Bệnh viêm tĩnh mạch ngày nay rất phổ biến, chủ yếu ở những người trong độ tuổi lao động. Có đôi khi viêm hay viêm tắc tĩnh mạch không nguy hiểm nhưng cũng có trường hợp cần phải điều trị gấp, tránh ảnh hưởng tới tính mạng.
Vậy viêm tĩnh mạch là gì, có triệu chứng nào để nhận biết, mức độ nguy hiểm thế nào và cách để điều trị hiệu quả đều được đề cập trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung
Viêm tĩnh mạch là gì?
Tĩnh mạch mang máu nghèo oxy từ các mô, cơ quan trở lại tim để đi trao đổi khí. Viêm tĩnh mạch là tình trạng bên trong những mạch máu này bị viêm.
Nếu cục máu đông là nguyên nhân gây viêm, tình trạng này được gọi là viêm tắc tĩnh mạch hoặc viêm tĩnh mạch huyết khối.
Các dạng viêm tĩnh mạch
Viêm tĩnh mạch có thể nông hoặc sâu.
Viêm tĩnh mạch nông xảy ra trên các tĩnh mạch gần bề mặt da, thường không nghiêm trọng nhưng vẫn cần điều trị. Nguyên nhân có thể do cục máu đông hoặc một yếu tố nào đó gây kích ứng mạch máu.
Viêm tĩnh mạch sâu là tình trạng viêm trong những tĩnh mạch nằm sâu trong cơ thể, có quy mô lớn hơn, chẳng hạn như tĩnh mạch ở chân. Phần lớn trường hợp là do cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu) với hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm tĩnh mạch là gì?
Các triệu chứng thường ảnh hưởng đến cánh tay hoặc chân bị bệnh. Bao gồm: các đường vằn chi chít như mạng nhện hoặc vệt đỏ trên cánh tay hay chân, sưng tấy, nóng, nhạy cảm hơn với đau.
Nếu bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, bạn cũng có thể thấy đau ở bắp chân hoặc đùi. Cơn đau rõ ràng hơn khi đi bộ hoặc gập chân.
Riêng đối với viêm tĩnh mạch huyết khối sâu, chỉ có 50% bệnh nhân có triệu chứng. Đây là lý do mà bệnh có thể không được chẩn đoán cho đến khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như thuyên tắc phổi hay tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Bệnh viêm tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Viêm tĩnh mạch nông thường không dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, nhưng có thể gây ra các vết thương trên da, dẫn đến nhiễm trùng da xung quanh, thậm chí là nhiễm trùng máu. Khi cục máu đông trong tĩnh mạch nông đủ lớn và ảnh hưởng đến tĩnh mạch sâu, bạn có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Đôi khi, mọi người không biết rằng mình có huyết khối tĩnh mạch sâu cho đến khi trải qua biến chứng đe dọa tính mạng. Biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất của bệnh là thuyên tắc động mạch phổi. Bệnh này xảy ra khi một cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi để chặn dòng máu. Các triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi bao gồm: Khó thở không giải thích được, đau ngực, ho ra máu, đau khi thở sâu, thở nhanh, cảm thấy choáng váng, nhịp tim nhanh
Gọi cấp cứu nếu bạn nghĩ rằng mình hoặc ai đó bị thuyên tắc động mạch phổi. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế cần được điều trị ngay lập tức.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây viêm tĩnh mạch?
Viêm tĩnh mạch là do chấn thương hoặc niêm mạc mạch máu bị kích thích. Trong trường hợp viêm tĩnh mạch nông, nguyên nhân có thể do:
- Đặt ống thông IV
- Tiêm thuốc kích thích vào tĩnh mạch
- Một cục máu đông nhỏ
- Nhiễm trùng
Trong trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu, nguyên nhân có thể bao gồm:
- Kích thích hoặc chấn thương tĩnh mạch sâu do phẫu thuật, gãy xương, chấn thương nghiêm trọng hoặc từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó.
- Lưu lượng máu chậm do thiếu vận động, có thể xảy ra nếu bạn tĩnh dưỡng lâu trên giường sau phẫu thuật hoặc đi du lịch trong một thời gian dài.
- Máu có nhiều khả năng đông máu hơn bình thường, có thể là do thuốc, ung thư, rối loạn mô liên kết hoặc tình trạng đông máu di truyền.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm tĩnh mạch?
- Từng bị huyết khối tĩnh mạch sâu
- Rối loạn đông máu
- Sử dụng liệu pháp hormone hoặc thuốc tránh thai
- Mắc một số loại ung thư và đang điều trị ung thư
- Mang thai
- Thừa cân hoặc béo phì
- Hút thuốc lá
- Lạm dụng rượu
- Trên 60 tuổi
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh?
Bệnh có thể được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng và một số xét nghiệm. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều phải trải qua 3 bước này, có những trường hợp chỉ cần thông qua triệu chứng là có thể chẩn đoán.
Bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm để kiểm tra dòng máu chảy qua tĩnh mạch và động mạch hay chụp cắt lớp vi tính CT hoặc cộng hưởng từ MRI nếu siêu âm không hiệu quả để kiểm tra sự hiện diện của cục máu đông. Xét nghiệm máu cũng có thể cho thấy dấu hiệu của cục máu đông, các rối loạn đông máu.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm tĩnh mạch?
Điều trị viêm tĩnh mạch nông có thể bao gồm tháo ống thông IV, nén ấm hoặc kháng sinh nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng.
Để điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, bạn có thể cần phải uống thuốc chống đông máu.
Nếu phạm vi huyết khối tĩnh mạch sâu là rộng và gây ra các vấn đề đáng kể với quá trình lưu thông máu, cần phải tiêu trừ cục máu đông. Trong thủ tục này, bác sĩ phẫu thuật chèn một dây và ống thông vào tĩnh mạch bị ảnh hưởng để loại bỏ các cục máu đông. Bác sĩ cũng có thể làm tan cục máu đông bằng thuốc.
Bạn sẽ được đặt ống lọc nếu có huyết khối tĩnh mạch sâu và có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi nhưng không thể dùng thuốc làm loãng máu. Thủ thuật này sẽ không ngăn ngừa cục máu đông hình thành, nhưng sẽ ngăn chặn cục máu đông di chuyển đến phổi.
Tuy nhiên, phương pháp đặt ống lọc có thể gây ra các biến chứng như:
- Nhiễm trùng
- Tổn thương tĩnh mạch chủ, đe dọa đến tính mạng
- Mở rộng mạch máu xung quanh bộ lọc, cho phép cục máu đông đi qua bộ lọc và vào phổi
Bác sĩ cũng sẽ điều trị các yếu tố nguy cơ khiến bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Phòng ngừa
Làm thế nào để phòng ngừa viêm tĩnh mạch?
Nếu bạn có nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu, một số cách bạn có thể áp dụng để ngăn chặn cục máu đông hình thành, bao gồm:
- Thảo luận về các yếu tố nguy cơ của bạn với bác sĩ, đặc biệt là trước khi phẫu thuật.
- Tập đi bộ càng sớm càng tốt sau khi phẫu thuật.
- Đeo vớ nén.
- Duỗi chân và uống nhiều nước khi đi du lịch.
- Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể bao gồm thuốc làm loãng máu.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.