backup og meta

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị ra sao? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu chung

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là bệnh gì?

Bệnh bạch cầu (hay còn gọi là bệnh ung thư máu) là tình trạng các tế bào bạch cầu tăng đột biến gây ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh. Tế bào ung thư bạch cầu bắt đầu trong tủy xương nhưng sau đó đi vào máu.

Tủy xương là mô xốp ở trung tâm của xương. Các tế bào máu hình thành và phát triển trong tủy và sau đó di chuyển vào trong máu. Bạch cầu có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại ngoại vật xâm nhập (đề kháng).

Bệnh bạch cầu là gì?

Bệnh bạch cầu là một loại bệnh ung thư bắt đầu từ các tế bào tạo máu trong tủy xương. Khi những tế bào tạo máu này phát triển nhanh quá mức chúng sẽ trở thành tế bào ung thư. Các tế bào ung thư sẽ không tự chết đi mà sẽ đi từ tủy ra mạch máu, làm tăng lượng bạch cầu trong máu nên còn được gọi là bệnh bạch cầu. Khi các tế bào ung thư này đến các bộ phận khác trong cơ thể, chúng sẽ làm các bộ phận này hoạt động bất bình thường.

Phân loại bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu được phân chia tùy theo loại tế bào máu và mức độ phát triển của tế bào ung thư.

  • Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho

Ở bệnh bạch cầu mãn tính, các tế bào bị ung thư là tế bào đã trưởng thành, dù tế bào gần như bình thường nhưng thực tế chúng vẫn mang bệnh. Tế bào bạch cầu ung thư không có khả năng phòng chống lại bệnh. Những tế bào này không chết đi mà sẽ tích tụ trong cơ thể, lấn áp tế bào khỏe mạnh. Bệnh thường phát triển chậm hơn so với các loại ung thư máu cấp tính nhưng lại khó chữa hơn.

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là tình trạng là một loại ung thư máu và tủy xương – mô xốp bên trong xương, nơi tạo ra các tế bào máu. Bệnh thường tiến triển chậm hơn các loại bệnh bạch cầu khác. Các tế bào bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này là một nhóm tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho, giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng.

bệnh bạch cầu mãn tính

Những ai thường mắc phải bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho?

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là loại phổ biến nhất của bệnh bạch cầu. Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Bệnh nhân thường lớn hơn 60 tuổi. Bệnh thường xảy ra ờ nữ giới nhiều hơn nam giới.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là luôn thấy không khỏe và cực kỳ mệt mỏi do hệ miễn dịch giảm xuống. Lượng hồng cầu hoặc tiểu cầu khỏe mạnh thấp gây suy nhược do thiếu máu. Bạn cũng có thể bị chảy máu cam, bầm tím, các bệnh xuất huyết khác.

Dấu hiệu ban đầu thường là hạch bạch huyết sưng to hoặc mắc bệnh truyền nhiễm tái phát liên tục do hệ miễn dịch bị suy yếu. Các triệu chứng khác trong giai đoạn bệnh tiến triển nặng hơn là khó thở, sụt cân, đau ở phần trên bên trái của bụng, đau khớp và sưng đi kèm sốt cao.

dấu hiệu bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu gặp một trong những triệu chứng kể trên. Trong trường hợp bị sốt, đau bụng ở vùng trên bên trái do kích thước lá lách huyết to lên, hoặc chảy máu (từ nướu răng), bạn nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là gì?

Nguyên nhân của bệnh bạch cầu lympho mãn tính vẫn chưa được tìm ra. Có điều gì đó xảy ra gây đột biến gen trong ADN của các tế bào tạo máu. Đột biến này làm cho các tế bào máu sản sinh ra các tế bào lympho bất thường, hoạt động kém hiệu quả.

Ngoài việc không có hiệu quả, các tế bào lympho bất thường này tiếp tục sống và nhân lên, khi các tế bào lympho bình thường sẽ chết. Các tế bào lympho bất thường tích tụ trong máu và một số cơ quan, nơi chúng gây ra các biến chứng. Chúng có thể chèn ép các tế bào khỏe mạnh ra khỏi tủy xương và cản trở quá trình sản xuất tế bào máu bình thường.

Các bác sĩ và nhà nghiên cứu đang làm việc để tìm hiểu cơ chế chính xác gây ra bệnh bạch cầu lympho mãn tính.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu lympho mãn tính bao gồm:

  • Tuổi tác: Bệnh này xảy ra thường xuyên nhất ở người lớn tuổi. Trung bình, những người được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lympho mãn tính ở độ tuổi 70.
  • Chủng tộc: Người da trắng có nhiều khả năng phát triển bệnh bạch cầu lympho mãn tính hơn những người thuộc các chủng tộc khác.
  • Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu lympho mãn tính hoặc các bệnh ung thư máu và tủy xương khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Một số loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu, bao gồm cả chất độc màu da cam được sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho?

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho thường được phát hiện qua xét nghiệm máu. Nếu bạn có quá nhiều tế bào bạch cầu, sưng hạch hoặc lá lách to (lá lách tạo ra và lưu trữ tế bào máu), bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn bị bệnh bạch cầu. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nhiều xét nghiệm máu, sinh thiết tủy, chụp X-quang ngực, và chụp cắt lớp để xác định các giai đoạn của bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho.

chẩn đoán bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho?

Nếu không xuất hiện triệu chứng hoặc trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể không cần điều trị nhưng bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe bạn cẩn thận.

Nếu bạn đã có triệu chứng của bệnh bạch cầu, bạn sẽ thực hiện hóa trị. Tuy nhiên, hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, loét miệng, sức khỏe kém, chảy máu, nguy cơ nhiễm trùng cao, và các bệnh ung thư khác. Liệu pháp xạ trị ở lá lách và mô bạch huyết có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của ung thư.

Nếu bạn còn trẻ và đạt các tiêu chuẩn có thể cấy ghép tủy xương, bác sĩ sẽ đề nghị cấy ghép tủy cho bạn. Việc cấy ghép sẽ thay thế tủy xương bệnh bằng tủy khỏe mạnh. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được thực hiện để trị bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho do hầu hết bệnh nhân đều là người cao tuổi.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho?

Bạn có thể kiểm soát tốt bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho nếu bạn lưu ý vài điều sau:

  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Tích cực hoạt động như tập thể dục nhẹ, mát-xa hay tập yoga để giảm mệt mỏi do thiếu máu gây ra
  • Thường xuyên khám và xét nghiệm định kỳ để theo dõi biến chứng và tiến triển của bệnh
  • Tránh bị ngoại thương gây chảy máu
  • Tránh dùng sản phẩm từ sữa, trái cây tươi và rau quả sau khi hóa trị
  • Không sử dụng aspirin hay các sản phẩm có chứa aspirin mà không có sự cho phép của bác sĩ
  • Ăn thức ăn nấu chín
  • Tiêm vắc xin để phòng bệnh truyền nhiễm do đề kháng yếu.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ferri, Fred. Ferri’s Netter Patient Advisor. Philadelphia, PA: Saunders / Elsevier, 2012. Bản tải về

Porter, R. S., Kaplan, J. L., Homeier, B. P., & Albert, R. K. (2009). The Merck manual home health handbook. Whitehouse Station, NJ, Merck Research Laboratories. Trang 1060

Chronic lymphocytic leukemia. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-lymphocytic-leukemia/symptoms-causes/syc-20352428. Ngày truy cập: 05/07/2021

What Is Chronic Lymphocytic Leukemia? https://www.cancer.org/cancer/chronic-lymphocytic-leukemia/about/what-is-cll.html. Ngày truy cập: 05/07/2021

Chronic Lymphocytic Leukemia Treatment (PDQ®)–Patient Version. https://www.cancer.gov/types/leukemia/patient/cll-treatment-pdq. Ngày truy cập: 05/07/2021

Chronic lymphocytic leukaemia (CLL). https://www.leukaemia.org.au/blood-cancer-information/types-of-blood-cancer/leukaemia/chronic-lymphocytic-leukaemia/. Ngày truy cập: 05/07/2021

Chronic lymphocytic leukemia (CLL). https://www.lls.org/leukemia/chronic-lymphocytic-leukemia. Ngày truy cập: 05/07/2021

Chronic lymphocytic leukaemia. https://www.nhs.uk/conditions/chronic-lymphocytic-leukaemia/. Ngày truy cập: 08/12/2023

Chronic Lymphocytic Leukemia (CLL). https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6210-chronic-lymphocytic-leukemia. Ngày truy cập: 08/12/2023

Chronic Lymphocytic Leukemia. https://medlineplus.gov/chroniclymphocyticleukemia.html. Ngày truy cập: 08/12/2023

Chronic Lymphocytic Leukemia. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470433/. Ngày truy cập: 08/12/2023

Phiên bản hiện tại

08/12/2023

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn ở trẻ

Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 08/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo