Một nghiên cứu vào năm 2006 cho thấy, nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng máu có xu hướng tăng do bệnh không được điều trị sớm và đúng cách. Chính vì thế, việc phát hiện và chữa trị kịp thời chính là cách tốt nhất để kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân nhiễm trùng máu.
Nhiễm trùng máu là một biến chứng nguy hiểm tiềm tàng của nhiễm trùng. Vì lẽ đó, bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai và trong bất kỳ thời gian nào.
Bệnh nhiễm trùng máu phổ biến như thế nào?
Nhiều người vẫn nghĩ nhiễm trùng máu là một bệnh rất hiếm gặp, nhưng nó phổ biến hơn những gì chúng ta nghĩ. Ước tính riêng ở Hoa Kỳ, hàng năm có đến khoảng 1,7 triệu người nhập viện vì nhiễm trùng máu. Bệnh này cũng nằm trong top 10 bệnh nguy hiểm nhất thế giới.
Trong số những người nhập viện vì nhiễm trùng máu, tỷ lệ tử vong chiếm tới 15-30%. Số ca nhiễm trùng máu cũng tăng vọt trong những năm gần đây.
Theo nhiều nghiên cứu, việc gia tăng tuổi thọ trung bình của dân số hiện nay có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của căn bệnh nhiễm trùng máu. Nguyên do là bệnh có nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người lớn tuổi và những người mắc các bệnh mạn tính do tuổi tác (như viêm phổi, bệnh tim, bệnh về đường tiết niệu…).
Kháng sinh cũng góp phần vào việc gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng máu. Bởi lẽ, nhiều người có xu hướng sử dụng kháng sinh bừa bãi và không kiểm soát, dẫn tới tình trạng đề kháng kháng sinh, kéo theo nhiều bệnh nhiễm trùng không thể điều trị dứt điểm.
Những cách điều trị nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng máu ở bất kỳ mức độ nào cũng có khả năng đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, nhịp tim nhanh, thở gấp. Khi nhiễm trùng tiến triển, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở, đau dạ dày và chóng mặt. Nhiễm trùng máu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sốc nhiễm trùng, gây hạ huyết áp quá mức và suy đa tạng.
Hướng chữa trị nhiễm trùng máu phụ thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những cách điều trị nhiễm trùng máu phổ biến là:
Cách điều trị nhiễm trùng máu bằng thuốc kháng sinh
Mặc dù có nhiều sinh vật khác nhau gây nhiễm trùng máu như vi khuẩn, virus hay nấm, song phương pháp điều trị chính cho bệnh vẫn là dùng thuốc kháng sinh, do đa số các trường hợp nhiễm trùng đều do vi khuẩn gây ra.
Bác sĩ sẽ kê cho bạn các kháng sinh phổ rộng ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm chính xác loài vi khuẩn, virus hay nấm nào gây ra bệnh. Đây được xem là một cách dự phòng, tránh cho việc điều trị trở nên quá muộn.
Các kháng sinh phổ rộng thường được dùng trong nhiễm trùng máu là ceftriaxone, azithromycin, ciprofloxacin, vancomycin, piperacillin và tazobactam.
Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng máu nhẹ, họ có thể dùng kháng sinh đường uống tại nhà theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, người bệnh cần tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch và nhập viện để theo dõi.
Điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng nấm
Đôi khi nhiễm trùng máu là do nhiễm virus hoặc nấm. Nếu các xét nghiệm xác nhận điều này, bác sĩ sẽ chuyển từ kháng sinh sang thuốc kháng virus hay kháng nấm.
Khác với kháng sinh và thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm chỉ được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch. Các bệnh nhiễm nấm có thể phát triển thành nhiễm trùng máu bao gồm nhiễm nấm âm đạo, nấm da và nấm ở trong phổi.
Truyền dịch
Khi bị nhiễm trùng máu, huyết áp của người bệnh sẽ hạ xuống mức thấp. Chính vì vậy, chỉ dùng thuốc kháng sinh là không đủ để điều trị bệnh.
Chất lỏng giúp tăng thể tích máu và ngăn ngừa mất nước – hai yếu tố tác động tới huyết áp người bệnh. Cho nên, cách tốt nhất để tăng huyết áp cho người bệnh là truyền dịch.
Các chất dùng để truyền dịch chủ yếu là nước muối bình thường hay nước có chứa các khoáng chất.
Cách điều trị nhiễm trùng máu: Liệu pháp oxy
Liệu pháp oxy giúp tăng lượng oxy mà phổi nhận được và lượng oxy cung cấp cho máu. Có nhiều cách khác nhau để cung cấp oxy cho cơ thể, chẳng hạn như ống thông qua mũi, mặt nạ oxy hay máy thở.
Phẫu thuật
Một khi bác sĩ đã xác định được nguồn gốc của nhiễm trùng, bạn sẽ phải làm phẫu thuật để chữa bệnh tận gốc. Đặc biệt khi bạn có áp xe (túi mủ hình thành do biến chứng của nhiễm trùng, thường nằm trên da hoặc bên trong cơ thể) thì phải phẫu thuật cắt bỏ ngay lập tức.
Các liệu pháp hỗ trợ trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm trùng máu
Các liệu pháp hỗ trợ cho điều trị sẽ dựa vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân, chẳng hạn như:
- Nếu bệnh nhân có số lượng hồng cầu trong máu thấp thì sẽ được truyền máu để ngăn ngừa thiếu máu và cải thiện lượng oxy trong cơ thể.
- Khi nhiễm trùng máu tiến triển, tổn thương thận có thể xảy ra. Nếu thận ngừng hoạt động, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc thay ghép thận.
- Nhiễm trùng máu không chỉ gây hại cho thận mà còn tổn thương các cơ quan khác như tim, phổi. Do đó, bác sĩ phải luôn theo dõi chặt chẽ chức năng tim và phổi.
- Một số người bị nhiễm trùng huyết nặng và sốc nhiễm trùng cũng bị tăng đường huyết đi kèm. Khi ấy, họ sẽ được tiêm insulin đường tĩnh mạch.
- Ngoài ra, khi truyền dịch không đủ để làm huyết áp trở về bình thường, bác sĩ sẽ dùng các thuốc vận mạch làm co mạch máu và tăng huyết áp cho người bệnh.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về những cách điều trị nhiễm trùng máu thường gặp. Nhiễm trùng máu là một tình trạng nguy hiểm, vì vậy bạn cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để nhanh hồi phục.