nến gây nên. Tinh dầu oải hương cũng làm giảm ngứa khi trộn với kem dưỡng da và thoa lên da.

    Phụ nữ có thai và cho con bú, những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh sử dụng tinh dầu hoa oải hương. Sử dụng quá nhiều tinh dầu này sẽ dẫn đến buồn nôn, nôn và đau đầu.

    6. Tinh dầu phong lữ

    Tinh dầu phong lữ giúp cải thiện tuần hoàn, giảm viêm và giảm căng thẳng. Nó cũng thúc đẩy sự tăng trưởng và tái tạo các tế bào khỏe mạnh.

    Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ nhỏ khi thoa tinh dầu pha loãng này lên da. Vì vậy, cần kiểm tra kích ứng trên da trước khi sử dụng.

    Tinh dầu phong lữ có khả năng làm chậm hoặc ngừng lưu thông máu. Hãy thận trọng khi sử dụng nếu bạn bị huyết áp cao hoặc mắc các bệnh tim mạch.

    Trộn tối đa 5 giọt tinh dầu phong lữ với dầu nền. Bôi hỗn hợp này vào các khu vực bị ảnh hưởng 2 lần mỗi ngày cho đến khi thấy sự cải thiện.

    7. Tinh dầu bạc hà

    cách trị vảy nến

    Tinh dầu bạc hà có tác dụng giảm các triệu chứng ngứa và đau trong bệnh vảy nến. Có khoảng 25 loài bạc hà với hơn 600 giống khác nhau. Bất kể bạn sử dụng loại tinh dầu bạc hà từ loài nào cũng đem đến kết quả tương tự nhau.

    Với liều lượng nhỏ, bạc hà không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, vẫn có một vài phản ứng dị ứng nhẹ xảy ra. Bạn nên cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng bất thường sau khi sử dụng.

    Cách sử dụng là kết hợp một cốc nước với 5-7 giọt tinh dầu bạc hà bỏ vào trong một chai xịt. Xịt trực tiếp lên vùng da bị tổn thương để làm dịu cơn đau và ngứa.

    8. Dầu hạt thì là đen (Black seed oil)

    Với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, dầu hạt thì là đen rất có ích cho người bệnh khi đối mặt với một loạt vấn đề về da, từ bệnh vảy nến đến những bệnh da liễu khác gây ra bởi ký sinh trùng.

    Dầu thì là đen giúp làm dịu, kháng viêm đồng thời đẩy nhanh quá trình chữa lành da. Ngoài ra, nó còn có công dụng dưỡng ẩm, làm giảm độ dày lớp vảy trên da người bệnh.

    Hạt thì là đen làm chậm quá trình đông máu và hạ huyết áp. Do vậy, những người bị rối loạn đông máu, tiểu đường hoặc huyết áp thấp nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng. Phụ nữ có thai cũng nên tránh sử dụng dầu hạt thì là đen.

    Bạn có thể thoa dầu hạt thì là đen trực tiếp lên da hoặc trộn nó với một loại tinh dầu khác trước khi sử dụng.

    Các yếu tố rủi ro khi sử dụng dầu và tinh dầu

    Luôn luôn nghiên cứu loại dầu, tinh dầu mà bạn dự định sử dụng trước khi thêm nó vào kế hoạch điều trị. Mỗi loại dầu, tinh dầu đều đi kèm với tác dụng phụ và tương tác riêng của nó.

    Mặc dù đây là các chất tự nhiên, nhưng vẫn có loại có tác dụng rất mạnh. Vì lý do này, chúng nên được đối xử như thuốc và được sử dụng cẩn thận.

    Tinh dầu thường không được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Một số loại còn gây tương tác với các thuốc hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước sử dụng chúng trong việc điều trị bệnh vảy nến.

    Cách trị vảy nến thông thường

    Có 3 hình thức điều trị bệnh vảy nến:

  • Các phương pháp điều trị tại chỗ: bao gồm thuốc bôi ngoài da, dầu gội đầu… trong đó thuốc bôi chứa corticoid được sử dụng nhiều nhất.
  • Liệu pháp ánh sáng cực tím (UV) còn được gọi là liệu pháp quang học.
  • Thuốc kê toa dùng đường uống hoặc tiêm.
  • Các loại thuốc trị vảy nến được kê toa bao gồm:

    • Methotrexate
    • Retinoids
    • Cyclosporine
    • Các chế phẩmsinh học như etanercept, adalimumab và Infliximab

    Điều trị tại chỗ thường thích hợp cho bệnh vảy nến nhẹ, liệu pháp quang học cho những người bệnh vảy nến vừa phải và kê đơn thuốc điều trị đối với bệnh vảy nến nặng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 17/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo