Nhiều người cho rằng, ho là triệu chứng thông thường của cảm lạnh. Tuy nhiên, bạn cũng đừng xem nhẹ triệu chứng này bởi vì nó có thể là dấu hiệu của bệnh hen phế quản dạng ho.
Việc ho liên tục nhiều tuần không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng của bệnh hen phế quản dạng ho. Vậy, bệnh này có những triệu chứng gì và cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
Tìm hiểu chung
Hen phế quản dạng ho là bệnh gì?
Hen phế quản dạng ho là một dạng hen suyễn với triệu chứng chính là ho khan, không có đờm. Những bệnh nhân bị hen phế quản dạng này thường không có triệu chứng của của các dạng hen phế quản khác, như thở khò khè hoặc khó thở.
Bệnh đôi khi còn được gọi là ho mạn tính, dùng để mô tả tình trạng ho kéo dài hơn 6 – 8 tuần. Cơn ho do hen phế quản có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cả ban ngày lẫn ban đêm. Nếu bị hen về đêm, giấc ngủ của bạn có thể bị gián đoạn. Nhiều bệnh nhân nhận thấy cơn ho có thể tăng lên khi vận động. Không những thế, cơn ho còn có thể khởi phát khi bạn tiếp xúc với các chất gây hen hoặc chất gây dị ứng như bụi, nước hoa hoặc không khí lạnh.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen phế quản dạng ho
Người mắc bệnh này thường không biểu hiện các triệu chứng hen phế quản thông thường như thở khò khè hay khó thở. Thay vào đó, họ thường có triệu chứng điển hình là ho khan và không chứa đờm. Ho khan thường kéo dài ít nhất từ 6 – 8 tuần.
Ngoài ra, hen phế quản dạng ho cũng gây ra tình trạng sưng viêm trong đường dẫn khí. Vì vậy, nếu bạn bỏ qua hoặc không chữa trị bệnh này đúng cách, bệnh sẽ ngày càng trầm trọng và có thể phát triển thành hen phế quản mạn tính.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng các cơn ho dai dẳng có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc hội chứng chảy dịch mũi sau.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản dạng ho
Giống như những dạng hen phế quản khác, cho tới nay các nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh hen phế quản dạng ho. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phấn hoa có thể là một nhân tố dị ứng gây ra các cơn ho. Ngoài ra, những tình trạng nhiễm trùng khác trong đường dẫn khí cũng có thể khiến các cơn ho bộc phát.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh lý này có thể gặp nhiều hơn ở người sử dụng thuốc chẹn beta. Thông thường, những loại thuốc này được sử dụng để chữa trị các chứng bệnh như:
- Các bệnh về tim mạch
- Chứng đau nửa đầu
- Tăng huyết áp
- Nhịp tim không bình thường.
Thuốc chẹn beta còn được tìm thấy trong thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh tăng nhãn áp.
Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ ai và vào bất kỳ thời điểm nào trong đời. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhiều hơn ở trẻ nhỏ. Hen phế quản dạng ho có thể dẫn đến sự phát triển của các dạng hen phế quản khác.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh hen phế quản dạng ho?
Việc chẩn đoán bệnh hen phế quản dạng ho không phải là điều dễ dàng bởi bệnh này chỉ có một triệu chứng duy nhất là ho mạn tính. Nếu xuất hiện tình trạng ho liên tục trong 8 tuần mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán bệnh một cách chính xác.
Khi nghi ngờ bạn mắc bệnh nhưng kết quả chụp X-quang ngực và hô hấp ký bình thường thì bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành xét nghiệm methacholine. Methacholine là một chất kích thích cơn hen, khiến bạn bộc phát các cơn ho và co thắt phế quản. Nếu bạn phản ứng với methacholine thì chứng tỏ bạn đang mắc bệnh hen phế quản.
Những phương pháp điều trị hen phế quản dạng ho
Những liệu pháp chữa trị hen phế quản dạng ho tương tự như các liệu pháp điều trị bệnh hen phế quản thông thường, bao gồm:
- Thuốc steroid hoặc thuốc chống viêm dạng hít
- Ống hít trợ cứu hoặc ống hít có chứa các loại thuốc làm giảm viêm sưng nhanh chóng trong trường hợp các cơn hen cấp tính bộc phát.
Bạn nên lưu ý không nên tự ý dùng thuốc mà phải có sự chỉ dẫn kỹ càng của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.
Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện những điều sau để hạn chế các nguy cơ gây bệnh như:
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
- Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá
- Nhận biết được những chất dị ứng của bản thân
- Kiểm soát tình trạng dị ứng chặt chẽ.
Hen phế quản dạng ho thường không biểu hiện thành các triệu chứng cụ thể rõ rệt. Nếu bạn gặp tình trạng ho kéo dài từ 6 – 8 tuần, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
[embed-health-tool-bmi]