backup og meta

Viêm gan tối cấp là gì?

Viêm gan tối cấp là gì?

Viêm gan tối cấp là bệnh có thể xảy ra ở những người trước đó đã có bệnh gan ổn định hoặc chưa từng có các vấn đề về gan. Mặc dù hiếm gặp, nhưng bệnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng một cách nhanh chóng.

Vậy viêm gan tối cấp là gì? Làm thế nào để nhận biết và điều trị viêm gan tối cấp? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé. 

Tìm hiểu chung

Viêm gan tối cấp là gì?

Viêm gan tối cấp được định nghĩa là tình trạng viêm gan giai đoạn cuối, khi gan bắt đầu suy yếu rất nhanh chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân. Nhu mô gan sẽ hoại tử ồ ạt và giảm kích thước gan (teo vàng cấp tính). 

Một đặc điểm khác nữa là hội chứng này có thể gây ra một số tổn thương thứ phát như rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, biến chứng thần kinh và cuối cùng là dẫn đến suy đa tạng. 

Thông thường, viêm gan tối cấp có thể xảy ra sau khi bệnh nhân bị nhiễm một số loại virus viêm gan, viêm gan do rượu, hoặc tổn thương gan do ngộ độc thuốc.

Triệu chứng

Triệu chứng viêm gan tối cấp là gì?

triệu chứng viêm gan tối cấp

Các triệu chứng của viêm gan tối cấp phát triển và trở nên nghiêm trọng rất nhanh chóng. Tình trạng của bệnh nhân xấu đi do các tổn thương thứ phát ở não (bệnh não gan), tiến triển đến hôn mê và phù não chỉ trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần. Rối loạn đông máu thường do suy gan hoặc đông máu lan tỏa trong lòng mạch và có thể phát triển thành suy thận chức năng (hội chứng gan thận).

Cụ thể, ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện như:

  • Cảm thấy không khỏe
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Khó chịu hoặc đau dạ dày
  • Chán ăn, ăn kém

Các biểu hiện nặng hơn thường gặp khi bệnh nhân ở giai đoạn trung gian và giai đoạn cuối:

  • Vàng da hoặc nhãn cầu (vàng da)
  • Chảy máu dưới da, niêm mạc hoặc bầm tím nhiều hơn
  • Giảm sự tập trung
  • Thay đổi tính cách, hành vi bất thường, cáu kỉnh hơn hoặc mất phương hướng
  • Buồn ngủ, ngủ gà
  • Trướng bụng do tích tụ chất lỏng (hiện tượng cổ trướng)

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây suy gan tối cấp

Mặc dù trong nhiều trường hợp, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan tối cấp. Nhưng nhìn chung, bệnh thường có thể xảy ra do các nguyên nhân phổ biến sau:

  • Dùng quá liều thuốc kháng sinh (tetracycline), thuốc điều trị ung thư (methotrexat), thuốc giảm đau (paracetamol), chất gây nghiện (amphetamine) hoặc một số loại thuốc khác có thể khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng và gây suy gan. Trong đó, ngộ độc paracetamol là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất.
  • Virus. Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), herpes simplex (HSV), cytomegalo (CMV) hay viêm gan siêu vi  A, B, C, D hoặc E đều có thể dẫn đến suy gan một cách đột ngột. Đặc biệt là viêm gan siêu vi B và siêu vi A.
  • Viêm gan tự miễn. Điều này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và gây tổn thương các tế bào gan.
  • Ung thư. Khi các khối u xuất hiện ở gan hoặc di căn từ cơ quan khác đến gan sẽ khiến gan nhanh chóng bị hỏng.
  • Các vấn đề liên quan đến mạch máu. Hội chứng Budd-Chiari, bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch, sốc hoặc suy tim có thể dẫn đến suy gan.
  • Ngộ độc nấm. Các loại nấm hoang dã như nấm độc xanh đen (amanita phalloides) có chứa độc tố rất mạnh, gây nguy hiểm đến gan.
  • Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn bao gồm: bệnh M Wilson, rối loạn chuyển hóa đường galactose (galactosemia), bệnh thiếu hụt alpha-1-AT, bệnh tyrosin máu (tyrosinemia), hội chứng mắt đỏ, hội chứng HELLP ở thai phụ (thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu).

Chẩn đoán và điều trị

Làm sao để chẩn đoán viêm gan tối cấp?

điều trị viêm gan tối cấp

Để chẩn đoán chính xác viêm gan tối cấp, cần phải có sự kết hợp đầy đủ giữa biện pháp đánh giá lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. 

Bước đầu, bác sĩ có thể khai thác một số thông tin về tiền sử bệnh, bất kỳ lần sử dụng chất gây nghiện nào trước đây hoặc liệu bạn có tiếp xúc với chất độc hay không. Kèm theo đó là việc xem xét các triệu chứng của bệnh viêm gan, cũng như kiểm tra mức độ tỉnh táo của bạn. 

Đồng thời, một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được yêu cầu thực hiện để tìm ra nguyên nhân bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp MRI hoặc CT
  • Các xét nghiệm sinh hóa để đánh giá chức năng gan 
  • Sinh thiết gan
  • Đo lường thời gian prothrombin (PT) và INR

Điều trị viêm gan tối cấp

Phương pháp điều trị sẽ được quyết định dựa vào nguyên nhân gây ra viêm gan tối cấp. Nếu gan đột ngột suy yếu do dùng quá liều paracetamol thì thuốc giải độc N-acetylcystein là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Loại thuốc này có hiệu quả nhất nếu được sử dụng trong vòng 8 giờ sau khi ngộ độc paracetamol, tuy nhiên thuốc vẫn có thể giúp ích trong trường hợp ngộ độc mãn tính paracetamol.

Tương tự, bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc giải độc khác để giúp đảo ngược tác động của chất độc từ nấm và giúp giảm tổn thương gan.

Các thuốc kháng virus có thể hiệu quả đối với người mắc viêm gan tối cấp do nguyên nhân nhiễm virus. Đặc biệt, nếu viêm gan cấp là kết quả của viêm gan siêu vi B, việc điều trị bằng nucleoside đường uống hoặc các chất tương tự nucleotide có thể tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân.

Steroid là thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp viêm gan tự miễn.

Cuối cùng, nếu các phương pháp điều trị không thể giúp gan hoạt động bình thường trở lại, bệnh nhân có thể cần cấy ghép một lá gan mới. Đây là phương pháp mang lại hy vọng sống sót tốt nhất ở người lớn. Trẻ em thường có khả năng phục hồi tốt hơn mà không cần cấy ghép gan.

Trong quá trình chờ đợi tế bào gan khôi phục hoặc chờ cấy ghép gan, bác sĩ có thể xem xét và điều trị các triệu chứng như phù não, nhiễm trùng, rối loạn đông máu,… để cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Kiểm soát bệnh

Làm thế nào để kiểm soát viêm gan tối cấp?

Mặc dù những bệnh nhân mắc hội chứng viêm gan tối cấp là một nhóm không đồng nhất, nhưng họ có các đặc điểm lâm sàng giống nhau như mất chức năng gan cấp tính, phản ứng viêm toàn thân và suy đa tạng. 

Cho đến nay, không có liệu pháp đơn lẻ nào được chứng minh là có thể cải thiện kết quả ở tất cả bệnh nhân. Do đó, mục đích chính của việc kiểm soát bệnh là hỗ trợ và đối phó với bất kỳ biến chứng nào có thể xuất hiện.

Bệnh nhân cần được theo dõi trong phòng chăm sóc đặc biệt và phải được chuyển đến các cơ sở y tế phù hợp càng sớm càng tốt nếu có chỉ định cấy ghép gan. Hầu hết các trường hợp bị viêm gan tối cấp đều có rối loạn chức năng tuần hoàn. Vì vậy, thông số đông máu, công thức máu, chỉ số chuyển hóa (bao gồm cả glucose) và động mạch khí máu nên được kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, giám sát và điều trị kịp thời nhiễm trùng cũng có vai trò rất quan trọng. 

Hiện nay, khả năng sống sót của bệnh nhân viêm gan tối cấp đã được cải thiện do có thể nhận biết sớm và kiểm soát bệnh đặc biệt tốt hơn. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao nếu không được cấy ghép gan hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, bệnh nhân bị suy nhiều cơ quan. 

Như vậy bạn đã hiểu viêm gan tối cấp là gì. Đây là một hội chứng có tốc độ tiến triển rất nhanh và rất nguy hiểm nếu không có biện pháp điều trị kịp thời. Quan trọng hơn hết là bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải hội chứng này. Chính vì thế, mỗi người chúng ta nên chủ động thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên để bảo vệ bản thân được tốt nhất.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fulminant Hepatitis. https://www.msdmanuals.com/professional/hepatic-and-biliary-disorders/hepatitis/fulminant-hepatitis. Ngày truy cập 18/05/2021

Fulminant Hepatitis: Definitions, Causes and Management https://www.researchgate.net/publication/271286077_Fulminant_Hepatitis_Definitions_Causes_and_Management. Ngày truy cập 18/05/2021

Fulminant Hepatitis. https://www.uofmhealth.org/health-library/hw118500. Ngày truy cập 18/05/2021

Fulminant Hepatitis.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7101741/. Ngày truy cập 18/05/2021

Fulminant Hepatitis. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12891732/. Ngày truy cập 18/05/2021

Phiên bản hiện tại

24/05/2021

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Triệu chứng viêm gan B xuất hiện khi nào và kéo dài bao lâu?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 24/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo